Thủ tướng Phan Văn Khải sẽ đến Washington vào tháng tới và trở thành viên chức cao cấp nhất của Việt nam đến thăm Hoa kỳ kể từ khi chiến tranh kết thúc hồi 30 năm trước.
Theo tường thuật hôm thứ sáu do phái viên Kay Johnson của đài chúng tôi gởi về từ Hà nội, tin tức về chuyến đi của ông Phan Văn Khải đã được loan tải không lâu trước khi một nhà ngoại giao cao cấp của Washington cho biết là chính phủ Mỹ sẽ không áp đặt các biện pháp chế tài đối với Việt nam vì những vấn đề liên quan tới tự do tôn giáo.
Phó bộ trưởng ngoại giao Hoa kỳ, ông Robert Zoellick đã đến thăm Hà nội nhân dịp kỷ niệm 10 năm ngày 2 nước bình thường hóa quan hệ; và ông đã mang theo hai tin vui. Ông Zoellick chính thức mời thủ tướng Phan Văn Khải đến gặp tổng thống George W Bush ở Washington vào ngày 21 tháng 6. Đồng thời, bộ ngoại giao Mỹ cũng loan báo về một thỏa thuận nhằm tránh cho Việt nam khỏi bị chế tài vì vấn đề tự do tôn giáo.
Theo lời ông Zoellick, chuyến viếng thăm của ông Phan Văn Khải sẽ mang một ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Ông Zoellick nói đại ý rằng dịp kỷ niệm 10 năm ngày hai nước bình thường hóa quan hệ là một cơ hội rất tốt để thủ tướng Phan Văn Khải đến thăm Hoa kỳ và xem xét lại những đề tài đã được thảo luận tại Hà nội; nhưng điều quan trọng hơn nữa là đôi bên sẽ cùng thực hiện những nỗ lực hướng đến tương lai.
Ông Zoellick cũng lập lại sự hậu thuẫn của Washington dành cho những nỗ lực của Việt nam nhằm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, nhưng ông nói thêm rằng còn có rất nhiều việc cần phải làm để Việt nam có thể gia nhập tổ chức mậu dịch toàn cầu này trong năm nay.
Có ít nhất 89 bộ luật của Việt nam cần được sửa đổi hoặc bổ sung để phù hợp với những qui định và luật lệ của WTO, và Việt nam phải đạt được những hiệp định song phương với tất cả các thành viên WTO, kể cả Hoa kỳ. Ông Zoellick cho biết các nhà thương thuyết của Mỹ sẽ mở thêm một vòng đàm phán mậu dịch song phương với Việt nam trong tháng này.
Lượng mậu dịch song phương giữa Việt nam và Mỹ đã lên tới khoảng 4 tỉ đô la, và hiện nay Hoa kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt nam.
Vị phó bộ trưởng ngoại giao Mỹ cũng đã hối thúc giới hữu trách Việt nam tiếp tục cải cách kinh tế để có thể cạnh tranh với Trung quốc và hội nhập kinh tế thế giới.
Trong cuộc họp báo tại Hà nội hôm thứ sáu, ông Zoellick tỏ ý ca ngợi những thành quả đáng kể về mặt kinh tế mà Việt nam đã đạt được trong thời gian vừa qua, nhưng ông nói thêm rằng Việt nam chưa thể có thái độ thư thả trong lúc này vì còn phải cạnh tranh ráo riết với Trung quốc và với các nước khác ở Đông Nam Á và Mỹ châu la tinh.
Bên cạnh đó, ông Zoellick cũng ngỏ ý tán thưởng những biện pháp mà Việt nam áp dụng hồi gần đây để cải thiện tự do tôn giáo, một vấn đề vốn gây nhiều căng thẳng cho các mối quan hệ ngoại giao với Hoa kỳ.
Tháng 9 năm ngoái, bộ ngoại giao Mỹ đã liệt kê Việt nam vào danh sách các nước ‘cần đặc biệt quan tâm’ về tự do tôn giáo, và theo luật lệ hiện hành, chính phủ ở Washington cần cứu xét đến việc áp đặt các biện pháp chế tài kinh tế đối với những quốc gia nằm trong danh sách vừa kể. Tuy nhiên, không lâu sau đó Hà nội đã thông qua một dự luật về tôn giáo, trong đó đề ra những phương cách mà các giáo hội Tin lành và Phật giáo hiện bị đặt ngoài vòng pháp luật có thể làm để có được hưởng qui chế chính thức.
Giới hữu trách Hà nội cũng đồng ý để cho một số nhà thờ được mở cửa hoạt động trở lại và ngưng không bắt buộc dân chúng bỏ đạo. Ông Zoellick nói rằng những biện pháp vừa kể có thể dọn đường cho việc loại tên Việt nam ra khỏi danh sách của bô ngoại giao Mỹ trong tương lai.
Tưởng cũng nên nhắc lại là từ trước đến nay chỉ có Iraq là quốc gia duy nhất được loại tên ra khỏi danh sách vừa kể, sau khi chế độ Saddam Hussein bị lật đổ năm 2003.
Hiện giờ, người ta chưa rõ là khi nào thì Việt nam sẽ được loại khỏi danh sách đó, nhưng thỏa thuận vừa đạt được tại Hà nội sẽ giúp cho hai nhà lãnh đạo của Hoa kỳ và Việt nam có thêm một đề tài tích cực để bàn bạc với nhau trong cuộc gặp gỡ vào tháng tới.