Đường dẫn truy cập

Tiến bộ dân chủ ở Ðông Nam Á có dấu hiệu chậm lại


Theo các chuyên gia, tiến bộ dân chủ ở đông nam Châu Á đã bị khựng lại trong năm ngoái, phần lớn là do cuộc đảo chính hồi tháng 9 ở Thái Lan. Các chuyên gia trong khu vực cho rằng dân chủ không phải chỉ gồm những cuộc bầu cử, nhưng các cuộc bầu cử vẫn quan trọng.

Sau những tiến bộ liên tục trong nửa đầu của thập niên này, các chuyên gia chính trị cho rằng các nỗ lực củng cố dân chủ ở đông nam châu Á đã bị khựng lại trong năm ngoái khi quân đội Thái Lan lật đổ chính phủ dân cử của ông Thaksin Shinawat.

Ông Carl Thayer, giáo sư môn khoa học chính trị tại trường đại học New South Wales, nói rằng ngày trước khi xảy ra cuộc đảo chính, cũng đã không thấy mấy diễn biến dân chủ trong vùng vào năm 2006. Các chính phủ cộng sản vẫn cai trị Lào và Việt Nam. Các tướng lãnh Miến Điện vẫn cầm quyền sau 40 năm, và Kampuchia trên thực tế đã trở thành một quốc gia độc đảng.

Nếu nhìn vào năm 2006 và tiến hành một cuộc đánh giá thì ta phải nói rằng không có tiến bộ nào quan trọng trong vùng vì sự vấp váp ở Thái lan và một tiến trình chậm chạp ở khắp mọi nơi. Không có thay đổi ở Miến Điện, không có thay đổi ở Brunei, Kampuchia. Lào cũng nằm trong những trường hợp đó.

Chỉ mới cách đây vài năm, nhiều người đã trông đợi dân chủ nhiều hơn trong vùng. Nhiều quốc gia đông nam châu Á đã tổ chức những cuộc bầu cử thành công và thay đổi chính quyền một cách êm thắm. Đó là một sự thay đổi lớn so với 3 thập niên trước đó, khi các nhà lãnh đạo kiểu lãnh chúa chế ngự các chính quyền trong khu vực, nắm giữ quyền hành hơn 20 năm.

Năm 1998, người dân Indonesia buộc tổng thống Suharto phải rời chức. Ông là người đã lãnh đạo đất nước 31 năm, và hiện nay Indonesia đang theo thể chế dân chủ có hiệu quả.

Cựu phó thủ tướng Malaysia, ông Anwar Ibrahim, mới đây đã tuyên bố ông thấy rằng Indonesia là một bằng chứng cho thấy dân chủ có thể thành công ngay cả trong lúc các nước nghèo khó tìm cách phát triển về mặt kinh tế.

Ông Anwar giải thích:Nay chúng ta đã quen thuộc với luận điệu là dân chủ không thể đi trước phát triển kinh tế. Có nghĩa là dân chủ có thể chờ, dù cho điều đó có nghĩa là phải chờ vĩnh viễn. Dĩ nhiên, đây là lập luận của những gã độc tài và những lãnh tụ chuyên quyền. Và với sự sụp đổ của ông Suharto, thì sự kiện Indonesia nổi lên rất nhanh trong tư cách một quốc gia dân chủ mới đã cho thấy sự biện bạch đó chỉ là một lời nói dối.

Tuy nhiên, một vài quốc gia ở đông nam châu Á định nghĩa dân chủ khác với hầu hết các quốc gia tây phương. Chẳng hạn như mặc dù Singapore và Malaysia tổ chức bầu cử, các nước này đã bị chi phối bởi một đảng duy nhất trong 4 thập niên.

Cả hai nước đều hạn chế truyền thông và hoạt động của phe đối lập chính trị.Tại Malaysia, ông Anwar Ibrahim, người hy vọng ra tranh cử trong các cuộc bầu cử sắp tới, nói rằng dân chủ thực sự đòi hỏi nhiều yếu tố thiết yếu vượt quá bầu cử.

Chúng ta muốn các chính phủ tôn trọng những quyền tự do cơ bản của tất cả mọi công dân, kể cả các khối thiểu số và những người bị gạt ra ngoài lề xã hội. Chính phủ phải có trách nhiệm với công chúng, việc thực hiện quyết định phải minh bạch, các cơ quan tư pháp phải độc lập, báo chí phải được tự do và phải có pháp trị.

Nhiều người kinh động trước cuộc đảo chính quân sự tại Thái Lan bởi vì họ lo sợ rằng sự kiện này sẽ khích lệ các chính phủ khác trong vùng lui bước trong việc hướng tới dân chủ. Nhưng một số người Thái ủng hộ dân chủ lập luận rằng ông Thaksin đã dùng lá phiếu để đưa đất nước tới một chế độ độc đảng.

Họ cho rằng ông Thaksin đã tìm cách trấn át những phê phán của giới truyền thông và đã xoay xở để chi phối quốc hội đến độ các chính sách của ông không bị ai dò xét.Ông Anand Panyarachum, một cựu thủ tướng của Thái Lan, cho rằng ông Thaksin đã dùng những chính sách mị dân, chẳng hạn như trợ cấp cho nông dân, để lấy phiếu.

Điều này giúp ông gạt bỏ được những lời chỉ trích từ phía những người ủng hộ cho dân chủ.

Ông Thaksin có thể nói rằng, “Nếu quý vị không thích tôi, tại sao không tôn trọng luật chơi? Hãy trả lại quyền hành cho nhân dân và hãy tổ chức một cuộc bầu cử. Nhưng những vấn đề được nêu lên để chống lại ông không thể và cũng không nên để cho quyết định bằng một cuộc phổ thông đầu phiếu.

Chính phủ do quân đội Thái Lan thành lập hứa hẹn sẽ mở những cuộc bầu cử mới trước cuối năm nay. Giáo sư Thayer nghĩ rằng sau đó, người dân Thái sẽ xây dựng một nền dân chủ vững mạnh hơn. Ông Thayer lập luận: “Một khi tổ chức bầu cử và quyền hành trở về tay nhân dân, tôi nghĩ rằng ta sẽ thấy giới trung lưu Thái quay lại trả thù và tìm cách đền bù cho những lỗi lầm đã để cho một thủ tướng được nhiều dân chúng ủng hộ như thế làm hư hỏng chế độ, họ sẽ học hỏi được từ sự kiện đó.”

Theo ông Thayer, rồi ra thì toàn bộ khu vực đông nam Châu Á sẽ trở nên dân chủ hơn, và các nhà lãnh đạo sẽ đáp ứng những yêu cầu của công chúng đòi hỏi chính phủ phải có trách nhiệm và tiến bộ chính trị.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG