Đường dẫn truy cập

Chính sách sai lầm của Miến Ðiện đẩy dân chúng vào cảnh nghèo khó


Với quyền kiểm soát chặt chẽ những nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú của đất nước, tập đoàn quân sự cầm quyền của Miến Điện dường như có đủ mọi điều kiện tài chính để duy trì quyền lực. Nhưng đối với đại đa số người dân nước này, cuộc sống hằng ngày là một cuộc đấu tranh vất vả để sinh tồn. Mức lạm phát cao, tiền lương thấp, và nạn tham nhũng tràn lan đã đẩy hàng triệu người vào cảnh nghèo khó. Trong tháng Tám năm qua, tình hình đã suy thoái hơn nữa khi chính phủ tăng giá nhiên liệu lên rất cao, khiến nhiều người ồ ạt biểu tình phản đối, nhưng những cuộc xuống đường này đã bị quân đội đập tan trong tháng Chín. Tuy nhiên, theo tường trình từ Rangoon của TTV đài VOA Rory Byrne, cuộc khủng hoảng kinh tế châm ngòi cho những cuộc biểu tình đó vẫn chưa được giải quyết.

Miến Điện dưới quyền cai trị của quân đội đã bị suy thoái kinh tế trong nhiều thập kỷ.

Những người chỉ trích nói rằng việc quản trị sai lầm đã làm tê liệt kinh tế, và các biện pháp trừng phạt kinh tế của cộng đồng quốc tế chống chính phủ Miến Điện đã làm cho tình hình càng thêm tồi tệ.

Ông Sann Aung là một bộ trưởng của chính phủ Miến Điện lưu vong hiện đang sống ở thủ đô Bangkok của Thái Lan.

Ông Sann Aung nói: "Người dân rất nghèo khổ vì những chính sách vá víu tạm thời cũng như việc quản lý sai lầm của chế độ quân phiệt. Đồng thời cũng không có chế độ pháp quyền, và tình hình không thuận lợi cho những hoạt động đầu tư của quốc tế."

Một tình hình đã xấu như thế càng trở nên tồi tệ hơn trong tháng Tám năm ngoái, khi chính phủ quân sự tăng giá một số nhiên liệu lên hơn gấp đôi, thúc đẩy thêm nạn lạm phát phi mã và làm cho hàng triệu người dân bị lún sâu thêm vào cảnh khốn cùng.

Tình hình này đã châm ngòi cho các cuộc biểu tình chính phủ, và quân đội đã quyết định đập tan những hành động phản đối đó. Với giá nhiên liệu tăng cao, giá thóc gạo và các nhu yếu phẩm khác cũng tăng lên gấp đôi.

Bà Debbie Stothard, điều phối viên của tổ chức gọi là Mạng lưới ASEAN Thay thế về Miến Điện, nói: "Khi giá gạo tăng gấp đôi trong vòng 1 đêm thì thật sự hầu hết các gia đình đều không có đủ tiền để mua thức ăn cho con cái. Thậm chí họ cũng không có tiền để nuôi ăn cho con cái—tình hình bi đát đến mức đó và đó là lý do vì sao dân chúng kéo xuống đường biểu tình."

Đối với nhiều người Miến Điện, việc kiếm sống hằng ngày là một điều rất khó khăn.

Ông Min Min, một tài xế taxi ở Rangoon nói: "Trong đời sống hằng ngày, họ chỉ kiếm được chưa tới 1 đôla. Vì vậy một nửa thu nhập của họ được dành để trả tiền xe cộ để đi làm, như tiền đi xe buýt chẳng hạn. Phần còn lại được dùng để mua gạo và thực phẩm. Nếu chẳng may bị ốm đau thì họ chẳng còn xu nào để chữa bệnh."

Hệ thống chăm sóc sức khỏe của Miến Điện đã không được chính phủ ngó ngàng tới trong nhiều năm trời cho nên đã gần như bị tê liệt. Các loại thuốc hiện đại, nếu có đi chăng nữa, thì cũng thường là đồ giả hoặc đã quá hạn sử dụng.

Nhiều người dựa vào các loại thuốc truyền thống, làm từ cây cỏ và rễ cây. Người Miến Điện có tuổi thọ trung bình thấp nhất thế giới – khoảng 60 tuổi.

Trong thời kỳ đầy khó khăn này, người ta bán mọi thứ tài sản của mình để sống. Mọi thứ đều được sửa chữa lại không biết bao nhiêu lần – không thứ gì bị bỏ phí. Nhiều trẻ em bị buộc phải làm việc toàn thời gian, 7 ngày 1 tuần, và kiếm được chưa tới 1 dollar mỗi ngày. Hầu hết mọi người ở đây đều sẽ nói rằng mọi cái cần được thay đổi, và thay đổi nhanh.

Tài xế taxi Min Min nói tiếp: "Chúng tôi không hiểu, chúng tôi không biết chính trị là gì, nhưng chúng tôi không thể chịu đựng được nữa cuộc khủng hoảng kinh tế này."

Trước viễn ảnh khủng hoảng kinh tế ở Miến Điện không chấm dứt, những căng thẳng dẫn đến những cuộc phản đối chính phủ hồi tháng 9 đã không được giải quyết. Với những tiến triển không đáng kể trong đàm phán giữa chính phủ và phe đối lập chính trị, nhiều người dân ở đây tin chắc rằng chuyện xảy ra thêm những cuộc biểu tình phản đối là điều không tránh khỏi.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG