Thủ tướng Ấn Độ muốn nước ông đứng ở tuyến đầu trong nỗ lực đạt được việc giải giới hạt nhân trên toàn cầu. Cuộc vận động diễn ra vào một thời điểm mà chính phủ của thủ tướng Manmohan Singh đang tìm cách chung quyết một hiệp định về nhiên liệu hạt nhân dân sự với Hoa Kỳ. Từ New Delhi, phái viên đài VOA Steve Herman ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.
Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã khai mạc một hội nghị quốc tế về giải giới hạt nhân bằng lời hô hào các quốc gia trên thế giới lập ra một ‘khung thời gian’ để thế giới không còn vũ khí nguyên tử nữa. Ấn Độ nằm trong số 8 quốc gia trên thế giới đã công bố là có kho vũ khí hạt nhân. Phát biểu tại hội nghị ở New Delhi, thủ tướng Singh kêu gọi một thỏa thuận quốc tế toàn diện tiến tới việc thế giới không còn vũ khí hạt nhân nữa.
Ông Singh nói: “Hình thức hữu hiệu duy nhất của việc giải giới hạt nhân và loại trừ vũ khí hạt nhân là giải giới toàn cầu. Vũ khí hạt nhân không có giới hạn nào cả.”
Trong năm nay, Ấn Độ đã đệ trình lên Đại hội đồng Liên hiệp quốc một kế hoạch giải giới hạt nhân gồm 6 bước. Ấn Độ đã từng tỏ ra miễn cưỡng phải ký các hiệp ước tương tự với lập luận là các hiệp ước đó không công bằng bởi lẽ một số ít quốc gia sẽ được phép giữ lại vũ khí hạt nhân của mình một cách vô thời hạn.
Ấn Độ đã cho nổ thiết bị hạt nhân đầu tiên năm 1974 và thực hiện thêm 5 cuộc thử nghiệm vào tháng 5 năm 1998. Kình địch lâu đời của Ấn Độ là lân quốc Pakistan cũng có vũ khí hạt nhân. Cuộc vận động phi hạt nhân hóa vừa được Ấn Độ tái lập diễn ra 20 năm sau khi thủ tướng Ấn Độ thời đó là ông Rajiv Gandhi, trong khi phát biểu tại một phiên họp đặc biệt của Liên hiệp quốc, kêu gọi loại trừ tất cả các vũ khí hạt nhân. Lời kêu gọi đã nhận được rất ít sự chú ý.
Mặc dầu vừa đưa ra lại lời kêu gọi giải trừ vũ khí hạt nhân, thủ tướng Singh nhấn mạnh rằng Ấn Độ sẽ cần phải tăng cường khả năng sản xuất điện hạt nhân. Nền kinh tế đang bùng phát của Ấn Độ gặp trở ngại vì tình trạng thiếu điện nghiêm trọng.
Chính phủ của ông Singh đang cố gắng tranh thủ hậu thuẫn của các đồng minh tả khuynh để đạt được một hiệp ước hạt nhân dân sự có tính cách lịch sự với Hoa Kỳ. Hiệp ước này sẽ chấm dứt sự cô lập của Ấn Độ trong thị trường nhiên liệu hạt nhân thế giới, đã bị áp đặt vì các hoạt động phát triển hạt nhân ra ngoài các khuôn khổ quốc tế của Ấn Độ.
Để đổi lấy việc phân định các chương trình hạt nhân quân sự và dân sự, Ấn Độ sẽ có khả năng mua kỹ thuật hạt nhân và chất uranium vô cùng cấp thiết của nhóm cung cấp hạt nhân. Tổ chức 45 quốc gia này kiểm soát việc mua bán các chất liệu loại này trên trường quốc tế trong nỗ lực giảm thiểu việc phổ biến hạt nhân.