Đường dẫn truy cập

Nỗ lực tái thiết ở Indonesia vẫn gặp khó khăn 3 năm sau thiên tai sóng thần


Những vùng của Indonesia bị sóng thần trong Ấn độ dương tàn phá đang kỷ niệm năm thứ ba một trong những thiên tại khủng khiếp nhất trong lịch sử đương đại. Vì những nỗ lực xây dựng nhà cửa và đường sá được thực hiện trước kỳ hạn, các giới chức phụ trách công tác tái thiết cho biết giờ đây họ đang tập trung vào việc giúp đỡ những khu vực bị sóng thần tàn phá thực hiện tự túc. Tường trình từ thủ đô Jakarta, TTV Chad Bouchard nói rằng công tác chuẩn bị cho các nhà lãnh đạo địa phương tự quản lý những cộng đồng vừa được xây dựng lại của họ vẫn còn vấp phải nhiều khó khăn.

Trên 160 ngàn người bị thiệt mạng hoặc mất tích ở miền bắc Sumatra vào ngày 26 tháng 12 năm 2004, khi những đợt sóng cao như núi ập vào vùng bờ biển ở đây. Hàng chục ngàn người cũng bị thiệt mạng tại một chục nước khác ở ven bờ Ấn độ dương.

Được sự giúp đỡ của các nước hảo tâm và các tổ chức viện trợ quốc tế, Indonesia đã xây dựng được hơn 100 ngàn căn nhà để thay thế những căn nhà đã bị thiên tai phá hủy.

Thành tích xây dựng đó đã giúp cho kế hoạch tái thiết gia cư được hoàn thành 3 tháng trước kỳ hạn. Các đội xây dựng cũng sẽ hoàn tất việc xây thêm 20,000 căn nhà khác trước tháng tư sang năm.

Các dự án xây dựng mới khác bao gồm 3,000 kilomét đường giao thông và khoảng 800 ngôi trường.

Bà Nia Sarinastiti là một giới chức của Quỹ Viện Trợ Đa quốc, một tổ chức do Ngân hàng Thế giới thành lập để điều hành các khoản viện trợ quốc tế dành cho nạn nhân sóng thần. Bà nói rằng giờ đây tổ chức của bà đang tập trung vào việc chuyển giao các cấu trúc hạ tầng mới này lại cho các chính quyền địa phương.

Bà Nia nói: "Chúng tôi đang chuẩn bị cho điều mà chúng tôi gọi là một giai đoạn chuyển tiếp để giúp cho các chính quyền địa phương có khả năng quản lý, điều hành và bảo quản những tài sản đang được giao lại cho họ."

Các nước và tổ chức viện trợ quốc tế đã chi tiêu 4 tỷ 600 triệu đôla để tái thiết Aceh. Quỹ Viện Trợ Đa quốc dự tính sẽ chấm dứt hoạt động vào năm 2010, nhưng hiện nay quỹ có kế hoạch gia hạn công tác cho đến năm 2012 để giúp thực hiện giai đoạn chuyển tiếp.

Tỉnh Aceh của Indonesia là địa phương bị động đất và sóng thần tàn phá nặng nề nhất trong năm 2004. Hiện nay tỉnh cũng đang phải đối phó với những thách thức còn sót lại của quá khứ. Một cuộc xung đột đẫm máu để đòi ly khai khỏi Indonesia đã diễn ra một cách khốc liệt trong suốt 30 năm trước khi xảy ra thiên tai sóng thần.

Một thỏa thuận hòa bình được ký kết trong năm 2005. Ông Kuntoro Mangkusubroto, người lãnh đạo cơ quan tái thiết của Aceh, nói rằng chiến tranh đã làm cho hàng ngàn người thiếu chuẩn bị cho cuộc sống trong thời bình.

Ông Kuntoro nói: "Tình hình có phần khó khăn khi mà khoảng 14,000 cựu chiến binh không có nghề nghiệp chuyên môn gì bây giờ trở nên thất nghiệp, và chúng tôi phải có một chương trình rộng lớn để huấn luyện lại nghề nghiệp chuyên môn cho họ, hoặc huấn luyện cho họ những khả năng chuyên môn mới, để họ có thể sống còn trong xã hội hiện nay ở Aceh."

Một số nước và tổ chức viện trợ lo ngại rằng khu vực này có thể bị suy thoái kinh tế sau khi những công ăn việc làm do công tác tái thiết tạo ra không còn nữa. Điều đó có thể làm cho phức tạp thêm những nỗ lực giúp những phần tử nổi dậy trước đây hội nhập vào nền kinh tế.

Các giới chức phụ trách công tác tái thiết nói rằng chính phủ mới của Aceh sẽ cần phải tập trung vào việc thu hút vốn đầu tư địa phương và quốc tế để cung cấp công ăn việc làm và bảo đảm tăng trưởng kinh tế dài hạn.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG