Trong câu chuyện 'Khoa Học và Đời Sống' tuần này, Nguyễn Lê sẽ đề cập đến những quan ngại về ảnh hưởng của tình trạng ô nhiễm không khí đối với Olympic Bắc Kinh, cũng như tác động tích cực của những người bỏ được thói quen hút thuốc lá đối với những người hút thuốc khác, cùng với một báo cáo của LHQ liên quan đến việc điều trị bệnh AIDS. Bài này dựa trên tường trình của các TTV đài VOA: Brianna Blake, Elizabeth Stern và Caty Weaver.
Các quan chức Trung Quốc đang tiến hành những công cuộc chuẩn bị cuối cùng cho đại hội thể thao Olympic Bắc Kinh. Các cuộc thi đấu sẽ chính thức bắt đầu vào ngày 8 tháng 8. Vừa qua, các hãng tin quốc tế đã đề cập đến chất lượng không khí ở thủ đô của Trung Quốc. Vào cuối tháng trước, mức độ ô nhiễm không khí ở Bắc Kinh đã tăng vọt. Tình trạng ô nhiễm này đã tệ hại đến nỗi cơ quan bảo vệ môi trường của thành phố này đã phải cảnh báo dân chúng có bệnh về đường hô hấp nên tránh các hoạt động ngoài trời. Giới hữu trách đổ cho một trận bão cát đã gây ra tình trạng này.
Ô nhiễm không khí có thể là một vấn đề nghiêm trọng đối với những vận động viên thi đấu trong môn điền kinh. Một số bác sĩ đã khuyên các vận động viên Olympic tránh luyện tập ở Trung Quốc vì có thể có hại cho sức khỏe của họ. Ví dụ, vận động viên môn chạy của Ethiopia, anh Haile Gebrselassie, có bệnh suyễn; vì vậy anh đã quyết định không tham gia môn chạy đua maratông vì lý do sức khỏe.
Ủy ban Olympic Quốc tế đã tuyên bố sẽ hủy bỏ hoặc dời lại một số cuộc thi đấu Olympic - như môn chạy đua maratông chẳng hạn -nếu chất lượng không khí quá nguy hiểm đối với các vận động viên.
Theo một số tổ chức quốc tế, Bắc Kinh là một trong số những thành phố bị ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất thế giới. Tình trạng ô nhiễm này do nhiều nguyên nhân, trong số đó có xe ôtô và việc sử dụng than làm nhiên liệu. Các quan chức Trung Quốc đang tìm cách giải quyết các vấn đề này bằng cách giảm bớt số lượng xe cộ lưu thông và ra lệnh dùng khí đốt thay cho than. Nhà chức trách thủ đô Bắc Kinh cũng đã chỉ thị cho các khu vực lân cận phải giảm bớt mức độ ô nhiễm không khí.
Đồng thời, Trung Quốc cũng đang dùng các vệ tinh để giúp dự báo điều kiện thời tiết. Thời tiết có thể ảnh hưởng đến mức độ ô nhiễm không khí vì những tác động của gió và mựa.
Nhưng theo một chuyên gia về thời tiết thì ô nhiễm có thể không phải là vấn nạn lớn nhất mà các vận động viên Olympic phải đối phó. Ông Dough Charko là chuyên viên phụ trách theo đỏi thời tiết cho đoàn vận động viên Olympic của Canada. Ông đã nghiên cứu điều kiện thời tiết ở Bắc Kinh trong mùa hè năm ngoái để dự báo về những vấn đề mà các vận động viên nước ông có thể phải đối phó tại đại hội thể thao Bắc Kinh năm nay. Công trình nghiên cứu của ông cho thấy rằng sức nóng và độ ẩm có thể gây nhiều trở ngại cho vận động viên hơn là chất lượng không khí. Độ ẩm là số đo về tình trạng ẩm ướt, đặc biệt là trong không khí.
Ông Charko cũng cho biết là những nỗ lực đã được thực hiện ở Trung Quốc nhằm giảm mức độ ô nhiễm chỉ đạt được những kết quả nhỏ nhoi. Ông ghi nhận rằng Bắc Kinh có dân số lên đến 18 triệu người. Theo ông, với một số cư dân đông đảo như vậy, khó có thể hạn chế khối lượng to lớn các chất gây ô nhiễm được thải vào không khí.
Bỏ hút thuốc lá
Quý vị có muốn bỏ hút thuốc không? Nếu quý vị có quen biết những người đang bỏ thói quen này, thì quý vị có thể thực hiện được ý định giã từ thuốc lá một cách ít khó khăn hơn. Một công trình nghiên cứu mới đây cho thấy rằng những người đã bỏ hút thường có một ảnh hưởng tích cực đối với những người chung quanh, giúp họ bỏ hút dễ dàng hơn. Công trình nghiên cứu này được đăng tải trên Tập san y học New England của Mỹ trong số ra tháng 5 năm nay.
Hai chuyên gia Mỹ dẫn đầu cuộc nghiên cứu vừa kể. Đó là các ông Nicholas Christakis thuộc Đại Học Havard và James Fowler thuộc Đại học Bang California ở Thành phố San Diego. Hai ông xem xét thói quen hút thuốc và phong tục tập quán của 12 ngàn người trong thời gian 32 năm. Những thông tin hai ông sử dụng trong cuộc nghiên cứu này được thu thập từ năm 1971 đến năm 2003. Con số 12 ngàn cá nhân tham gia lần này là một phần của một dự án nghiên cứu rộng lớn hơn được gọi là Cuộc Nghiên cứu Tim mạch Framingham.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng người ta thường bỏ hút theo từng nhóm. Những người có gia đình có ảnh hưởng lớn đối với người hôn phối. Những người hút thuốc có vợ hay chồng bỏ hút thường không tiếp tục hút trong 67 phần trăm trường hợp. Những người có bạn bè bỏ hút thường cũng không tiếp tục hút trong 36 phần trăm trường hợp. Và những người có anh chị em bỏ hút thường ngưng hút theo trong 25 phần trăm trường hợp. Ngay cả những người không quen biết gì với nhau nhưng có quen chung một người bỏ hút cũng có ảnh hưởng đối với nhau.
Công trình nghiên cứu của hai ông Nichcolas Christakis và James Fowler cũng cho thấy rằng những cá nhân có trình độ học vấn cao có ảnh hưởng đối với người khác nhiều hơn, so với những người có trình độ học vấn thấp hơn.
Ở Hoa Kỳ, có khoảng 44 triệu người hút thuốc. Nhưng số người Mỹ hút thuốc đã giảm xuống trong 30 năm qua. Các nhà nghiên cứu thấy rằng những người hút và những người không hút bắt đầu tổ chức các nhóm xã hội riêng rẽ trong khoảng thời gian đó. Việc dùng thuốc lá đã trở thành một thói quen ít được xã hội chấp nhận hơn trước, vì càng ngày người ta càng hiểu rõ hơn về những nguy hiểm do việc hút thuốc gây ra.
Phát hiện này có thể giúp cho các chiến dịch bảo vệ sức khỏe quần chúng đạt được những kết quả khả quan hơn bằng cách hướng việc phổ biến các thông tin đến các đoàn thể xã hội thay vì đến từng cá nhân.
Các nhà nghiên cứu nói rằng những người không chịu bỏ hút có thể dần dần bị mất bạn bè và những mối quan hệ xã hội khác. Vì việc hút thuốc càng ngày càng được xã hội ít chấp nhận hơn, những người hút thuốc sẽ bị sức ép ngày càng lớn buộc phải bỏ hút.
Ông Steven Schroeder là giáo sư y học tại Đại học Bang California ở Thành phố San Francisco. Ông nói rằng công trình nghiên cứu của hai Ông Nicholas Christakis và James Fowler là một tin đáng mừng, bởi vì nó cho thấy rằng có nhiều người hút thuốc đang phải nhượng bộ dưới áp lực của những người chung quanh và phải bỏ hút. Nhưng ông nói rằng những người hút thuốc không nên bị lên án vì họ cảm thấy việc bỏ hút là một điều rất khó khăn.
Ðiều trị bệnh AIDS
Và sau hết, Liên Hiệp Quốc cho biết hiện nay có gần 3 triệu người ở các nước đang phát triển đang được cung cấp thuốc chống vi-rút HIV. Đây là một sự gia tăng gần 1 triệu người so với 2 năm trước đây. Tuy nhiên, trước đây LHQ từng hy vọng đạt được con số 3 triệu người được cung cấp thuốc trước năm 2005.
Các số liệu vừa nêu đã được Tổ chức Y tế Thế giới, Quỹ Nhi đồng LHQ, và Cơ quan phòng chống AIDS của LHQ loan báo hồi đầu tháng 6. Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới, Bà Margaret Chan hoan nghênh tiến bộ đã đạt được. Nhưng bà ghi nhận rằng liệu pháp chống vi-rút không thôi sẽ không giúp giải quyết được vấn đề. Bà nói: “Cứ mỗi 2 người mà tôi có thể xoay xở để điều trị cho họ bằng liệu pháp chống vi-rút thì lại có 5 người khác bị nhiễm bệnh. Vì vậy, chúng ta không thể đánh giá thấp hiệu quả của biện pháp phòng bệnh.”
Báo cáo mới của LHQ nói rằng có gần 75 phần trăm số người được cung cấp thuốc chống vi-rút HIV sinh sống ở Châu Phi. Và 60 phần trăm trong số những bệnh nhân bị nhiễm HIV ở Châu Phi là phụ nữ.
Liệu pháp chống vi-rút nhằm khống chế vi-rút HIV, giúp bệnh nhân sống lâu hơn và không phát bệnh AIDS - một chứng bệnh làm cho cơ thể bị mất khả năng tự vệ tự nhiên chống lây nhiễm.
Năm ngoái có khoảng 9 triệu 700 ngàn người cần được điều trị chống HIV ở những vùng cư dân có thu nhập thấp hay trung bình. Báo cáo mới của LHQ nói rằng đến cuối năm 2007, chỉ mới có trên 30 phần trăm trong số này được điều trị.
Báo cáo của LHQ cho biết việc giảm giá thuốc men là một trong những lý do chính giúp có thêm nhiều người bị nhiễm vi-rút HIV được điều trị theo liệu pháp chống vi-rút, trong số này số thai phụ cũng nhiều hơn trước. Đồng thời, các hệ thống cung cấp thuốc men cũng đã được cải thiện để phục vụ từng nước riêng rẽ và các trung tâm y tế nhỏ hơn. Phương pháp điều trị cũng được đơn giản hóa hơn trước.
Nhưng báo cáo của LHQ cũng ghi nhận rằng vẫn còn tồn tại những chướng ngại lớn trong việc đối phó với dịch bệnh AIDS. Việc thuyết phục bệnh nhân tiếp tục chữa bệnh vẫn là một chuyện khó khăn. Vẫn có nhiều người chưa được khám nghiệm để tìm vi-rút HIV. Và nhiều người khác thì lại được khám nghiệm quá trễ và qua đời trong vòng vài tháng sau đó.
Báo cáo của LHQ cũng nói rằng việc điều trị chống vi-rút HIV vẫn chưa được kết hợp một cách thích đáng với việc điều trị các chứng bệnh liên hệ khác thường làm chết nhiều bệnh nhân AIDS nhất. Ví dụ, bệnh lao là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho những người mắc bệnh AIDS ở Châu Phi.
Ngoài ra cũng còn một nguyên nhân khác là việc thiếu các chuyên viên y tế trong thế giới các nước đang phát triển. Một số khá lớn các chuyên viên y tế ở những nước này đã di cư sang các nước giàu có để được hưởng đồng lương cao hơn và đời sống tốt đẹp hơn.