Đường dẫn truy cập

Châu Á trước cuộc khủng hoảng lúa gạo


Trong lúc giá gạo trên thị trường thế giới tăng vọt lên mức 1,000 đô la một tấn, nhiều chính phủ của các nước Châu Á đang ra sức để đối phó với những vụ rối loạn xã hội có thể xảy ra vì nạn khan hiếm thực phẩm. Các giới chức của Ngân hàng Thế giới và nhiều chuyên gia phát triển cũng cảnh báo rằng vụ khủng hoảng lúa gạo hiện nay có thể khiến cho hàng triệu người ở Châu Á rơi trở lại vào tình trạng nghèo túng. Xin mời quí thính giả theo dõi một số chi tiết liên quan tới vấn đề này trong tiết mục Nhìn Về Châu Á do Duy Ái phụ trách sau đây.

Tại một cuộc họp mới đây ở Washington của Ủy ban Phát triển của Ngân hàng Thế giới, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế, ông Dominique Strauss-Kahn, cảnh báo rằng tác động lạm phát của giá thực phẩm gia tăng có thể khiến cho hàng triệu người rơi trở lại vào tình trạng nghèo túng.

Ông Strauss-Kahn nói: "Tất cả những thành quả đạt được trong thập niên qua có thể bị phá hủy một cách nhanh chóng bởi vụ khủng hoảng phát sinh từ tình trạng giá cả thực phẩm leo thang."

Nhà lãnh đạo tổ chức tiền tệ quốc tế hàng đầu thế giới này đã cảnh báo như thế trong lúc giá gạo xuất khẩu lên tới 1,000 đô la một tấn, tăng gấp đôi so với giá hồi tháng giêng. Giá cả của nhiều loại ngũ cốc khác như lúa mì, đậu nành, và bắp cũng tăng mạnh trong thời gian gần đây. Theo các số liệu của Ngân hàng Thế giới, giá thực phẩm leo thang đã tác động mạnh đến 37 nước trên thế giới và làm bùng ra những vụ rối loạn xã hội ở 10 quốc gia - từ các nước ở Châu Á, như Indonesia, cho tới các nước ở Châu Mỹ La tinh, như Haiti. Các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới ước tính rằng nạn lương thực tăng giá khiến cho tiến độ của công tác xóa đói giảm nghèo trên thế giới bị chậm lại khoảng 7 năm.

Để ứng phó với tình hình, các nước nhập khẩu gạo như Philipin đang ra sức tranh thủ - nếu không muốn nói là năn nỉ, để mua gạo từ các nước láng giềng. Tổng thống Gloria Arroyo đã đích thân yêu cầu Việt Nam ký kết một thỏa thuận để cung ứng 1 triệu rưỡi tấn gạo mỗi năm từ nay đến năm 2010. Trong khi đó, các nước xuất khẩu gạo - như Việt Nam, Kampuchea, Ấn Ðộ và Trung Quốc, đã áp dụng các biện pháp hạn chế xuất khẩu để bảo đảm nguồn cung ứng trong nước.

Bà Korbsook Iamsuri, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, cho biết: quốc gia xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới này đang gặp phải tình trạng khan hiếm giả tạo vì nạn đầu cơ tích trữ.

Bà Korbsook nói: "Tình trạng này không thể kéo dài. Không thể nào kéo dài được. Tình hình phải tự điều chỉnh bằng một cách thức nào đó. Chắc quí vị cũng biết là sản lượng lúa gạo của chúng tôi cao gấp đôi nhu cầu nội địa. Nhờ vậy mà chúng tôi có nhiều gạo để xuất khẩu. Nhưng giờ đây, đột nhiên mọi thứ đều không còn. Cho nên tôi không tin rằng tình hình thực sự là như vậy."

Báo chí Thái Lan cho biết nạn tích trữ xảy ra ở cả hai đầu của cán cân cung cầu. Những người tiêu thụ đang đua nhau mua gạo dự trữ vì họ e rằng giá gạo sẽ tăng thêm. Trong khi đó, những người bán sỉ cũng ra sức tích trữ gạo với hy vọng sẽ có thể bán được với giá cao hơn.

Ông Paul Risley là phát ngôn viên của Chương trình Lương thực Liên Hiệp Quốc ở Châu Á. Ông cho biết rằng: trong số 28 triệu người thuộc hạng nghèo nhất trong giới nghèo mà tổ chức của ông nuôi ăn sẽ có một số người phải chịu đói kém vì tổ chức không đủ tiền để mua lúa gạo:

Ông Risley nói: "Đây là một vụ khủng hoảng rất nguy cấp. Tại Kampuchea, chúng tôi đã phải cắt giảm số lượng lương thực phân phát cho các trường học. Và điều này có nghĩa là chương trình nuôi ăn của chúng tôi tại vương quốc này phải tạm ngưng."

Theo ông Risley, vụ khủng hoảng hiện nay sẽ gây ra thảm họa cho những nước lệ thuộc vào viện trợ lương thực như Afghanistan và Bắc Triều Tiên.

Tuy nạn đầu cơ tích trữ là một phần của vấn đề hiện nay, nhưng các chuyên gia ngành lúa gạo nói rằng việc giá gạo tăng mạnh cũng là hậu quả của sự phát triển kinh tế nhanh chóng, hiện tượng biến đổi khí hậu, và việc các chính phủ đã không đặt nông nghiệp làm ưu tiên cao.

Trong thập niên 1970, cuộc Cách mạng Xanh ở Châu Á đã gia tăng sản lượng lúa gạo và giúp cho giá cả của loại thực phẩm này nằm ở mức thấp. Nhưng trong những năm vừa qua, việc trồng lúa đã trở thành một hoạt động không mang lại nhiều lợi nhuận vì chi phí phân bón, tưới tiêu và lao động tăng cao. Sản lượng lúa gạo cũng giảm đi vì diện tích canh tác bị thu hẹp để nhường chỗ cho các dự án phát triển, như xây cất đường xá, chung cư, khu công nghiệp và khu du lịch. Tại Việt Nam, diện tích ruộng lúa bị thất thoát mỗi năm lên tới mức 40 ngàn héc ta. Tại Thái Lan, tỉ lệ đất canh tác cũng đã giảm hơn 13% trong khoảng thời gian từ năm 1995 đến năm 2005.

Bà Korbsook của Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan nói rằng đã đến lúc các nước phải sử dụng đất đai một cách khôn khéo hơn.

Bà Korbsook nói thêm: "Tôi nghĩ rằng bằng cách này hay cách khác các nước phải tự điều chỉnh để có thể tự túc về lương thực. Vì vậy, họ phải làm thế nào để tận dụng khả năng sản xuất của đất đai trong nước nhằm giảm số thực phẩm nhập khẩu xuống tới mức thấp nhất. Dĩ nhiên là không ai muốn bị lệ thuộc vào thực phẩm nhập khẩu, vì tình trạng hỗn loạn sẽ diễn ra một khi chính phủ không thể nuôi ăn cho dân chúng."

Lượng gạo dự trữ trên thế giới cũng đã giảm mạnh, một phần là vì nhiều nông dân ở Mỹ quay sang trồng bắp để sản xuất ethanol dùng thay cho xăng và một phần vì nhu cầu lương thực tăng mạnh ở Trung quốc và Ấn độ, là hai nước đông dân nhất nhì thế giới và đang phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu cũng làm gia tăng con số những vụ thiên tai, khiến cho mùa màng ở nhiều nước bị hư hại.

Trong khi đó, các nhà khoa học cho rằng vụ khủng hoảng lúa gạo hiện nay là hiệu quả của sự lơ là đối với hoạt động nông nghiệp, đặc biệt là thiếu đầu tư vào công tác nghiên cứu các loại cây lương thực. Tiến sĩ Robert Zeigler, Tổng Giám đốc Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế ở Philipin, phát biểu như sau trong cuộc phỏng vấn mới đây dành cho đài Tiếng Nói Hoa Kỳ.

Tiến sĩ Zeigler nói: "Chúng ta cần phải tái khởi động công cuộc đầu tư vào lãnh vực nghiên cứu và phát triển lúa gạo. Các khoản đầu tư đã bị giảm thiểu trong 15 năm qua. Tôi nghĩ rằng chúng ta đang phải trả giá cho sự lơ là này."

Các chuyên gia của trung tâm nghiên cứu này cho biết nhu cầu sẽ tiếp tục gia tăng vì số người trên thế giới ngày càng đông. Riêng khu vực Châu Á sẽ phải cần tới 38 triệu tấn gạo mỗi năm vào năm 2015. Trong khi đó, các nhà kinh tế cho rằng đà tăng giá lúa gạo rốt cuộc sẽ ngưng vì nhiều nông dân sẽ quay sang trồng lúa. Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia đều đồng ý với nhau rằng thời kỳ của lúa gạo giá rẻ sẽ không bao giờ quay lại.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG