Đường dẫn truy cập

Số tử vong ở Miến Ðiện có thể lên tới 100,000 người


Viên chức ngoại giao hàng đầu của Mỹ tại Miến Điện cho biết số tử vong vì bão ở quốc gia Đông Nam Á này có thể cao hơn 100,000 người. Trong khi đó, ngoại trưởng Mỹ, bà Condoleeza Rice cho hay: chính phủ Hoa Kỳ đang tìm cách vận động các nước trong khu vực gây sức ép để chính quyền Miến Điện tiếp nhận thêm nhân viên cứu trợ và phẩm vật cứu trợ của cộng đồng quốc tế. Mời quí vị theo dõi thêm chi tiết dựa theo tường thuật do thông tín viên David Gollust của đài VOA gởi về từ trụ sở Bộ ngoại giao Mỹ.

Viên chức ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ ở Miến Điện nói rằng tình hình ở khu vực lâm nạn ngày càng trở nên bi đát trong lúc tin tức về thương vong và thiệt hại tiếp tục được ghi nhận thêm. Bà Shari Villarosa cho biết thêm rằng số tử vong rốt cuộc có thể lên cao hơn mức 100,000 người.

Bà Villarosa cho biết như thếâ ngày hôm qua tại Rangoon trong cuộc họp báo qua điện thoại với báo chí ở Washington, trong lúc các nhà ngoại giao Hoa Kỳ hối thúc Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và các nước khác, thuyết phục chính quyền Miến Điện để họ ứng phó một cách thỏa đáng trước vụ khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng này.

Phát biểu tại một cuộc họp báo chung với ngoại trưởng Antonio Milososki của Macedonia, ngoại trưởng Condoleezza Rice cho biết bà rất cảm kích trước thái độ hào hiệp của cộng đồng quốc tế đối với thiên tai ở Miến Điện. Tuy nhiên, bà nói thêm là giới hữu trách Miến Điện cho đến nay vẫn chưa hoàn toàn chấp nhận sự trợ giúp của nước ngoài.

Bà Rice nói: "Vấn đề còn lại là chính quyền Miến Điện phải để cho cộng đồng quốc tế giúp đỡ dân chúng của mình. Điều này vốn dĩ là một sự việc đơn giản. Đây không phải là một vấn đề chính trị mà là một vụ khủng hoảng nhân đạo. Vấn đề trước mắt là chính phủ Miến Điện có muốn thấy dân chúng của mình nhận được sự trợ giúp đang có sẵn hay không."

Chính phủ của Tổng thống Bush đã cam kết đóng góp hơn 3 triệu đô la cho công tác cứu trợ bão lụt ở Miến Điện và cho biết là Hoa Kỳ sẵn sàng trợ giúp nhiều hơn nữa, nếu Miến Điện để cho các toán nhân viên của Mỹ đến nơi để lượng định về nhu cầu thực sự.

Tham tán Shari Villarosa ở Rangoon cho biết con số hơn 100,000 người chết được ước tính dựa trên các cuộc tiếp xúc với các tổ chức cứu trợ. Bà nói rằng: các viên chức Miến Điện cấp công tác mà bà đã tiếp xúc nhận thức rằng đất nước họ cần tới sự trợ giúp to lớn của quốc tế. Nhưng những nhân vật có quyền quyết định, hiện đang trú ngụ tại thủ đô hành chánh mới là Pyinmana, nằm cách Rangoon 200 kilo mét về hướng bắc, không nắm vững tình hình và chưa có đáp ứng gì trước sự hối thúc của quốc tế.

Bà Villarosa nói rằng bà không tin là sự chỉ trích của Mỹ đối với thành tích nhân quyền của Miến Điện là một yếu tố khiến cho tập đoàn tướng lãnh cầm quyền có thái độ ngần ngại, không muốn tiếp nhận sự trợ giúp của Hoa Kỳ. Bà cho rằng thái độ này phát sinh từ tâm lý nghi ngại cố hữu của chính quyền Miến Điện đối với cộng đồng quốc tế.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG