Đường dẫn truy cập

'Chủ Nghĩa Xã Hội kiểu Miến' làm hỏng nền kinh tế Miến Ðiện


Miến Điện là nước có nhiều tài nguyên nhưng lại là một trong những nước nghèo nhất thế giới. Trong khối tiền khai thác được thì người dân lại chẳng hưởng được mấy bởi vì phần lớn số tiền đó đều được dùng để cung ứng một cuộc sống xa hoa cho các lãnh tụ quân sự. Từ Hongkong, phóng viên Kate Woodsome của đài VOA ghi lại thêm một số chi tiết cho thấy số tiền mà Miến Điện thủ đắc đã được chi tiêu như thế nào.

Người dân Miến Điện sững sờ khi cuộn băng thu hình đám cưới con gái tướng Than Shwe lọt ra thị trường và rồi được mang chiếu cả trên mạng điện tử. Cuộn băng cho thấy hình ảnh cô dâu béo tốt đeo đầy hột xoàn và ngọc lục bảo trên người. Khách tới dự tiệc cưới đều được quân cảnh hướng dẫn ngay từ lúc bước ra khỏi những chiếc xe sang trọng để vào phòng tiếp tân, được bài trí bằng những bó hoa lộng lẫy bên cạnh hàng loạt khay với đầy các thứ sơn hào hải vị và một chiếc bánh cưới cao đến 5 tầng.

Min Zaw Oo, một nhà tranh đấu người Miến đang sống ở Washington nói rằng đây là lần đầu tiên công chúng được nhìn thấy sự cách biệt rõ ràng giữa nhân dân và những người lãnh đạo họ. Ông nói :

Trong văn hoá Miến, người dân vẫn kỳ vọng cấp lãnh đạo họ phải hy sinh. Thành thử khi họ nhìn thấy một lãnh tụ của chế độ trong một tiệc cưới với đủ loại trang sức như thế thì họ đều phẫn nộ. Không phải chỉ vì nó trái với thông tục và giá trị của một nhà lãnh đạo mà cũng còn vì những so sánh giữa họ với những kẻ ngày càng giàu sụ nhờ chế độ nầy.

Ngược với những hình ảnh sang giàu nhìn thấy trong cuộn băng thu hình đám cưới, hầu hết trong số 50 triệu dân Miến Điện đều phải vất vả tranh sống cho cả gia đình với lợi tức chưa đầy 1 dollar mỗi ngày. Tình trạng suy dinh dưỡng tràn lan khắp nước trong khi tỉ lệ người nhiễm HIV ở mức rất cao. Ấy vậy nhưng chỉ có chưa đầy 3% ngân sách quốc gia được dùng vào các dịch vụ y tế.

Miến Điện là một trong những nước nghèo nhất Á Châu với một chính phủ thuộc loại áp bức nhất thế giới. Nhưng khi chính phủ bất thần tăng cao giá nhiên liệu hồi tháng 8 vừa qua thì họ đã đẩy hàng chục ngàn công dân Miến đến đường cùng, khiến người dân chẳng còn cách nào khác hơn là phải xuống đường phản đối. Hồi tháng trước, các cuộc biểu tình phản kháng đó đã bị dẹp tan bằng bạo lực quân sự.

Thật ra thì Miến Điện không phải lúc nào cũng nghèo. 50 năm trước, đất nước nầy được mệnh danh là “Chén cơm của Á Châu” và là một trong các quốc gia phú túc nhất vủng. Nhưng tình trạng phồn thịnh đó đã lùi dần kể từ năm 1962, khi các nhân vật cầm đầu cuộc đảo chánh quân sự thi hành chủ thuyết được gọi là 'Chủ Nghĩa Xã Hội kiểu Miến Điện'.

Ông Sean Turnell thuộc nhóm theo dõi kinh tế Miến Điện của trường đại học Macquarie bên Úc kể lại là các tướng lãnh cầm quyền đã quốc hữu hoá mọi thứ, từ những đại công ty xuống đến các hàng quán ven đường. Ông nói:

"Sau giai đoạn đó Miến Điện bắt đầu rơi dần vào hố nghèo đói bởi vì theo đúng kế hoạch gọi là Chủ Nghĩa Xã Hội kiểu Miến Điện, tất cả các cơ chế cần thiết để điều hành một nền kinh tế thị trường đều tan rã."

Ông Turnell nhận xét là trong 40 năm qua, giới lãnh đạo quân sự đã điều hành nền kinh tế đất nước hết sức sai trái bằng cách kết hợp phương thức trung ương tập quyền cứng nhắc kiểu Xô Viết với mê tín. Ông giải thích :

"Hồi năm 1987, một loạt biện pháp nhằm dẹp bỏ giá trị của đồng tiền đã được thi hành chỉ bằng tuyên cáo cho rằng chỉ tệ Miến Điện không còn có giá trị hợp pháp nữa. Thay vào đó là một loại tiền mới dựa trên con số 9. Lý do là vì các nhà chiêm tinh nói với ông tướng cầm quyền lúc đó rằng số 9 là con số cực tốt cho ông ta."

Theo lời ông Turnell thì các cấp lãnh đạo quân sự đều là những người ít học và thường lại được các nhà chiêm tinh đứng ra cố vấn. Chính đó là lý do đưa tới hàng loạt những chi tiêu hết sức phí phạm, tỉ như bỏ không biết bao nhiêu tỉ dollar ra để xây thủ đô mới tại thị trấn Naypidaw trong vùng rừng rậm. Vụ di chuyển thủ đô từ Rangoon về Naypidaw đã được thực hiện 2 năm trước đây đúng vào 6 giờ 37 phút sáng, là giờ giấc do một nhà chiêm tinh đề nghị.

Công tác dời chuyển thủ đô được tài trợ bằng các nguồn tài nguyên quốc gia như khoáng chất, đá quí, hơi đốt và gỗ. Miến Điện cũng là nước sản xuất á phiện nhiều thứ nhì thế giới bên cạnh một đường dây buôn amphetamine ngày càng phát triển.

Hơi đốt của Miến được bán qua Thái Lan trong khi các lân bang khác là Trung Quốc và Ấn Độ thì đang tranh với Nam Triều Tiên để khai thác các giếng dầu ngoài khơi. Các đại công ty dầu Total của Pháp và Chevron của Mỹ cũng có mặt trong cuộc cạnh tranh nầy.

Theo lời các nhà phân tích thời cuộc thì phần lớn số tiền thu được lẫn những khoản tiền do chợ đen mang lại, đều đi thẳng vào túi các lãnh tụ quân sự và đám tay chân bao quanh họ.

Hồi thập niên 1990 chính phủ đã thực hiện một chiến dịch phô trương và đã tân trang mấy kiến trúc và chùa chiền nổi tiếng. Nhưng theo lời các nhà tranh đấu Miến Điện thì đấy là đóng góp đáng nói sau cùng của họ cho nhân dân.

Mấy năm qua, tiền bạc kiếm được đã góp phần gia tăng và hiện đại hoá quân đội bằng các loại chiến cụ mua của Trung Quốc. Năm ngoái, quân nhân và công chức đã được tăng lương khá cao.

Trước đây trong năm nay, Miến Điện đã mua một lò phản ứng hạt nhân của Nga. Chính phủ cho biết sẽ dùng lò nầy để sản xuất các chất phóng xạ đồng vị để chữa trị ung thư. Nhưng theo lời ông Ian Holliday, một chuyên gia về Miến Điện tại trường đại học Hongkong thì các tướng lãnh Miến cũng còn chi rất nhiều tiền bên Singapore. Ông nói :

"Tôi biết họ đã đổ tiền ra đầu tư vào một số bất động sản. Than Shwe và gia đình ông sở hữu một dinh thự sang trọng ở đó. Tôi không rõ họ giấu bao nhiêu tiền trong các ngân hàng Singapore nhưng tôi đoán phải là nhiều lắm. Người Singapore đầu tư khá nhiều tại Miến Điện cho nên theo thiển ý thì Singapore cũng chẳng gây khó khăn gì khi cấp lãnh đạo Miến tung tiền qua cất giấu bên Singapore."

Phản ứng sau những vụ đàn áp đẫm máu hồi tháng trước nhắm vào các cuộc biểu tình chống chính phủ, Mỹ và khối Liên Âu đã gia tăng các biện pháp chế tài đối với giới lãnh đạo Miến Điện. Tuy nhiên theo ông Holliday thì các biện pháp đó đều chẳng mấy hiệu quả. Ông giải thích :

"Những biện pháp như phong toả tài sản tại Mỹ của các thành viên cao cấp trong chính phủ Miến chẳng kiến hiệu gì vì thật ra họ hầu như đều không có tài sản nào ở Mỹ cả. Trong khi ở các nước khối Liên Âu thì hầu như chẳng có ai nghĩ tới chuyện đầu tư vào Miến Điện lúc nầy. Phản ứng trong giới tiêu thụ thì nhan nhản và có thể nói rằng bầu không khí ở Miến chưa bao giờ nhuốm độc nhiều hơn bây giờ."

Theo các nhà phân tích thời cuộc thì điều duy nhất có thể xoay chiều nền kinh tế Miến Điện là một sự phân hoá trong hàng ngũ lãnh đạo quân sự. Họ nói rằng cho tới chừng nào điều đó xảy ra thì chuyện tiêu pha phí phạm của đám lãnh tụ Miến vẫn cứ tiếp diễn.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG