Đường dẫn truy cập

LHQ kêu gọi trợ giúp các nước nghèo đối phó với khí hậu thay đổi


Liên Hiệp Quốc đã lên tiếng kêu gọi các nước phát triển hãy viện trợ nhiều tỉ đô la để giúp các nước nghèo đối phó với những hậu quả tai hại của tình trạng thay đổi khí hậu. Thông tín viên Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ Marianne Kearney từ Jakarta có bài tường trình chi tiết sau đây.

Bản phúc trình mới đây của Chương Trình Phát Triển Liên Hiệp Quốc đã vẽ ra một hình ảnh ảm đạm về ảnh hưởng của tình trạng khí hậu thay đổi đối với người dân tại các nước nghèo. Bản phúc trình đã kêu gọi các nước giàu có trên thế giới hãy giúp đỡ tiền bạc để đền bù những thiệt hại vì các loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính của họ đối với các nước đang phát triển.

Hai phần ba những người nghèo trên thế giới hiện đang sống tại Châu Á. Liên Hiệp Quốc cảnh báo rằng họ có thể sẽ là thành phần phải gánh chịu nhiều hậu quả nhất của tình trạng nhiệt độ gia tăng cho dù hiện nay đang có những biện pháp gắt gao để giới hạn các loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Theo lời ông Hakan Bjorkman, giám đốc Chương Trình Phát Triển của Liên Hiệp Quốc dành cho Indonesia, thì cần phải có thêm tiền bạc để giúp các nước nghèo tránh được những thiệt hại về nhân mạng và lợi nhuận vì hạn hán, lũ lụt và thiếu thốn lương thực.

Ông Bjorkman nói: "Chỉ có 26 triệu đô la đã được chi tiêu qua các cơ chế của Liên Hiệp Quốc để đáp ứng các nhu cầu này trong khi phải cần đến khoảng 86 tỉ đô la từ nay cho đến năm 2015."

Cũng theo lời ông Bjorkman thì hầu hết những số tiền để giúp các nước nghèo đối phó với hậu quả của tình trạng thay khí hậu đổi đã được đổ vào các nước giàu thay vì các nước nghèo.

Ngoài ra Liên Hiệp Quốc ước tính rằng cần phải có một số tiền từ 25 đến 50 tỉ đô la mỗi năm để giúp các nước đang phát triển có thể chuyển sang dùng các nguồn năng lượng sạch hơn.

Theo phúc trình của Chương Trình Phát Triển Liên Hiệp Quốc thì nếu khí hậu trên đại dương chỉ gia tăng 2 độ cũng có thể làm tan những con sông băng trong vùng Hy Mã Lạp Sơn, gây tác động đến vấn đề lương thực và nguồn nước cho 2 tỉ người ở Châu Á. Chỉ riêng tại Việt Nam, sự gia tăng mực nước trong những con sông ở Châu Á cũng sẽ khiến cho khoảng 22 triệu người đang sống tại các khu vực hạ nguồn phải di cư đến những nơi khác.

Chương Trình Phát Triển Liên Hiệp Quốc cũng cảnh báo rằng sự gia tăng mực nước biển có thể sẽ khiến cho các dãy san hô bị sụp đổ, ảnh hưởng đến các cộng đồng sống dọc theo vùng duyên hải ở Indonesia và những nước khác ở Châu Á.

Phúc trình đã kêu gọi các nước đang phát triển hãy giảm bớt 80% các loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ nay cho đến trước năm 2050. Cũng theo phúc trình này thì Ấn Độ và Trung Quốc nên giảm bớt 20% các loại khí thải, cũng trong khoảng thời gian đó.

Ông Bjorkman nói rằng có sự khác biệt rõ rệt giữa các nước giầu và các nước nghèo về khả năng đối phó với tình trạng tăng nhiệt toàn cầu.

Ông Bjorkman nói: "Chẳng hạn như tại nước Anh, họ đã dùng đến 1 tỉ 200 triệu đô la để chuẩn bị đối phó với lũ lụt, và tại Hà Lan thì dân chúng, với sự giúp đỡ của chính phủ, đã đầu tư vào việc xây cất những căn nhà nổi để khi có lũ lụt thì những căn nhà này có thể nổi lên trên mặt nước."

Trong khi đó tại Ethiopia thì phương cách đối phó với lũ lụt là các phụ nữ phải đi xa hơn để lấy nước, và tại Bangladesh thì người dân xây dựng những nhà tạm trú bằng tre, và tại Việt Nam thì trẻ em và phụ nữ phải học bơi.

Phúc trình của Chương Trình Phát Triển Liên Hiệp Quốc còn nói rằng tại Indonesia, tình trạng khí hậu thay đổi đã làm gia tăng các bệnh tật do nước mang lại như bệnh sốt rét, bệnh dengue, và suy dinh dưỡng nơi trẻ em.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG