Trên toàn nước Mỹ, những nhà tiểu nông đang phải vất vả chống đỡ làm sao giữ cho những nông trại nhỏ do gia đình trông nom sống còn. Để làm được như vậy, một số phải liên kết với các công ty lớn, một số thì trở về với phương pháp canh tác cổ truyền, khi mà giới tiêu thụ và các nhà hàng ăn ngày càng có những đòi hỏi cao về chất lượng, không muốn những gì họ tiêu thụ có dính chất thuốc trừ sâu và bị biến chế thái quá. Lá thư Mỹ Quốc hôm nay mời quí thính giả nghe Lan Phương trong bài tường trình sau đây của TTV Mike O'Sullivan từ Los Angeles gửi về.
Đối với một nhà tiểu nông như ông Philip McGrath làm chủ một nông trại do gia đình chung sức sức cầy cấy, thì chuyển sang phương pháp canh tác tự nhiên dùng các loại phân chuồng, không sử dụng phân bón tổng hợp và các loại hóa chất đã giúp mở ra cho ông một thị trường mới.
Cái nông trại nhỏ trong quận Ventura ở dọc theo bờ biển tiểu bang California chỉ chuyên cung cấp rau trái cho các nhà hàng loại cao cấp và giới khách tiêu thụ kén chọn, những người quan tâm nhiều đến chất lượng hơn là giá cả.
Ông McGrath cho hay một số các công ty nông nghiệp lớn mà ông gọi là “ BIG AG”, dang kinh doanh trong vùng này, nhưng một số nông gia như ông thì bán sản phẩm thẳng cho người tiêu thụ.
Ông McGrath nói: "Giờ đây thì những công ty nông nghiệp lớn làm việc với các nông gia có nông trại theo kiểu gia đình, trên căn bản hợp đồng, để trồng những gì mà hợp đồng đặt họ cung cấp, và một số ít các nông trại theo kiểu gia đình thì làm như tôi đang làm đây, tức là bán sản phẩm thẳng ra thị trường. Chúng tôi bán nông phẩm trực tiếp cho khách hàng tại địa phương mà thôi."
Ông Todd Aarons là đầu bếp chính tại một nhà hàng ăn chuyện dọn các món kén chọn có tên là Tierra Sur. Nhà hàng này mua một số rau trái thẳng từ nông trại của ông Philip McGrath.
Ông Aarons nói: "Khi chúng tôi mua rau trái từ những nông gia địa phương thì chúng tôi thực sự có được những sản phẩm tươi ngon nhất được hái về, không nhất thiết là họ cần sản xuất được nhiều hay ít, mà là những mùi vị của những rau quả tươi, được trồng theo kiểu cổ truyền, và đây là những sản phẩm được bán thẳng ở những chợ của nông gia, cho các tay đầu bếp chính của các nhà hàng ăn, nơi mà khách hàng thực sự muốn thưởng thức những món ăn có nhiều hương vị đậm đà."
Tại khu chợ của nông gia ở Santa Monica ngay bên ngoài thành phố Los Angeles, các tay đầu bếp chính và những khách tiêu thụ khác mua sản phẩm thẳng từ các nông trại.
Bà Amelia Salzman đã soạn một cuốn sách dạy nấu ăn gồm toàn những cch thức nấu nướng dùng các vật liệu mà người ta có thể tìm thấy được ngay tại ngôi chợ của nogn gia ở vùng thị tứ này. Theo bà thì khu chợ này thu hút rất đông khách hàng thuộc đủ mọi thành phần.
Bà Salzman nói: "Trong số những khách hàng đến mua hàng tại chợ này có những tay đầu bếp tuyệt hảo, những người đầu bếp nấu ăn ngon nhất trong thành phố., từ những khu vực ngoại ô của miền nam California đều kéo đến khu chợ này để mua rau trái. Đó là một thành phần. Rồi lại có những người là các bà, các ông nội trợ, đến đây mua thực phẩm đem vế nấu nướng cho gia đình. Ngoài ra còn những người làm việc văn phòng nhân giờ nghỉ trưa ghé mua thực phẩm. Con số khách hàng ở khu chợ nông gia này thật là một sự pha trộn của đủ mọi thành phần trong đời sống của nam California."
Ông George Schur, một kỹ sư hồi hưu quay sang mở nông trại, bán những loại trái cây khác lạ của nước ngoài nhưng lại do chính tay ông trồng ngay trên nông trại của ông gần thành phố San Diego.
Ông Schur nói: "Tôi cố gắng giảng giải cho khách hàng biết về những loại trái cây khác nhau.. Tôi cũng có rất nhiều khách hàng trung thành với tôi có lẽ đã trên 20 năm."
Canh tác quả là một công việc cần đến nhiều lao động., mà California thì lại đang phải đối phó với vấn đề thiếu hụt lao động, khi mà những luật lệ hạn chế di dân đang chặn rất nhiều luồng công nhân đến từ Châu Mỹ Latin, cũng như giá nước tăng, tình trạng đô thị hóa ngày càng nhiều và các luật lệ của chính phủ ngày càng khó khăn hơn.
Ông Edgar Terry, một nông gia thuộc thế hệ thứ tư chăm sóc nông trại gia đình, trồng rau trái cung cấp cho các công ty thu mua lớn, cũng dành một số nông phẩm đem bán thẳng cho khách tiêu thụ ở một sạp hàng dựng ngay bên lề đường. Ông cho biết để giữ cho một nông trại nhỏ tồn tại không phải chuyện dễ.
Ông Terry nói: "Chắc đến một ngày nào đó tôi đành phải nghe theo lời mẹ tôi khuyên bảo mà đi kiếm một công việc gì làm theo giờ văn phòng từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều, rồi cứ hàng tuần lãnh lương cho xong,chứ còn làm cái nghề nông này thì đủ mọi chuyện phức tạp và công việc cứ thay đổi luôn mỗi ngày trong tuần, đã vậy lại còn bao nhiêu thứ luật lệ ở tiểu bang California, rồi luật di trú và tất cả mọi vấn đề phải tuân thủ mà chúng tôi buộc phải đối phó. Có đủ mọi thứ làm cho tôi điên đầu."
Những nông gia này nói rằng có những con đường khác kiếm sống dễ dàng hơn, nhưng vì họ đang tiếp nối truyền thống cảu gia đình và rằng họ trồng trọt vì họ yêu thích cái đời sống của nhà nông. Họ cho biết những phương cách mới để bán nông phẩm có thể giúp cho những nông trại gia đình tồn tại và thịnh vượng.