Đường dẫn truy cập

Ðàm phán thương mại: Hoa Kỳ đề nghị giảm trợ cấp nông nghiệp


Hoa Kỳ cho biết đã sẵn sàng cắt giảm các khoản trợ cấp nông nghiệp xuống dưới mức 15 tỉ đôla một năm, trong một cố gắng nhằm chung kết vòng đàm phán DOHA, và qua đó giúp đẩy mạnh nền kinh tế thế giới. Đề nghị này được Hoa Kỳ đưa ra trong ngày thứ nhì của một hội nghị cấp bộ trưởng nhằm mục đích kết thúc các cuộc thương thuyết đã kéo dài 7 năm để hạ các rào cản thương mại. Từ Geneve, Thông tín viên Lisa Schlein gửi về bài tường thuật sau đây.

Đại diện thương mại Mỹ, Bà Susan Schwab, nói đề nghị của Hoa Kỳ phản ánh lời cam kết của Washington sẽ đóng một vai trò đi đầu trong nỗ lực đạt được một thỏa thuận thương mại quốc tế.

Hiện nay Hoa Kỳ ấn định mức tối đa cho các khoản trợ cấp nông nghiệp ở mức khoảng trên 48 tỉ đô la. Tuy nhiên, trên thực tế những khoản trợ cấp dành cho các nông gia Mỹ hồi năm ngoái chỉ lên tới 7 tỉ đôla, vì giá lương thực, thực phẩm tăng vọt trong năm qua khiến giới nông gia không cần được hỗ trợ nhiều như mọi năm.

Bà Schwab lưu ý rằng đề nghị cắt trợ cấp nông nghiệp xuống còn tối đa 15 tỉ đôla, thấp hơn 2 tỉ so với mức mà Hoa Kỳ đã hứa hồi năm ngoái. Bà nói Washington đã đưa ra đề nghị này để tạo điều kiện cho thương thuyết chóng đạt được kết quả.

Bà Schwab nói: “Đây là một bước quan trọng để bày tỏ thiện chí, với hy vọng sẽ được sự hưởng ứng của các nước khác bằng cách mở cửa thị trường. Quyết định của Hoa Kỳ cắt giảm các khoản trợ cấp nông nghiệp sẽ giảm đáng kể những khoản trợ giá nông phẩm, vốn vẫn làm sai lệch các giao dịch thương mại.”

Các cuộc thương thuyết được mệnh danh là vòng đàm phán Doha, nhắm tạo điều kiện để các giao dịch thương mại quốc tế được công bằng hơn đối với các nước nghèo. Trong thời gian qua, có nhiều áp lực buộc Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu phải cắt bớt các chương trình trợ giá nông phẩm, và cắt thuế quan đánh trên các nông phẩm nhập khẩu.

Các nước đang phát triển nói chính sách trợ giá tại các nước giàu đã khiến các nước này được hưởng lợi thế về thương mại, và như thế là bất công đối với các nước khác muốn cạnh tranh với họ trên các thị trường mở rộng.

Các nước giầu có nói họ sẵn sàng cắt bớt các khoản trợ giá nộng phẩm, nhưng đổi lại, các nước kém phát triển phải mở cửa thị trường của họ cho các sản phẩm cũng như các dịch vụ khác.

Đại diện thương mại Hoa Kỳ, bà Susan Schwab nói quyết định cắt giảm trợ cấp đòi hỏi Hoa Kỳ phải điều chỉnh một số chương trình nộng nghiệp trong nước.

Bà Schwab nói: “Chúng tôi cần được trấn an rằng nếu các chương trình của chúng tôi thỏa mãn những đòi hỏi đó, thì chương trình ấy không trở thành đối tượng của các vụ kiện tụng để phải cắt giảm trợ cấp hơn thế nữa. Tôi xin nhắc lại rằng những đề nghị cắt giảm trợ cấp nông nghiệp không phải là những đè nghị đơn phương, mà đi kèm theo chúng là điều kiện các nước khác phải mở cửa thị trường của họ để nhập nông sản cũng như sản phẩm công nghệ khác của Hoa Kỳ.”

Phản ứng trước đề nghị của Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu nói đây là một đề nghị hợp lý, tuy nhiên còn có thể cải thiện hơn nữa. Đại biểu của Brazil nói đề nghị của Hoa Kỳ là một diễn tiến tích cực, thế nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu.



Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG