Đường dẫn truy cập

Chân dung ông Raul Castro


Ông Raul Castro đã nắm giữ chức vụ Quyền Chủ tịch Cuba trong hơn một năm rưỡi nay và dự kiến sẽ chính thức trở thành nhà lãnh đạo nước này sau khi người anh già yếu của ông đã loan báo quyết định từ chức. Tuy không có sức hấp dẫn như ông Fidel Castro, ông Raul Castro được tiếng là một người có tinh thần thực tế. Ông đã tỏ ý cho thấy ý định tiến hành một số biện pháp cải cách kinh tế, nhưng chưa đưa ra dấu hiệu nào về việc sẽ thay đổi thể chế Cộng Sản của Cuba. Mời quí vị theo dõi thêm một số chi tiết dựa theo tường thuật của thông tín viên Bill Rodgers của đài Tiếng Nói Hoa Kỳ.

Theo dự liệu, trong phiên họp vào chủ nhật tới đây, quốc hội Cuba sẽ bầu ông Raul Castro làm Chủ tịch nước để thay cho ông Fidel Castro -- là người đã lên nắm quyền vào năm 1959 trong cuộc cách mạng của phe Cộng Sản.

Bộ trưởng Quốc phòng Raul Castro, 76 tuổi, đã nắm giữ chức vụ Quyền Chủ tịch từ tháng 7 năm 2006 - sau khi ông Fidel Castro phải tạm thời từ bỏ quyền hành vì đau yếu.

Trong tư cách quyền Chủ tịch, ông Raul Castro đã tỏ ý cho thấy ông có ý định thực hiện cải cách kinh tế tuy không cho biết nhiều chi tiết.

Giáo sư Eusebio Mujal-Leon là một chuyên gia về Cuba tại Đại học Georgetown ở Washington. Ông cho rằng ông Raul Castro có thể sẽ không thực hiện những thay đổi quan trọng.

Ông Mujal-Leon nói: "Sự nghiệp của ông ấy sẽ tùy thuộc vào sự thành công về mặt kinh tế, nhưng ông ấy không muốn mạo hiểm. Trước hết là vì ông ấy không muốn mất quyền kiểm soát, nhưng có một lý do thứ nhì, quan trọng hơn - đó là ông muốn tránh xảy ra tình trạng đấu đá trong hàng ngũ lãnh đạo đang bắt đầu hình thành."

Hàng ngũ lãnh đạo này bao gồm những đảng viên Cộng Sản trẻ tuổi có thể sẽ được bổ nhiệm vào các chức vụ cao cấp.

Ông Raul Castro đã chiến đấu bên cạnh người anh lớn hơn ông 5 tuổi trong cuộc cách mạng đã đưa họ lên nắm quyền vào cuối thập niên 1950. Là một đệ tử trung thành của chủ nghĩa Mác-xít, ông đã nắm quyền kiểm soát quân đội Cuba và giám sát các lực lượng của nước này tại một số điểm nóng trong thời Chiến tranh Lạnh ở Angola và Ethiopia trong thập niên 1970.

Sau đó, qua việc giám sát các biện pháp cải cách kinh tế có giới hạn, ông Raul Castro đã góp phần vực dậy nền kinh tế Cuba sau khi Liên Sô sụp đổ vào năm 1991. Ông đã bày tỏ sự thích thú đối với mô thức phát triển kinh tế của Trung quốc, nhưng cũng nhiều lần tuyên bố rằng ông sẽ ra sức bảo vệ chủ nghĩa Cộng Sản, đặc biệt là trong lúc phải đối phó với áp lực của Hoa Kỳ.

Qua lời một thông dịch viên, ông Raul Castro nói rằng người dân Cuba biết rõ là Hoa Kỳ không ưa thích hệ thống xã hội của Cuba, nhưng có một thực tế là chế độ của Cuba đang tồn tại và sẽ tiếp tục tồn tại.

Quan điểm vừa kể đã khiến cho chính phủ của Tổng thống Bush lại một lần nữa loại bỏ khả năng cải thiện quan hệ với Cuba - hoặc thu hồi lệnh cấm vận đã áp dụng trong nhiều thập niên qua.

Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Hoa Kỳ, ông Sean McCormack nói rằng: sẽ không có thay đổi nào đáng kể ở Cuba dưới sự lãnh đạo của ông Raul Castro.

Ông McCormack nói: "Vào thời điểm này, chúng ta không thấy có khác biệt thật sự nào giữa chính phủ do ông Raul Castro cầm đầu với chính phủ mà ông Fidel Castro đã lãnh đạo trong 50 năm qua. Họ vẫn tiếp tục đàn áp các quyền tự do dân sự của người dân và không tôn trọng các quyền làm người cơ bản."

Mặc dù vậy, ông Raul Castro đã công khai đề cập tới vấn đề tham nhũng, vấn đề thiếu hụt lương thực và những vấn đề khác ở quốc gia Cộng Sản này. Ông cũng khuyến khích dân chúng tham gia những cuộc thảo luận có tính chất phê phán, với một chừng mực nào đó.

Tin tức từ La Habana cho biết: những phát biểu vừa kể đã làm dấy lên mối hy vọng trong dân chúng Cuba là sẽ có một số thay đổi nào đó theo chiều hướng tốt đẹp hơn nếu ông Raul Castro lên giữ chức Chủ tịch nước.



Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG