Một viên chức cao cấp của bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm thứ hai nói rằng bà không thấy có dấu hiệu đàn áp đối với người Thượng đã vượt biên qua Kampuchia rồi sau đó bị gửi trả về vùng Tây Nguyên ở Việt Nam.
Hàng trăm người Thượng, phần lớn theo đạo Tin Lành, đã bị Kampuchia trục xuất về Việt Nam sau khi bị từ chối không cho tái định cư ở một nước thứ ba. Các tổ chức nhân quyền nói rằng một số họ đã bị đàn áp khi về nước.
Trợ lý bộ trưởng ngoại giao đặc trách về Dân số, Tị nạn và Di trú, bà Ellen Sauerbrey cho biết bà đã nói chuyện với 7 người hồi hương mà bà chọn một cách ngẫu nhiên tại một làng ở Tây nguyên, và không có người nào nói là đã bị ngược đãi.
Bản tin của AFP trích thuật nguyên văn lời bà Sauerbrey phát biểu tại một cuộc họp báo ở Hà Nội nói như sau: “Tôi phải tường trình rằng tất cả những người bị trục xuất từ Kampuchia về mà chúng tôi đã nói chuyện đều nói rằng họ đã không bị trừng phạt.”
Bà Sauerbrey cho biết thêm là những người mà bà đã có cơ hội nói chuyện đều tỏ vẻ hài lòng được về nhà đoàn tụ với gia đình.
Khoảng 2000 người Thượng đã chạy trốn qua Kampuchia vào năm 2001 và 2004 sau khi lực lượng an ninh đàn áp các cuộc biểu tình chống chiếm dụng đất và ngược đãi tôn giáo.
Tin của AP nhắc lại rằng một số tổ chức quốc tế nhân quyền, trong đó có Human Rights Watch, đã cáo giác rằng nhiều người trở về đã bị xách nhiễu, bỏ tù hay bị đánh đập.
Theo bà Sauerbrey thì nhiều người tỵ nạn đã vượt biên vì lý do kinh tế, và bà khuyến khích chính quyền Việt Nam tạo thêm công ăn việc làm để giải quyết vấn đề tỵ nạn.
Bà ca ngợi Hà Nội đã cho phép các đại diện của Hoa Kỳ, của văn phòng Cao ủy Tỵ nạn Liên hiệp quốc và các nhà ngoại giao Âu Châu đi thăm vùng Tây nguyên và điều tra tận mắt tình trạng ở đó.
Quan hệ giữa chính quyền ở Hà Nội và người Thượng đã căng thẳng vì nhiều người ở vùng Tây nguyên đã đứng về phe Hoa Kỳ trong cuộc chiến tranh Việt Nam.