Đường dẫn truy cập

Một số nhận định về chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của chủ tịch Hồ Cẩm Ðào


Chủ tịch Trung Quốc, ông Hồ Cẩm Đào lên đường đi Washington trong tuần này để thực hiện chuyến viếng thăm chính thức lần đầu tiên tại Tòa Bạch Ốc.

Ông Hồ Cẩm Đào sẽ tìm cách xoa dịu sự bực tức ngày càng tăng của Hoa Kỳ về điều mà một số người Mỹ cho là các tập tục mậu dịch bất công của Trung Quốc. Ông Hồ Cẩm Đào hy vọng tìm cách thuyết phục Hoa Kỳ và nhân dân Mỹ rằng nền Kinh tế và vị thế ngày càng đi lên của Trung Quốc ở Châu Á không phải là một mối đe dọa cho các quyền lợi của Hoa Kỳ, theo ghi nhận của phái viên Luis Ramirez của đài VOA tại Bắc Kinh:

Bên ngoài một nhà hàng thức ăn nhanh của Mỹ ở trung tâm Bắc Kinh, cô Ya Li, một cư dân của thủ đô, bầy tỏ sự bất bình về việc ai đó ở Hoa Kỳ coi Trung Quốc là một mối đe dọa. Cô Ya nói rằng Trung Quốc vẫn còn là nước đang phát triển.

Trung Quốc đang dành ưu tiên và mở mang nền kinh tế và không thể đe dọa đến các nước khác. Một số người dân Trung Quốc được thăm dò ý kiến, như cô Ya, nói rằng họ không thể hiểu được sự bực tức đang ngày càng tăng ở Hoa Kỳ, nhất là về các hàng xuất khẩu của Trung Quốc đang tràn vào thị trường Mỹ.

Sự tràn ngập hàng hóa của Trung Quốc đã làm cho mức thâm hụt mậu dịch của Hoa Kỳ với Trung Quốc tăng lên tới hơn 200 tỷ đôla trong năm ngoái, con số cao kỷ lục. Một số người Mỹ đổ lỗi cho tình trạng mất quân bình này đã khiến nhiều người mất công ăn việc làm ở Hoa Kỳ và nhiều người kết tội chính phủ Trung Quốc là kìm giá đồng Nguyên thấp để tạo thế mạnh cho hàng xuất khẩu của họ và gây khó khăn cho hàng nhập của Hoa Kỳ.

Chính phủ Bush cũng nói rằng nguyên do của thâm hụt mậu dịch một phần là do việc Bắc Kinh không chịu trấn át tình trạng sao chép bất hợp pháp các sản phẩm mang nhãn hiệu của Hoa Kỳ.

Tổng thống Bush cho biết ông rất mong gặp ông Hồ Cẩm Đào vào ngày 20 tháng này, nhưng đã lưu ý nhà lãnh đạo Trung Quốc rằng ông hy vọng Trung Quốc sẵn sàng thi hành các biện pháp thực sự để xoa dịu các mối lo ngại về mậu dịch của Hoa Kỳ.

Các giới chức Trung Quốc đã không tỏ ý sẽ thực thi các nhượng bộ cụ thể nào theo như chờ đợi của chính phủ Hoa Kỳ trong chuyến đi này. Thay vì thế, họ nói rằng nghị trình chuyến công du này sẽ tập trung vào việc giải quyết các tranh chấp thương mại qua việc tham khảo ý kiến và vào việc cải thiện hình ảnh của Trung Quốc. Phó ngoại trưởng Dương Thiết Trì đã thông báo cho các phóng viên hôm thứ sáu trước khi ông Hồ Cẩm Đào lên đường.

“Chuyến đi này sẽ gia tăng sự hiểu biết lẫn nhau và thúc đẩy các quan hệ giữa hai nước. Chuyến đi này sẽ đóng một vai trò rất quan trọng về mặt này.”

Trong khuôn khổ chiến dịch xây dựng hình ảnh trước chuyến đi, một phái đoàn các viên chức và doanh nhân Trung Quốc do phó thủ tướng Ngô Nghi dẫn đầu đã đi thăm Hoa Kỳ và ký các hợp đồng trị gía nhiều tỷ đôla để mua máy bay, nhu liệu điện toán, linh kiện xe ô tô, nông sản và các mặt hàng khác.

Hôm thứ sáu, chính phủ đã nới lỏng một số hạn chế về các giao dịch ngoại hối, tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các công ty và cá nhân để có ngoại tệ sử dụng trong việc đầu tư hay đi ra nước ngoài.Các nỗ lực mới của Trung Quốc nhằm xoa dịu sự bực tức của Hoa Kỳ diễn ra tiếp theo việc một dự luật được đệ trình tại Hạ viện Hoa Kỳ đòi áp đặt thuế quan và các biện pháp chế tài đối với các sản phẩm của Trung Quốc.

Ông Yuan Zheng là một chuyên gia nghiên cứu tại Viện Nghiên Cứu Mỹ tại viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, mợt cơ quan chính phủ tại Bắc Kinh. Ông nói rằng người Trung Quốc coi các hành động trả đũa của Mỹ về mậu dịch rất nguy hiện đối với toàn bộ các quan hệ.

“Đây là một sự đối đầu sẽ có tác động phản hồi. Chính phủ Bush đã dẫn đầu việc mở mang bang giao Trung-Mỹ trong vài năm vừa qua và đã đạt được các thành quả tốt. Các vấn đề mậu dịch có thể giải quyết qua đường lối thương thuyết.”

Phía Trung Quốc dường như đã nhân nhượng đôi chút trong chiến dịch xoa dịu tình trạng căng thẳng. Washington đã hoan nghênh những lời hứa hẹn mơi đây nhằm gia tăng sự tiếp cận của Hoa Kỳ đối với các thị trường của Trung Quốc và cải thiện việc thực thi tác quyền trí tuệ.

Các giới chức Trung Quốc đã không tỏ ý cho thấy họ sẽ có các nhượng bộ về những mặt trận nhậy cảm khác, như thành tích về nhân quyền của Trung Quốc, mà các giới chức Hoa Kỳ nói rằng sẽ coi như một phần quan trọng trong cuộc hội kiến giữa ông Bush và ông Hồ Cẩm Đào.

Hoa Kỳ đã liên tục lên án Trung Quốc về những vụ vi phạm có hệ thống, kể cả việc bỏ tù và tra tấn các nhân vật bất đồng chính kiến, đàn áp các hoạt động tôn giáo độc lập và kiểm soát chặt chẽ các cơ quan truyền thông.Cũng như trong mọi cuộc gặp gỡ khác với ông Bush, nhà lãnh đạo Trung Quốc dự trù sẽ nêu vấn đề Đài Loan và đề nghị Hoa Kỳ giữ vững lập trường chỉ có một nước Trung Hoa và Đài Loan là một phần của Trung Quốc.

Một nhiệm vụ khác của ông Hồ Cẩm Đào trong chuyến đi này là xoa dịu những mối lo ngại của Hoa Kỳ về việc Trung Quốc củng cố quân đội, một hành động mà một sô người tại Washington tin rằng có thể nhắm mục đích chuẩn bị cho một cuộc tấn công chung cuộc vào Đài Loan.

Chính phủ Hoa lục đã thề quyết sẽ tái thống nhất với đảo Quốc tự trị này bằng vũ lực nếu xét thấy là cần thiết.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG