Đường dẫn truy cập

Những biểu tượng về lễ Giáng sinh tại Hoa Kỳ


Mùa lễ Giáng Sinh tại Hoa Kỳ được coi như bắt đầu ngay sau ngày lễ Tạ Ơn vào hạ tuần tháng 11. Dân chúng Mỹ bắt đầu đi mua sắm quà cáp và các vật dụng trang hoàng cho ngày lễ. Những dấu hiệu của mùa lễ là những cây Giáng Sinh được trang hoàng với vô số bóng đèn màu rực rỡ, tiêu biểu là cây Giáng Sinh quốc gia trong công viên phía nam Tòa Bạch Ốc, tiếng chuông lắc quyên tiền của tổ chức từ thiện Salvation Army tại những nơi buôn bán sầm uất, và sự nhắc nhở mọi người nghĩ đến những ai kém may mắn qua câu chuyện giúp những người thiếu thốn của gia đình tỉ phú Warren Buffett. Mời quí thính giả theo dõi những biểu tượng về ngày lễ Giáng Sinh tại Hoa Kỳ qua bài viết sau đây do Lan Phương biên soạn.

Kể từ năm 1923 đến nay, lễ thắp đèn cho cây Giáng Sinh quốc gia tại khu công viên phía nam Tòa Bạch Ốc đã trở thành một nghi thức không thể thiếu. Cứ vào khoảng 3 tuần lễ trước Giáng Sinh, tổng thống Mỹ và phu nhân chủ tọa lễ thắp đèn cho cây Noel. Đây là một cây thông tươi cao khoảng 6 mét được đem từ tiểu bang Pennsylvania về trồng ở khu công viên này từ năm 1978 tới nay.

Năm nay, như thông lệ cây Giáng Sinh được thắp sáng với hơn 20 ngàn bóng đèn màu và vô số vật trang hoàng do các tiểu bang gửi về. Chung quan nó có thêm 56 cây khác nữa, nhỏ hơn, tượng trưng cho 50 tiểu bang và 5 lãnh địa của Hoa Kỳ và thủ đô Washington, cũng được trang hoàng với đèn đuốc muôn màu rực rỡ.

Tuy nhiên, trong mùa lễ tưng bừng, hàng tỉ bóng đèn được thắp trên hằng hà sa số những cây Giáng Sinh và các hình tượng dành riêng cho ngày lễ trên toàn quốc, từ nơi công cộng, các cửa hàng,cơ sở buôn bán, kinh doanh cho đến hầu như mọi nhà thì số năng lượng tiêu thụ phụ trội không biết bao nhiêu mà kể.

Năm nay, cây thông quốc gia đã nêu gương cho quần chúng trong việc tiết kiệm năng lượng bằng cách sử dụng loại bóng đèn mới, có tên là LED (Light Emitting Diodes). Loại bóng đèn này không những đã tiết kiệm được nhiều năng lượng mà nó còn rất bền, làm rơi cũng không vỡ, không nóng và vì thế không làm bỏng tay khi người ta vô tình chạm vào nó. Thêm vào đó đám đông đến xem cây Giáng Sinh cho là loại bóng này còn rực rỡ hơn là loại bóng thường.

Theo bà Kahty Presicana, chuyên gia về ánh sáng của công ty GE (General Electric) thì tổng số năng lượng mà cây Giáng Sinh quốc gia tiêu thụ trong năm nay sẽ giảm đi được 60%. Bề ngoài thì cây Giáng Sinh vẫn tươi đẹp, lộng lẫy,nhưng bên trong năng lượng tiêu thụ cho nó lại dược chiết giảm đi rất nhiều.

Và trong mùa lễ Giáng Sinh, khách đi mua sắm tại những siêu thị, những cửa hàng bách hóa lớn thường được thấy hình ảnh của những người tình nguyện khoác chiếc tạp dề màu đỏ, in hàng chữ trắng 'The Salvation Army' đứng lắc chiếc chuông nhỏ nghe thật vui tai, bên cạnh là một cái giá, treo chiếc nồi màu đỏ, có khóa, và có khe trên nắp nồi để khách đi ngang bỏ tiền vào cho. Đây là biểu tượng của tổ chức từ thiện The Salvation Army, chúng tôi xin tạm dịch là 'Đạo Quân Cứu Rỗi', đã được thành lập cả 150 năm nay rồi.

Thoạt đầu, một mục sư tại London bên nước Anh, ông William Booth, muốn đem những người mới theo đạo, nghèo khổ vào nhà thờ để cầu nguyện và giúp đỡ cho họ. Nhưng sau ông nhận thấy những người này không cảm thấy thoải mái vì những bổn đạo khác lấy làm khó chịu khi thấy những người nghèo khổ ăn mặc lôi thôi, bần hàn hiện diện trong nhà thờ.

Mục sư Booth quyết định lập ra một phái bộ truyền giáo mới, đặc biệt để phục vụ giới nghèo, thiếu thốn. đến năm 1878, mục sư Booth và con trai đặt tên cho phái bộ này là The Salvation Army, chuyên phục vụ những người bần hàn, người lâm cảnh vô gia cư, thiếu ăn, hoặc những người bị lâm vào tình cảnh khốn cùng.

Tổ chức này từ đấy phát triển mạnh. Đến năm 1900 đã mở rộng sang nhiều quốc gia trên thế giới. Hiện nay tổ chức hoạt động ở 36 quốc gia, kể cả Hoa Kỳ. The Salvation Army phục vụ bằng cách cung cấp thực phẩm, quần áo, đồ đạc trong nhà cho những người thiếu thốn, hay cứu trợ khẩn cấp cho các nạn nhân thiên tai.

Và chắc hẳn những người Việt tỵ nạn đến nước Mỹ vào khoảng những năm 1975, 1976 khi lưu trú trong các trung tâm tiếp cư không ai là không để ý thấy sự hiện diện của The Salvation Army đến cung cấp thực phẩm cho những trung tâm này.

Trên khắp nước Mỹ, có những cơ sở tiếp nhận quần áo, bàn ghế, giường tủ, đồ gia dụng cũ, xe cũ nhưng còn dùng được, để bán lại với giá thật rẻ hoặc tặng lại cho những ai quá nghèo.

Mọi người cũng có thể tặng tiền mặt cho tổ chức từ thiện này; hoặc là vào mùa lễ Giáng Sinh, bỏ tiền vào những cái nồi do các nhân viên thiện nguyện đứng lắc chuông quyên góp ở những thương xá hay những siêu thị.

Trong tinh thần của mùa lễ Giáng Sinh, chúng tôi xin nói tới một câu chuyện từ thiện khác. Chắc hẳn quí thính giả đã biết đến nhà tỉ phú được coi là giàu thứ nhì trên thế giới, ông Warren Buffett. Ông đã làm nên cơ nghiệp nhờ tài đầu tư trong thị trường chứng khoán, mà theo tờ tạp chí Forbes ước tính thì ông làm chủ một tài sản khoảng 52 tỉ đôla.

Chắc chắn là không ít người cần đến sự giúp đỡ đã gửi thư đến văn phòng của ông ở Omaha, bang Nebraska. Ngay cả sau khi ông đã tuyên bố tặng một phần lớn gia tài của ông cho từ thiện, mà hầu hết là bỏ vào quĩ từ thiện của hai ông bà Melinda và Bill Gates.

Về tài đầu tư thì có lẽ ông Warren Buffett là vua, nhưng khi nói đến từ thiện thì người chị gái của ông có lẽ lại còn giỏi hơn ông. Bà Doris Buffett đứng đầu tổ chức từ thiện The Sunshine Lady Foundation. Trong 1 thập niên qua, tổ chức này đã chi 40 triệu đô la giúp cho những người bị lâm cảnh khốn cùng.

Với hơn 1500 thư được gửi đến yêu cầu giúp đỡ, nhà tỉ phú Warren Buffett đành quay sang nhờ bà chị đảm trách hộ. Ông đã ký nguyên một chi phiếu 5 triệu đô la cho hội từ thiện của bà.

Với công tác được giao phó thêm, bà nói đùa 'tôi đã 80 tuổi rồi, chỉ muốn làm sao tiêu cho hết tất cả tiền bạc mà tôi có thôi, vậy mà ông em còn làm khổ tôi như thế này!'.

Hội từ thiện The Sunshine Lady Foundation có ban nhân viên làm việc không lương và nhiều tình nguyện viên ở khắp nơi để theo dõi giúp chứng nhận những lời yêu cầu giúp đỡ là những trường hợp thực sự cần được giúp.

Theo bà Doris Buffett, từ thiện cũng phải theo đúng tinh thần của doanh nghiệp, nghĩa là chi đúng chỗ, đúng người và không được lãng phí. Vì thế trước khi quyết định giúp cho ai, bà có một ban nhân viên thanh lọc tất cả mọi thư gửi đến. Sau đó thì những tình nguyện viên ở tại chỗ còn giúp điều tra xem trường hợp kể trong thư có đúng sự thực hay không. Có nhiều trường hợp như nợ bệnh viện không trả nổi thì phải chứng minh bằng giấy tờ...

Những người nhận được sự giúp đỡ của bà là những người không may lâm cảnh khốn khó, bệnh tật, mất việc làm, tật nguyền...

Những sinh viên được hội từ thiện của bà giúp đỡ phải ký giấy cam kết duy trì điểm số trung bình từ 2.5 trở lên, không được vắng mặt trong lớp, không được mang bầu hay làm cho ai mang bầu, không bị kỷ luật...

Hội Sunshine Lady Foundation còn giúp cho các chương trình bảo trợ thanh thiếu niên để hướng họ về chuyện theo đuổi học vấn, giữ kỷ luật nhà trường và tránh xa những cám dỗ của ma túy chẳng hạn.

Thái độ của bà khi giúp đỡ cũng rất khiêm tốn và nhã nhặn. Một số những người được bà giúp cho biết: họ có cảm tưởng như bà là một người bạn giúp một người bạn chứ không phải là một người có tiền của bố thí cho người khác.

Trong ý nghĩ của bà Doris Buffett, những người lâm cảnh hoạn nạn là do số phận trời sinh ra như thế hoặc vì gặp vận rủi, sinh bất phùng thời mà thôi. Để diễn tả ý nghĩ này, khi nói về ông em Warren Buffett và nhà tỉ phú Bill Gates, bà cho rằng nếu hai người này sinh ra trước 100 năm thì chắc chúng ta cũng không thể có được một vua đầu tư và một vua điện toán như thế.

Cũng xin nhắc lại rằng: The Sunshine Lady Foundation chỉ giúp cho những cư dân cư ngụ ở Hoa Kỳ mà thôi, vì lý do hối đoái; và theo sự ước đoán của người biên soạn, thì ở ngoài nước Mỹ, nhân viên của hội sẽ không đủ khả năng để giám sát xem thực hư ra sao.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG