Đường dẫn truy cập

Ðàm phán 6 bên có thể mở lại trong vòng vài tuần


Các giới chức Nam Triều Tiên cho hay cuộc đàm phán 6 bên nhằm chấm dứt các chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên có thể được mở lại trong vài tuần lễ tới đây. Thông tín viên Kurt Achin của đài VOA gởi về bài tường trình từ Hán Thành.

Các giới chức cao cấp Nam Triều Tiên cho biết Bắc Triều Tiên có thể sắp đệ trình bản khai báo, vốn được chờ đợi lâu nay, về kho vật liệu và vũ khí hạt nhân cùng với các hoạt động hạt nhân của họ. Và nhờ vậy mà cuộc đàm phán 6 bên nhằm chấm dứt các hoạt động hạt nhân của Bắc Triều Tiên có thể sẽ được mở lại trước cuối tháng Năm.

Trung Quốc là nước tổ chức nỗ lực ngoại giao 6 nước kéo dài gần 5 năm nay, với sự tham gia của hai miền Nam và Bắc Triều Tiên, Nhật Bản, Nga và Hoa Kỳ. Sáu quốc gia đã đạt được một bước tiến hồi năm ngoái với thỏa thuận nhiều giai đoạn nhằm trợ giúp về thương mại, tài chính và lợi ích ngoại giao, để Bình Nhưỡng từng bước hủy bỏ các cơ sở nguyên tử của họ.

Tuy nhiên, Bắc Triều Tiên đã không đưa ra bản khai báo hạt nhân trước cuối năm 2007 như đã cam kết, chủ yếu là do tranh cãi với Hoa Kỳ về cáo buộc là Bình Nhưỡng đã trợ giúp Syria về nguyên tử, mà lại còn theo đuổi một chương trình bí mật sản xuất vũ khí sử dụng uranium.

Trưởng đoàn thương thuyết của Nam Triều Tiên tại bàn đàm phán, ông Kim Sook, nói với đài phát thanh YTN ở Nam Triều Tiên rằng ông rất lạc quan về triển vọng cuộc đàm phán sẽ sớm tái tục.

Ông Kim nói rằng các cuộc thảo luận đang diễn ra giúp đúc kết giai đoạn hai, tức giai đoạn khai báo, trong thỏa ước với Bắc Triều Tiên. Ông cho hay là hy vọng các cuộc nói chuyện sẽ nhanh chóng chuyển sang giai đoạn thứ ba.

Quan hệ giữa hai miền Nam và Bắc Triều Tiên phần nào có lạnh nhạt hơn, kể từ khi Tổng thống Nam Triều Tiên Lee Myung-bak lên nhậm chức hồi tháng Hai vừa qua.

Ngoại trưởng Nam Triều Tiên, ông Yu Myung-hwan tuyên bố rằng mặc dù chính sách của ông Lee Myung-bak có cứng rắn về vấn đề hạt nhân, nhưng vẫn có chỗ cho hai miền Nam-Bắc cộng tác.

Ông Yu nói hy vọng là miền Bắc sẽ giúp miền Nam về vấn đề hạt nhân, để cho miền Nam có thể giúp miền Bắc về những vấn đề khác. Nếu miền Bắc cam kết chấm dứt kế hoạch vũ khí hạt nhân, thì sự trợ giúp của miền Nam sẽ được thực hiện ngay sau đó.

Hiện nay, vẫn chưa thể biết chính xác là Bắc Triều Tiên sẽ giải quyết như thế nào về những mối quan tâm của Hoa Kỳ về các hoạt động của Bình Nhưỡng liên quan đến Syria và về chương trình làm giàu chất uranium.

Các chuyên gia tin rằng Bắc Triều Tiên có thể dùng một văn kiện riêng để thừa nhận các quan ngại vừa kể, tách biệt với bản khai báo mà họ sẽ nộp cho Trung Quốc, là nước tổ chức cuộc đàm phán 6 bên.

Cũng trong tuần này, đại sứ Hoa Kỳ tại Nam Triều Tiên Alexander Vershbow lên tiếng nhắc nhở Bắc Triều Tiên là họ sẽ được lợi khi nộp bản khai báo đã quá thời hạn.

Căn cứ vào việc tháo dỡ cơ sở Yongbyon và việc Bắc Triều Tiên cung cấp một bản khai báo đầy đủ và chính xác, Hoa Kỳ đã cam kết sẽ rút tên Cộng hòa Nhân dân Triều Tiên ra khỏi danh sách những nước bảo trợ khủng bố và sẽ loan báo với Quốc hội rằng chính phủ dự định kết thúc việc áp dụng Luật Giao thương với địch.

Những bước tiến đó sẽ giúp Bắc Triều Tiên dễ dàng nhận được những nguồn lợi vô cùng cần thiết từ cộng đồng quốc tế dưới hình thức viện trợ và thương mại.

Tuy nhiên, các nhà lập pháp Hoa Kỳ đang vận động cho một dự luật có thể làm chậm việc rút tên Bắc Triều Tiên ra khỏi danh sách khủng bố, cho đến chừng nào Tổng thống Bush xác nhận là Bình Nhưỡng đã hoàn toàn chấm dứt các khả năng nguyên tử của họ.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG