Lời dẫn: Thưa quý vị, chiều ngày thứ Năm 14 tháng 9, giờ Washington, tức là cách đây vài giờ đồng hồ, một cuộc điều trần về tình hình nhân quyền tại Việt Nam đã diễn ra trong một buổi họp của nhóm quan tâm đến vấn đề nhân quyền ở Việt Nam tại Hạ Viện Hoa Kỳ. Hoài Hương của ban Việt Ngữ có mặt tại buổi họp, và tường trình như sau:
Được mời ra điều trần trước 3 dân biểu Mỹ, Zoe Lofgren, Loretta Sanchez và Ed Royce, là 3 nhóm gồm đại diện của nhiều tổ chức, kể cả Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế, Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo cho Việt Nam, Nghị Hội Toàn Quốc của người Việt tại Hoa Kỳ, Hội Người Thượng, và đại diện đảng Việt Tân.
Nhưng có lẽ bất ngờ nhất, là cuộc điều trần của bà Jane Đỗ Bùi, vợ ông Đỗ Thành Công, bút hiệu Trần Nam, một công dân Mỹ gốc Việt hoạt động tích cực cổ võ dân chủ, đã bị bắt giam khi cùng gia đình về thăm Việt Nam mới đây. Nói về hoàn cảnh của gia đình bà, trong bối cảnh ông Đỗ Thành Công có lẽ còn đang tiếp tục cuộc tuyệt thực tại Việt Nam, bà Jane Đỗ Bùi nói:
Chúng tôi đang sống trong đau buồn, và dưới bóng tối của sự sợ hãi, bởi vì chúng tôi không biết được bất cứ điều gì về tình trạng của chồng tôi, nhất là về sức khỏe của anh. Và tất cả xảy ra chỉ vì chồng tôi đã đủ can đảm để bày tỏ những gì ông nghĩ để tìm cách giúp đỡ đồng bào Việt Nam của ông.
Nói chuyện với đài VOA sau đó, bà Jane Bùi cho biết cảm tưởng khi ra điều trần trước nhóm quan tâm về vấn đề nhân quyền tại Việt Nam:
Tôi chỉ là một công dân bình thường sinh sống ở nước Mỹ này, cho nên tôi không bao giờ nghĩ tới cái ngày mà tôi ra đứng điều trần trước Hạ Viện như vầy về cái vấn đề nhân quyền mà chồng tôi là một nạn nhân trực tiếp.
Cũng trong buổi họp này, Dân biểu Zoe Lofgren, nhân vật trực tiếp can thiệp về trường hợp ông Đỗ Thành Công, nói:
Sự kiện một trong những cử tri của tôi bị giam cầm là một tình huống vô cùng đáng quan tâm. Thật sự mà nói thì đây là một tin gây chấn động, và đối với tôi và nhiều thành viên trong Quốc Hội Hoa Kỳ, là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được.
Cũng được mời ra điều trần, có một số đại diện của nhiều tổ chức người Việt tại Hoa Kỳ. Trong đó có bà Ngô thị Hiền, Chủ Tịch Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo cho Việt Nam. Bà Ngô thị Hiền đã đơn cử một số trường hợp để kết luận rằng các hành động đàn áp tự do tôn giáo vẫn tiếp diễn tại Việt Nam, và không có ai bị bắt giữ hay trừng phạt về những hành động này.
Một người khác là Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, Chủ Tịch Hội Đồng Trung Ương của Nghị Hội người Việt tại Hoa Kỳ.
Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích đặt câu hỏi, liệu tình hình nhân quyền có thực sự được cải thiện ở Việt Nam hay không, và ông trả lời bằng cách đơn cử trường hợp Việt Nam đã trả tự do cho 3 nhân vật hoạt động cho dân chủ, trong đó có bác sĩ Phạm Hồng Sơn, nhưng từ trung tuần tháng 8 đến hôm nay, đã có 14 người khác bị bắt giữ.
Ông Đặng Vũ Chấn, đại diện đảng Việt Tân nhắc nhở đến nhóm 8406 gồm các nhân vật đấu tranh cho dân chủ nổi bật trong nước, và ông mang ra so sánh phong trào tranh đấu cho dân chủ đang phát triển tại Việt Nam, với phong trào Đoàn Kết của công nhân Ba Lan trước đây.
Một nhân vật khác ra điều trần trước nhóm quan tâm đến vấn đề nhân quyền tại Việt Nam tại Hạ Viện Hoa Kỳ, là ông Kok Sor, đại diện Hội Người Thượng. Ông Kok Sor than phiền về các hành động đàn áp và tịch thu đất đai, và nói trong khi ông đang lên tiếng trong buổi điều trần, thì 330 đồng bào Thượng của ông vẫn đang chịu cảnh tù đầy.
Đồng thời ông khẳng định người Hội Người Thượng không chống đối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, và cũng không chống các nỗ lực của Việt Nam gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới.
Sau buổi điều trần, trong một cuộc trao đổi ngắn với đài VOA, dân biểu Loretta Sanchez, phát biểu:
Lịch sử đang đứng về phía chúng ta, khi nói đến vấn đề nhân quyền. Rốt cuộc các chính quyền sẽ sụp đổ, trừ phi chính quyền ấy trao quyền tự do phát biểu ý kiến, quyền tự do báo chí, tự do được điều đình theo đoàn thể, và tự do hội họp cho người dân. Thế cho nên, tôi hy vọng rằng chính quyền Việt Nam sẽ thay đổi ý kiến và khởi sự trao những quyền làm người ấy cho người dân Việt Nam.