Đường dẫn truy cập

Nhiên liệu sinh học bị đả kích


Nhiên liệu sinh học từng được ca tụng như những sản phẩm có thể thay thế cho các loại nhiên liệu hoá thạch. Nhưng ngày nay nhiên liệu sinh học đang bị lên án là đã chiếm nhiều diện tích đất nông nghiệp trước nay vẫn dành cho việc sản xuất lương thực. Những người chỉ trích nhiên liệu sinh học lập luận rằng việc sản xuất loại nhiên liêu này không bền vững và đã làm cho giá lương thực trên thế giới tăng vọt. Những người ủng hộ thì lại cho rằng nhiên liệu sinh học là loại sản phẩm thay thế cho dầu mỏ duy nhất có thể được sản xuất một cách bền vững, và rằng người ta đã không công bằng khi quy cho nó trách nhiệm đã gây ra tình trạng khủng hoảng lương thực trên thế giới hiện nay. Trong câu chuyện 'Khoa học và Đời sống' hôm nay, Nguyễn Lê sẽ mang đến quý thính giả một số chi tiết liên quan đến chuyện tranh cãi này.

Các loại nhiên liệu sinh học như ethanol và diesel sinh học được tinh chế từ ngô, đổ tương, mía, và nhiều loại hạt có dầu khác. Hoa Kỳ sử dụng 1/3 sản lượng ngô của mình để sản xuất ethanol. Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, ethanol chiếm 3% tổng số xăng dùng ở Mỹ. Quốc hội Hoa Kỳ đã quy định sản lượng ethanol phải tăng thêm 57 tỷ lít trước năm 2015 để giảm bớt sự tùy thuộc của nước Mỹ vào đầu lửa của nước ngoài.

Brazil là nước đứng hàng đầu thế giới về việc xuất khẩu ethanol được chế tạo bằng mía. Châu Âu sản xuất phần lớn số lượng diesel sinh học của thế giới và đã quy định phải tăng sản lượng nhiên liệu sinh học thêm 3% trước năm 2020 để giúp giảm bớt số lượng các loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong không khí.

Cả Châu Âu lẫn Hoa Kỳ đang bỏ ra hàng tỷ đôla mỗi năm để bao cấp cho việc sản xuất nhiên liệu sinh học. Nhưng theo bà Katarina Wahlberg, một quan chức của Diễn đàn Chính sách Toàn cầu, một tổ chức có trụ sở ờ Thành phố New York chuyên theo dõi các hoạt động xây dựng chính sách của LHQ, thì việc tài trợ đó nên được chấm dứt.

Bà Wahlberg nói: "Có lẽ việc sản xuất nhiên liệu sinh học là nguyên nhân chủ yếu gây ra cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay. Khi chuyển đổi lương thực thành nhiên liệu, quý vị phải cạnh tranh về đất đai, về nguồn nước, về mọi thứ nguồn lực, và gây sức ép đối với kho dự trữ và giá cả lương thực. Ngoài ra, việc chuyển đổi này cũng không thể nào bền vững được về mặt môi trường. Các công trình nghiên cứu được thực hiện nhiều năm trước đây không dự kiến được quy mô của việc sản xuất nhiên liệu sinh học hiện nay. Đến nay, người ta đã thấy rõ là hoạt động này cạnh tranh về đất đai và nguồn cung cấp lương thực và hoàn toàn không có tính cách bền vững. Nó không có lợi cho môi trường. Nhiên liệu sinh học không phải là giải pháp cho việc bảo vệ môi trường."

Chính quyền của Tổng thống Bush cho rằng hoạt động sản xuất nhiên liệu sinh học dùng ngô làm nguyên liệu chỉ chiếm 3% trong mức giá cả lương thực gia tăng trên toàn cầu. Một số nhà phân tích đồng ý với lập luận đó và gợi ý rằng người ta đã không công bằng khi quy trách nhiệm cho các loại nhiên liệu sinh học đã làm cho giá cả lương thực tăng vọt trên toàn thế giới, vì nhiên liệu sinh học thuộc thế hệ thứ nhất hiện nay được làm bằng cây lương thực và chí mang lại những kết quả khiêm tốn về năng lượng.

Kỹ sư hoá học George Huber thuộc Đại học Massachusetts tại Thành phố Amherst nói rằng điều quan trọng là chúng ta phải phân biệt giữa nhiều loại nhiên liệu sinh học khác nhau. Ông Huber nhận định:

Thách thức thật sự ở đây là các loại nhiên liệu sinh học thuộc thế hệ thứ nhất. Quý vị đang lấy những sản phẩm nông nghiệp như ngô và trực tiếp dùng nó để sản xuất nhiên liệu sinh học. Với nhiên liệu sinh học thuộc thế hệ thứ hai, được gọi là nhiên liệu sinh học sản xuất bằng cellulose, thì quý vị sử dụng sinh khối không ăn được làm nguyên liệu. Quý vị dùng những chất thải nông nghiệp hoặc các loại cây năng lượng, tức là các loại nguyên liệu không trực tiếp cạnh tranh với lương thực. Trong trường hợp của nhiên liệu ethanol sản xuất bằng ngô và diesel sinh học, quý vị có thể lý luận rằng những khoản bao cấp có thể được loại bỏ. Nhưng việc bao cấp vẫn còn cần thiết để bảo đảm cho các loại nhiên liệu sinh học có thể cạnh tranh được với các loại nhiên liệu khác về mặt kinh tế, đặc biệt là việc bao cấp cho nhiên liệu sinh học được chế tạo bằng cellulose.

Một số nhà quan sát lập luận rằng giá cả lương thực tăng vọt đang buộc các nhà làm chính sách, đặc biệt ở Châu Âu, phải xét các chương trình bao cấp cho nhiên liệu sinh học. Theo ông Ken Ash, phó giám đốc đặc trách thương mại và nông nghiệp của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, một cơ quan đặt trụ sở ở Châu Âu, người ta nên xét lại những chương trình nào không thực tế hoặc thiếu hiệu quả.

Ông Ash đề nghị: "Những chính sách nào chỉ đạt được những lợi ích tương đối khiêm nhường về an ninh năng lượng, những lợi ích tương đối khiêm nhường về bảo vệ môi trường, nhưng phí tổn lại tương đối cao, thì nên được mang ra xét lại - đặc biệt là những chính sách của các nước thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế. Tôi nhớ Cơ quan Năng lượng Quốc tế từng nói rằng mục tiêu cao nhất mà người ta có thể đạt được trong thời hạn trung bình, không dài không ngắn, là khoảng 4 phần trăm của tổng số nhu cầu vận tải sẽ được đáp ứng bằng nhiên liệu sinh học."

Đồng thời, Ông Ash nói rằng tiềm năng của các loại nhiên liệu sinh học sản xuất bằng những vật liệu phế thải nên được thăm dò như một phần của tất cả các loại năng lượng thay thế.

Kỹ sư hóa học George Huber thuộc Đại học Massachusetts tại Thành phố Amherst nói rằng nguồn cung cấp sinh khối cellulose có đầy dẫy và rẻ tiền và phải được khai thác nếu muốn nhiên liệu sinh học có được một tác động lớn trong việc đáp ứng nhu cầu về nhiên liệu của thế giới.

Ông Huber giải thích thêm: "Sinh khối cellulose là các rừng cây, bãi cỏ, thảo mộc, và các vật liệu nông nghiệp phế thải. Nhiên liệu cellulose có thể giúp cải thiện đáng kể kinh tế của một số nước thuộc thế giới thứ ba, nơi có rất nhiều sinh khối. Sinh khối rất rẻ và dân chúng có thể bắt đầu tự sản xuất lấy để dùng hoặc bán ra ngoài thị trường tự do. Sinh khối phát triển nhanh hơn ở những khu vực gần xích đạo nhất. Do đó điều chúng ta cần làm là phải nghĩ ra phương cách thu hoạch sinh khối một cách bền vững và biến nó thành nhiên liệu"

Nhưng những người chỉ trích lo ngại rằng nhiên liệu sinh học có thể làm cho các nguồn tài nguyên thiên nhiên bị tàn phá nhanh hơn nữa. Bà Katarina Wahlberg, chuyên gia của Diễn đàn Chính sách Toàn cầu ở Thành phố New York, nói rằng công nghệ nhiên liệu sinh học cần được phát triển thêm.

Bà Wahlberg nhấn mạnh: "Hoặc là việc nghiên cứu và phát triển của các loại nhiên liệu sinh học này chưa tiến đủ xa để sản xuất được nhiên liệu sinh học có hiệu suất cao, hoặc là công tác này sẽ phải cạnh tranh về đất đai và nguồn nước với công tác sản xuất lương thực. Ngay cả các nhiên liệu sinh học do Brazil sản xuất cũng không có tính cách bền vững. Đã xảy ra trường hợp các công ty phá rừng ở Brazil để lấy đất sản xuất nhiên liệu sinh học. Một vài loại nhiên liệu sinh học tệ hại hơn những loại khác, và một số cung cấp được nhiều năng lượng hơn những loại khác. Ngay cả trong trường hợp đó, chúng cũng không có tính cách bền vững. Vì vậy tôi cho rằng người ta đã quá lạc quan về nhiên liệu sinh học."

Ông Paulo Sotero, giám đốc Viện Brazil tại Trung tâm Học giả Quốc tế Woodrow Wilson ở Thủ đô Washington, không đồng ý với đánh giá của Bà Wahlberg.

Ông Sotero nói: "Thật là một điều sai lầm khi người ta liên kết việc sản xuất mía để chế tạo ethanol ở Brazil với nạn phá rừng. Brazil đã thay thế được một nửa nhu cầu của về nhiên liệu hoá thạch cho xe ôtô mà chỉ dùng hơn 1% một chút diện tích đất canh tác của mình. Vì vậy, ở Brazil, hoàn toàn không có tranh luận về chuyện nhiên liệu cạnh tranh với lương thực. Brazil đã phát triển công nghiệp nhiên liệu sinh học của mình trong khi vẫn trở thành nước sản xuất và xuất khẩu nhiều lương thực nhất trên hành tinh này."

Nhiều chuyên gia nói rằng cuộc tranh cãi về nhiên liệu sinh học có phần chắc sẽ tiếp tục cho đến khi thế hệ nhiên liệu sinh học kế tiếp sẵn sàng được đưa vào sản xuất thương mại trong vòng 3 hay 4 năm tới.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG