Đường dẫn truy cập

Bà Bhutto nghi ngờ về tính chất công bằng của cuộc bầu cử vào tháng Giêng


Cựu thủ tướng Pakistan Benazir Bhutto nói rằng chuyến đi vừa kết thúc của một đặc sứ Hoa Kỳ đến nước này đã góp phần quan yếu vào việc hủy bỏ lệnh quản thúc tại gia áp đặt vào bà.

Lãnh tụ đối lập này nói rằng không phải là chuyện ngẫu nhiên mà bà lấy lại được quyền tự do đi lại trong nước Pakistan chỉ ít lâu trước khi Thứ Trưởng Ngoại Giao Mỹ John Negroponte đến Pakistan. Ông Negroponte là người lên tiếng hối thúc chấm dứt luật khẩn trương tại quốc gia nam Á này.

Bà Bhutto cho biết bà tin là việc hủy bỏ lệnh quản thúc tại gia áp đặt vào bà và việc trả tự do cho các tù nhân chính trị khác là do chuyến đi của ông Negroponte đến nước này. Điều này đã đưa ra một tín hiệu lạc quan cho Washington rằng một số lãnh tụ đã được trả tự do. Nhưng bà lo sợ rằng vẫn còn hàng ngàn tù nhân khác bị giam giữ.

Cự thủ tướng Pakistan đã lên tiếng như trên qua điện thoại với chương trình truyền hình CNN.

Trong chuyến đi đến Pakistan, ông Negroponte nhấn mạnh rằng cai trị bằng luật khẩn trương tại Pakistan không phù hợp với việc mở một cuộc bầu cử dân chủ đáng tin cậy. Ông nhấn mạnh đến lời tổng thống Bush kêu gọi tổng thống Musharraf trả tự do cho những người bị bắt kể từ khi bản hiến pháp nước này bị đinh chỉ, và chấm dứt việc đàn áp quyền tự do báo chí.

Về phần ông Musharraf, ông vẫn cam kết mở bầu cử và giữ cho quốc gia đi theo con đường dân chủ. Nhưng viện dẫn những đe dọa an ninh cho quốc gia, ông đã tạo nên một mối ngờ vực về triển vọng nhanh chóng trở lại với chế độ hiến định.

Theo bà Benazir Bhutto thì chỉ có thời gian mới cho biết được là tổng thống Musharraf có lắng nghe ông Negroponte hay không. Nhưng bà còn nói thêm là cho dù ngay cả tướng Musharraf làm theo tất cả những gì mà chính quyền của tổng thống Bush muốn, cũng không bảo đảm là cuộc bầu cử tại Pakistan, được ấn định vào tháng giêng, sẽ tự do và công bằng.

Bà nói một cuộc bầu cử công bằng không diễn ra chỉ vì người ta nói là muốn có một cuộc bầu cử công bằng. Chúng tôi muốn có bằng chứng. Chúng tôi muốn xem coi ủy ban bầu cử có được tái lập hay không, chính phủ lâm thời được thay đổi hay không, các thị trưởng nắm quyền kiểm soát vũ khí, tài chính và có ảnh hưởng tại cấp địa phương có bị đình chỉ công vụ trong khoảng thời gian mở bầu cử hay không. Và bà cũng muốn thấy ông Musharraf gửi một thông điệp mạnh tới phe tranh đấu bạo động rằng họ không thể thực hiện những vụ tấn công khủng bố vào bất cứ ai mà không bị trừng phạt, chứ đừng nói là tấn công vào những lãnh tụ chính trị.

Trong khi đó, các cuộc khủng hoảng tại Pakistan đã trở thành một đề tài cho cuộc tranh cử tổng thống tại Hoa Kỳ. Tại một cuộc tranh luận mới đây của những ứng viên đảng Dân Chủ đối lập, cựu nghị sỹ John Edwards nói rằng Hoa Kỳ nên chấp nhận một đường lối thông minh hơn trong việc đối phó với tướng Musharraf.

Theo ông thì trước hết, Hoa Kỳ nên cải tổ lại bản chất của viện trợ cho Pakistan và dùng viện trợ như một đòn bẩy. Ý ông muốn nói là những gì Mỹ làm từ bấy lâu nay chủ yếu là để trợ giúp cho ông Musharraf, ngược lại với việc trợ giúp cho nhân dân Pakistan.

Tổng thống Bush đã ra lệnh duyệt xét lại tất cả mọi hình thức viện trợ cho Pakistan vì những hành động của tướng Musharraf. Nhưng ông nhấn mạnh rằng một phần lớn của viện trợ Hoa Kỳ được dùng vào công cuộc chống khủng bố, một cuộc chiến mà ông nói là phải được tiếp tục.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG