Hoa Kỳ nói mạng lưới khủng bố al-Qaida đã hồi phục lại một phần khả năng hoạt động của họ trước khi xảy ra các cuộc tấn công khủng bố năm 2001, tại các khu vực bộ tộc hẻo lánh ở vùng biên giới Pakistan.
Trong phúc trình thường niên về nạn khủng bố toàn cầu, Bộ Ngoại Giao Mỹ nói al-Qaida đang tìm cách thủ đắc các vũ khí có sức hủy diệt hàng loạt để gây thiệt hại tối đa cho bất cứ ai cản đường của họ. Vẫn theo phúc trình này, al-Qaida và các tổ chức liên hệ với tổ chức này vẫn là mối đe dọa khủng bố lớn nhất đối với Hoa Kỳ và các nước đồng minh trong năm 2007.
Về Afghanistan, phúc trình này nói phe Taliban vẫn là một mối đe dọa cùng với các nhóm nổi dậy và các băng đảng tội phạm, một số có liên hệ với al-Qaida và những kẻ bảo trợ cho khủng bố bên ngoài Afghanistan.
Phúc trình này nói trong năm 2007, có tất cả 22 ngàn người bị giết chết trong các cuộc tấn công khủng bố trên toàn cầu, 60% trong số tử vong xảy ra tại Iraq.
Phúc trình của Bộ Ngoại Giao Mỹ cũng nêu tên các nước bảo trợ cho khủng bố gồm có Cuba, Iran, Bắc Triều Tiên, Sudan và Syri, tức là những nước có tên trên danh sách này năm ngoái.
Tại một buổi nói chuyện với ký giả, người cầm đầu Văn Phòng Chống Khủng Bố của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, ông Dell Dailey, nói nước Iran theo Hồi Giáo Shia, tiếp tục tài trợ cho phe nổi dậy Taliban theo Hồi Giáo Sunni tại Afghanistan, trong một chiến thuật mưu mô nhằm duy trì áp lực đối với lực lượng liên minh do Hoa Kỳ cầm đầu.
Hoa Kỳ nói rằng Iran vẫn là nước tích cực nhất trong việc ủng hộ và bảo trợ cho khủng bố, và nước này đã dính líu trực tiếp đến nhiều hoạt động khủng bố tại Trung Đông.
Trong một phúc trình phổ biến hôm thứ tư, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nói rằng các thành viên trong lực lượng Vệ Binh Cách Mạng của Iran đã hỗ trợ cho các nhóm vốn dùng khủng bố để đạt mục tiêu.
Phúc trình nói rằng các nhóm này bao gồm các tổ chức tranh đấu nổi dậy người Palestine, nhóm Hezbollah ở Li băng, các phần tử tranh đấu nổi dậy tại Iraq, và các phần tử Taliban tại Afghanistan.
Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nói rằng Iran vẫn là mối đe dọa đến các quyền lợi của Hoa Kỳ và tình hình an ninh tại Trung Đông vì chính sách ủng hộ các nhóm khủng bố của nước này, cùng với nỗ lực của Tehran can thiệp vào tiến trình dân chủ tại Li băng.
Phúc trình này nói rằng mặc dù Iran hứa giúp ổn định tình hình Iraq, Tehran tiếp tục ủng hộ các nhóm tranh đấu bạo động tại Iraq vốn nhắm mục tiêu tấn công vào các lực lượng liên quân và thường dân Iraq.
Phúc trình nói rằng chính phủ Iran phải chịu trách nhiệm về những cuộc tấn công nhắm vào lực lượng liên quân do Hoa Kỳ lãnh đạo tại Iraq.
Tại Nam Á, Hoa Kỳ nói Jemaah Islamiyah vẫn là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với các quyền lợi của tây phương và của khu vực, đặc biệt tại Indonesia và Philippine.
Phúc trình thường niên của Bộ ngoại giao nói rằngcác nỗ lực chống khủng bố đã thành công trong việc phá vỡ một số tổ khủng bố và làm suy giảm khả năng tấn công của Jemaah Islamiyah, tuy nhiên một số thủ lãnh của nhóm này vẫn còn tại đào, như nhân viên hoạt vụ chủ yếu của Jemaah Islamiyah tại Indonesia, là Noordin Mohammad Top.
Phúc trình này nói kiểm soát biên giới một cách hữu hiệu tại một khu vực bao gồm hàng ngàn hải đảo, là một công tác hết sức khó khăn. Và vì lý do này mà các vùng biển quanh Indonesia, Malaysia và Philippines vẫn là khu vực hoạt động của khủng bố.
Phúc trình này nói các nỗ lực của Indonesia đã mang lại kết quả với sự sụt giảm của các cuộc tấn công khủng bố, liên tiếp trong hai năm.
Trong khu vực Đông Á, Australia vẫn giữ vị trí hàng đầu như nước đi tiên phong trong cuộc đấu tranh chống khủng bố.
Bộ Ngoại giao nói rằng khủng bố đã nới rộng mạng lưới hoạt động của họ tại Nam và Trung Á, và đặt ra một mối đe dọa nghiêm trọng đối với khu vực và các quyền lợi của Hoa Kỳ. Phúc trình ghi nhận rằng Ấn Độ là nước bị tác động nặng nề nhất vì khủng bố, với hơn 2000 người bị giết chết trong các cuộc tấn công khủng bố, nhất là các cuộc tấn công do những phần tử đấu tranh bạo động tại khu vực Kashmir thuộc quyền kiểm soát của Ấn Độ, và các phần tử cực đoan theo chủ nghĩa Mao ở đông và trung bộ Ấn Độ.