Đường dẫn truy cập

Tổng thống Bush hoan nghênh thỏa thuận hạt nhân Bắc Triều Tiên


Bắc Triều Tiên đã đồng ý đóng cửa lò phản ứng hạt nhân chính và chung cuộc sẽ hủy bỏ chương trình vũ khí nguyên tử. Đổi lại, quốc gia cộng sản nghèo khó này sẽ nhận được nhiên liệu và các hình thức viện trợ khác từ phương Tây. Tổng thống Bush gọi sự khai thông sau các cuộc đàm phán 6 bên tại Bắc Kinh là cơ hội tốt đẹp nhất về ngoại giao nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Thỏa hiệp đòi hỏi Bắc Triều Tiên đóng cửa nhà máy hạt nhân chính, trong đó có lò phản ứng Yongbyon, trong vòng 60 ngày. Khu nhà máy này sẽ được mở cửa cho các thanh sát viên quốc tế.

Đổi lại, quốc gia cộng sản nghèo khó này sẽ được cung cấp 50 ngàn tấn nhiên liệu nặng. Bình Nhưỡng sẽ nhận được gần 1 triệu tấn dầu nhiên liệu một khi thực thi các biện pháp nhằm hủy bỏ vĩnh viễn chương trình hạt nhân của họ.

Tại các cuộc đàm phán ở Bắc Kinh, các nhà thương thuyết Bắc Triều Tiên đã đứng dậy hoan hô thỏa hiệp với các đặc sứ của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nam Triều Tiên, Trung quốc và Nga. Nhưng trợ lý bộ trưởng ngoại giao Mỹ, ông Christopher Hill tỏ ra dè dặt trong việc đánh giá thỏa hiệp.

Rõ ràng là đường đi còn xa lắm, nhưng chúng tôi rất hài lòng với thỏa thuận này. Chúng tôi cảm thấy đó là một bước vững chắc, rất vững chắc để tiến tới.”
Chính phủ Bắc Triều Tiên của chủ tịch Kim Jong Il đã châm ngòi cho cuộc khủng hoảng hạt nhân qua việc thử nghiệm các phi đạn tầm xa mùa hè và cho nổ một cơ cụ hạt nhân vào tháng 10 năm ngoái. Trước đó, Bình Nhưỡng đã rút ra khỏi một hiệp ước giải trừ vũ khí hạt nhân với Hoa Kỳ. Và cách đây 4 năm, Bắc Triều Tiên đã trục xuất các thanh sát viên quốc tế sau khi cho tái khởi động nhà máy hạt nhân của họ.

Tại thủ đô Washington, Ngoại trưởng Hoa Kỳ bà Condoleezza Rice dùng các thuật ngữ của môn football Mỹ để mô tả thỏa hiệp mới này.

Bà Rice nói rằng chúng ta đang ở hiệp đầu, chứ không phải ở hiệp bốn.

Theo thỏa hiệp, Bắc Triều Tiên sẽ không từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân ngay tức khắc.

Chuyên gia Michael O’Hanlon thuộc Viện Brookings cho rằng đây không phải là một hành động phi hạt nhân hóa toàn diện.

Nó giới hạn kho vũ khí của Bắc Triều Tiên có lẽ ở mức 10 vũ khí. Nó không tiêu hủy kho vũ khí đó. Nó cũng không nhắm vào một địa điểm nào khác khả nghi mà chúng ta nghĩ là họ sở hữu để tinh chế uranium.

Ngoại trưởng Rice của Hoa Kỳ cho biết Bắc Triều Tiên đã ký một tuyên ngôn cam kết qua bước thứ hai.

Bà Rice nói rằng miền Bắc sẽ công bố, từ bỏ và phá hủy tất cả các chương trình vũ khí hạt nhân. Và mọi người đều hiểu tất cả có nghĩa là gì.

Cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Liên hiệp quốc, ông John Bolton gay gắt chỉ trích thỏa hiệp. Ông nói rằng thỏa hiệp này gửi đi một tín hiệu cho những nước phổ biến hạt nhân là họ sẽ được tưởng thưởng.

Tại Bắc Kinh, đặc sứ Nhật Bản, ông Kenichiro Sasae gợi ý nghi ngờ về những ý định của Bắc Triều Tiên.

Tất cả 6 bên sẽ thực sự cần phải thi hành những gì đã được ghi trong thỏa thuận nếu không thì thỏa thuận sẽ không còn ý nghĩa gì nữa.

Một số chuyên gia cho rằng sự nghèo khó và nền kinh tế trì trệ của Bắc Triều Tiên đã liên tục đẩy quốc gia cô lập này đến bờ vực.

Nếu chúng ta muốn thoát ra khỏi tình trạng nan giải này – trong đó chúng ta đúng là bị hăm dọa bằng hạt nhân – thì chúng ta phải tìm ra một cách nào đó để thuyết phục phía Bắc Triều Tiên tiếp tục con đường cải cách kinh tế sâu rộng hôm, nếu không thì họ lại bị lôi cuốn theo đuổi các thủ đoạn nguy hiểm.

6 quốc gia sẽ họp lại vào tháng tới để các nhà ngoại giao đánh giá xem liệu chính phủ của ông Kim Jong Il có nghiêm túc thực hiện cam kết hay không.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG