Đường dẫn truy cập

Bắc Triều Tiên và vòng đàm phán Doha là ưu tiên hàng đầu tại APEC


Liên quan đến APEC, Ban Việt Ngữ có cuộc trao đổi với Trưởng ban Việt ngữ Michael Mathes hiện đang ở Hà Nội về một số diễn biến nổi bật liên quan đến hội nghị cấp cao này trong ngày thứ năm.

Q: Anh Michael, lại thêm một ngày bận rộn ở Hà Nội chứ gì? Xin anh cho biết vấn đề nào được xem là quan trọng nhất trong ngày hôm nay?

A: Vâng, về mặt chính trị thì rõ ràng là vấn đề Bắc Triều Tiên, và dường như các Bộ Trưởng trong khối APEC đều có một lập trường thống nhất trong việc đòi Bình Nhưỡng phải sẵn sàng có nhiều nỗ lực hơn nữa chứ không phải chỉ đến bàn thương thuyết để tham gia một vòng đàm phán mới của 6 bên. APEC chứng tỏ là một tiến trình chuẩn bị then chốt trước các cuộc đàm phán này, mà người ta tin là sẽ diễn ra trong thượng tuần tháng 12 tới đây. Trong số các Bộ Trưởng của APEC, có 19 vị đã họp nhau trong buổi ăn sáng ngày thứ năm tại Nhà Khách của chính phủ ở Hà Nội để thảo luận về vấn đề này. Trong một tuyên bố bằng văn bản, Bộ Trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ bà Condoleezza Rice và Bộ trưởng Ngoại giao Australia, ông Alexander Downer, nói rằng Bắc Triều Tiên phải sẵn sàng giải quyết vấn đề, bằng không thì không có lý do gì để mở những cuộc đàm phán mới.

Năm trong số 6 nước trong các cuộc đàm phán 6 bên có mặt tại Hà Nội trong tuần này. Nước duy nhất không có mặt tại đây là Bắc Triều Tiên, vốn không phải là l thành viên của APEC. Cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân trong thời gian gần đây của Bắc Triều Tiên đã khiến cho tình hình trong khu vực này trở nên căng thẳng, và rõ ràng là nhiều cuộc họp song phương giữa các nước này tại Hà Nội đang đề cập đến vấn đề căng thẳng là phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên.

Về vấn đề mậu dịch, các Bộ Trưởng phần lớn đều nhấn mạnh đến nhu cầu nối lại các cuộc thảo luận về mậu dịch được gọi là Vòng Đàm Phán Doha. Bộ Trưởng Thương Mại Việt Nam Trương Đình Tuyển tuyên bố tại một cuộc họp báo rằng giời đây Doha là ưu tiên hàng đầu của APEC. Vòng đàm phán Doha đã được phát động vào năm 2001 và được ca ngợi như là 1 cơ hội rất lớn để giúp hàng triệu người thoát ra khỏi cảnh nghèo khó tại các nước đang phát triển. Tuy nhiên vòng đàm phán này đã bị gián đoạn vì những bất đồng sâu sắc về vấn đề nông nghiệp.

Đài VOA đã có trong tay một bản sao của bản dự thảo tuyên bố của các nhà lãnh đạo APEC, được gọi là Tuyên Ngôn Hà Nội. Dự thảo này nói rằng hậu quả của việc không nối lại được các cuộc đàm phán Doha sẽ có thể rất nghiêm trọng. Do đó nhiều nỗ lực đang được thực hiện để khởi động lại những cuộc đàm phán này.

Q: Chủ Tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã đến Hà Nội, vậy anh có thể cho biết một vài chi tiết về cuộc viếng thăm của ông Hồ Cẩm Đào không?

A: Ông Hồ Cẩm Đào đã được chính thức nghênh đón tại Dinh Chủ Tịch Nước hồi chiều hôm nay. Dĩ nhiên Trung Quốc là một trong những nước đóng một vai trò quan trọng trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương, và mọi người sẽ theo dõi chuyến đi của ông một cách chặt chẽ. Ông HỒ Cẩm Đào đi thăm chính thức Việt Nam trước khi diễn ra cuộc họp của các nhà lãnh đạo APEC, do đó ông ấy đăng gặp gỡ các nhà lãnh đạo Việt Nam, trong đó có Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Nông Đức Mạnh. Rõ ràng là hai bên sẽ thảo luận về việc gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới của Việt Nam và ý nghĩa của sự kiện đó đối với mối quan hệ mậu định đang phát triển mạnh giữa hai nước. Trung Quốc và Việt Nam là 2 nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ở Châu Á, do đó chắc chắn kinh tế sẽ là 1 vấn đề ưu tiên. Nhưng ông Hồ Cẩm Đào và các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng sẽ đề cập đến những vấn đề chính trị.

Q: Ông Hồ Cẩm Đào chắc cũng sẽ gặp Tổng thống Bush của Hoa Kỳ bên lề hội nghị APEC phải không? Chuyến đi của ông Bush đến dự hội nghị này có ý nghĩa gì?

A: Dĩ nhiên ông Bush đến Châu Á với một tư thế bất lợi vì đảng Cộng Hòa của ông đã thất bại trong cuộc bầu cử trong tuần trước. Hiện nay ông Bush đang ở Singapore, tại đó ông đã nói đến nhu cầu phải xúc tiến mậu dịch tự do trên toàn cầu, và triển vọng của việc thành lập một khu vực mậu dịch tự do ở Châu Á Thái Bình Dương.

Chuyến đi Châu Á của ông Bush sẽ là một cuộc thử nghiệm quan trọng đối với nhà lãnh đạo Hoa Kỳ để tái khẳng định phần nào vị thế của ông trên trường quốc tế. Ông sẽ tập trung vào vấn đề mậu dịch, và có lẽ sẽ chủ tọa việc ký kết một hiệp ước song phương với Nga vào ngày Chủ Nhật để nước này có thể gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới. Tuy nhiên chắc chắn ông cũng sẽ thảo luận về những vấn đề an ninh quan trọng như Bắc Triều Tiên và các biện pháp chống khủng bố.

Đây là cuộc viếng thăm Việt Nam lần đầu tiên của Tổng Thống Bush, tiếp theo sau cuộc viếng thăm của ông Bill Clinton vào năm 2000. Tuy nhiên trong khi chuyến đi của ông Clinton là có tính cách hòa giải sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc trong một phần tư thế kỷ, thì chuyến đi của Tổng Thống Bush đã được đặt nặng vào vấn đề bình thường hóa các mối quan hệ kinh tế vào lúc Việt Nam gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới. Tuy nhiên có điều đáng buồn là trong chuyến đi Việt Nam lần này, Tổng Thống Bush đã không mang theo qui chế thương mại bình thường vĩnh viễn. Quốc hội Hoa Kỳ đã không chấp thuận qui chế nầy kịp thời, tuy nhiên các nhà quan sát hy vọng rằng qui chế này sẽ được thông qua trước khi Việt Nam chính thức gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG