Vào đầu thập niên 90, Phương pháp chẩn đoán gen trước khi đặt vào dạ con (PGD) đã trở thành một công cụ hữu hiệu trong việc xác định xem liệu bào thai có mang gene di truyền gây bệnh nguy hiểm chết người hay không. Phương pháp PGD cho phép các bác sĩ chụp tế bào của một trứng được thụ tinh bên ngoài dạ con để tìm dấu tích những bệnh di truyền như u nang hay những bệnh về máu, và cho phép các bậc cha mẹ lựa chọn có đặt trứng đó vào dạ con hay không.
Tại các phòng hộ sinh, phương pháp PGD ngày càng được sử dụng rộng rãi để xác định giới tính của trứng và sau đó chỉ có những trứng sẽ sinh bé trai hay bé gái mới được chọn. Những cặp vợ chồng di cư có những lựa chọn về con cái khác với những cặp vợ chồng sinh tại Mỹ. Điều này đã tạo nên một xu hướng mới đối với vấn đề vốn đã gây nhiều tranh cãi về việc liệu có nên cho phép lựa chọn giới tính trẻ em hay không.
Trong phòng mổ của Trung tâm Hộ sinh Huntington ở miền nam California, chuyên gia về sinh sản, bác sĩ Daniel Potter đang chuẩn bị xét nghiệm cho một nữ bệnh nhân 32 tuổi đã bị gây mê.
Bác sĩ đưa chiếc kẹp vào bên trong bệnh nhân, và chiếc kẹp này khá ấn tượng, nó dài khoảng 40 centimet.
Ông đang lấy trứng của bệnh nhân này để cho thụ tinh bên ngoài, mặc dù cô ta hoàn toàn có khả năng mang thai một cách tự nhiên. Bệnh nhân này đã đề nghị bác sĩ phân tích nhiễm sắc thể trứng của cô và chỉ chọn những trứng sẽ sinh con trai.
Hầu như 100% các trường hợp thụ thai này cho kết quả giới tính như mong đợi.
Nhiều bác sĩ, các nhà hoạt động vì đạo đức y học và thậm chí cả các nhà hoạt động nhân quyền cho rằng bác sĩ Daniel Potter không nên thực hiện thủ tục mạo hiểm này đối với một người phụ nữ nào và con của cô ta khi cô ta không cần đến thủ thuật y tế như vậy.
Hiệp hội Y tế Sinh sản Hoa Kỳ ủng hộ phương pháp PGD khi cần thiết để ngăn chặn việc di truyền của gene bệnh, tuy nhiên phản đối việc sử dụng phuơng pháp này để lựa chọn giới tính. Tuy nhiên, ông Potter cho biết ông chỉ đang thực hiện quyền sinh sản của bệnh nhân mà thôi.
Quả là một thái độ tự phụ nếu bất kỳ một tổ chức nào khẳng định là một phụ nữ nên hay không nên xác định số con mà cô ta muốn hay giới tính của những đứa trẻ này.
Tôi không nghĩ đây là vấn đề về quyền sinh sản. Y học phải chứng minh lập trường của mình. Nếu phương pháp này chỉ là phương pháp đối với sức khỏe và bệnh tật thì giới tính không nằm trong số này.
Vừa rồi là phát biểu của Bác sĩ Arthur Caplan, giám đốc Trung tâm Đạo đức Y học tại Đại học Pennsylvania, nơi ông điều tra các vấn đề về đạo đức đối với công nghệ sinh sản. Ông quan ngại về những kỳ vọng của các bậc cha mẹ đối với những đứa trẻ được lựa chọn giới tính.
Nếu quí vị đầu tư và coi con cái như hàng hóa, nếu quí vị nói tôi đã tốn 30 ngàn đô la để có được một cậu con trai để cùng chơi thể thao và bây giờ tôi có một cậu con trai dửng dưng với các môn thể thao. Quí vị có cảm thấy thất vọng không? Quí vị có cảm thấy bị lừa dối không?
Các nhà hoạt động đạo đức lo ngại rằng phương pháp PGD nhằm đảm bảo có con trai hay con gái, đã càng làm tăng thêm sự phân biệt giới tính. Bà Sujatha Jesudason, giám đốc chương trình tại Trung tâm Di truyền học và Xã hội tại Oakland, California thậm chí còn dùng những từ ngữ mạnh mẽ hơn. Bà cho rằng việc lựa chọn giới tính là phân biệt đối xử về giới.
Khi chúng ta nói lựa chọn giới tính là chấp nhận được, có nghĩa là chúng ta nói rằng việc lựa chọn một trẻ em nào đó là chấp nhận được. Khi quí vị có một người cha nói rằng, tôi muốn có một cậu con trai để kế nghiệp công việc kinh doanh của gia đình, ông ta cho rằng một cô con gái thì không thể làm được điều này.
Cô Jesudason, một người được sinh ra ở Aán Độ, đặc biệt nhạy cảm về sự ưa thích con trai theo văn hóa nước cô.
Tiếng nói của cả nền văn hóa cho rằng người ta không mong muốn có con gái.
Hôm nay chúng ta sẽ biết thêm cô sẽ có bao nhiêu trứng.
Trong một phòng khám bệnh, bác sĩ Potter chào hỏi một cặp vợ chồng gốc Ấn Độ, hai người hiện đang sống ở Canada và họ đã đến bệnh viện của ông để mong có được một cậu con trai.
Khi con gái lấy chồng thì nó sẽ tới ở với gia đình khác. Con gái lấy chồng sẽ chuyển đi nơi khác. Với một cậu con trai thì nó sẽ ở với chúng tôi và sẽ là người nối dõi tông đường.
Người phụ nữ Nam Á và chồng cô chăm sóc cho cha mẹ chồng tại nhà mình. Còn cha mẹ vợ thì được chăm sóc ở gia đình anh trai người vợ. Mặc dù họ đã có hai cô con gái, nhưng chồng cô noí rằng sẽ không có ai chăm sóc cho họ cho đến khi họ có một cậu con trai, mặc dù con trai họ vẫn chưa được sinh ra đời.
Con trai thường chăm sóc cha mẹ lúc tuổi già. Tôi nghĩ thế hệ kế tiếp cũng sẽ chăm sóc chúng tôi như vậy.
25% trong số các bệnh nhân lựa chọn giới tính cho con của bác sĩ Potter là những bậc cha mẹ sinh ở nước ngoài, và 90% những bệnh nhân Ấn Độ, Nam Triều Tiên và Trung Quốc đều muốn sinh con trai. Mỗi tháng có khỏang 6 bé trai được sinh ra chỉ tính riêng ở phòng khám của ông. 80% số các cặp vợ chồng sinh ở Mỹ, là bệnh nhân của ông Potter, muốn có con gái. Và Ông Potter cho biết họ đã cho ông biết lý do tại sao:
Đó là mong muốn của một người phụ nữ muốn có một mối quan hệ mà cô đã từng có với Mẹ cô – như nhìn thấy cô con gái của mình làm đám cưới trong nhà thờ, hay đi mua sắm cùng cô con gái của mình. Một cô con gái trong tương lai luôn có một chỗ đứng trong tâm thức của người mẹ như một con người sống động. Và nếu bắt họ phải từ bỏ ước muốn đó thì điều này giống như là cái chết.
Khi cha mẹ muốn có một cậu con trai hay một cô con gái bởi phân biệt giới tính, bởi truyền thống, hay đơn giản là bởi họ đã có con một bề và giờ đây muốn có cả hai – thì chính những mong muốn mãnh liệt này là động cơ khiến nhiều bác sĩ tại nhiều bệnh viện tư sử dụng phương pháp PGD đã biến phương pháp điều trị được thiết kế để phòng ngừa các gene lỗi, thành một công cụ để xác định và lựa chọn giới tính.