Tiến sĩ Đoàn Viết Hoạt là một nhân vật bất đồng chính kiến nổi tiếng. Những hoạt động của ông cho nhân quyền và tự do dân chủ tại Việt Nam sau năm 1975 đã khiến ông bị chế độ mới cầm tù nhiều năm. Những nỗ lực đó cũng mang lại cho ông nhiều giải thưởng về nhân quyền của Hoa Kỳ và quốc tế.
Năm 1998, ông được nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do và sang định cư tại Hoa Kỳ. Hiện nay ông ở tại tiểu bang Virginia và vẫn tiếp tục vận động để thực hiện dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam. Nhân dịp kỷ niệm ngày 30 tháng tư năm nay, Giáo sư Đoàn Viết Hoạt đã dành cho chúng tôi một cuộc phỏng vấn. Sau đây xin mời quý thính giả theo dõi những nội dung chính của cuộc phỏng vấn này, do Nguyễn Lê thực hiện.
Theo nguyên văn lời của Giáo sư Đoàn Viết Hoạt, thì ngày kỷ niệm 30 tháng 4 năm nay là “ một dịp để tất cả mọi người Việt nam cả trong nước lẫn hải ngoại nhìn lại biến cố đó một cách tương đối khách quan hơn, ra khỏi những xung động về chính trị cũng như về tình cảm, và hy vọng là từ đây rút ra được một bài học cho hiện nay cũng như là cho tương lai.” Trên tinh thần đó, và thể theo yêu cầu của Ban Việt ngữ đài VOA, ông đã điểm lại một số cơ hội đã bị chính quyền Việt Nam bỏ lỡ để nhanh chóng hàn gắn những vết thương chiến tranh cho dân tộc, và đề nghị một số thay đổi về các đường lối kinh tế, chính trị, và đối ngoại để đưa Việt Nam nhanh chóng tiến lên, tương xứng với tiềm năng mọi mặt của đất nước. Giáo sư Hoạt nói:
“Tôi nghĩ có nhiều cơ hội đã bị bỏ mất, trong đó cơ hội đầu tiên là ngày 30 tháng tư 75.
“Trước hết, hiện nay thực sự không phải chỉ là những người quốc gia của miền Nam--tức là những người đã bị mất một phần đất tự do của mình và rất nhiều, hàng triệu người đã phải bỏ chạy, để đi tìm tự do thực sự--không phải chỉ những người của miền Nam là nhìn biến cố 30 tháng tư một cách bi quan, hay là một cách buồn thảm, mà thực sự ra thì ngay cả những người Cộng sản hiện nay ở trong nước, kể cả những người đã từng lãnh đạo miền bắc cũng như là cả đất nước sau ngày 30 tháng tư, thì cũng đang nhìn lại nó với những con mắt khác.
“Tôi lấy thí dụ như ngay gần đây nhất là ông cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt, trong dịp trả lời phỏng vấn của báo Tuổi Trẻ, thì ông cũng đưa ra những cái nhìn khác với cái nhìn của ban lãnh đạo hiện nay. Chính ông cũng cho rằng là với cái nhìn như hiện nay của ban lãnh đạo Cộng sản đang cầm quyền, thì ông cũng không đồng ý, và ông cũng cho là nếu còn tiếp tục nhìn như vậy thì chưa thể nào thoát ra khỏi tình trạng trạng kém cỏi của đất nước chúng ta hiện nay, và cũng chỉ khơi thêm cái vết thương mà đáng nhẽ đã phải lành từ lâu rồi.
“Và đó là một trong những cơ hội đầu tiên mà tôi nghĩ Đảng Cộng sản đã bỏ lỡ sau khi chiếm đóng được Miền Nam và đã thống nhất bằng võ lực toàn quốc. Đó cũng là cơ hội đầu tiên để có thể hàn gắn lại những vết thương suốt 20 năm. Thì đáng nhẽ 30 tháng tư 75 là cái cơ hội để chấm dứt tất cả những cái đó, để bắt đầu một giai đoạn mới để thống nhất lại dân tộc đã bị chia rẽ trong chiến tranh và để mở ra 1 thời kỳ phát triể.Đúng ra là một chính sách đúng như ông Võ Văn Kiệt đã nói là chính sách phải bao dung, khoan nhượng với nhau để có thể đi tới--thì cơ hội đó đã bị bỏ mất, và sự sai lầm trong dịp đó là một sai lầm rất tai hại vì nó đã dẫn đất nước chúng ta vào 2 thập niên tai hại.
Một thập niên đầu cho đến giữa 80 là thập niên đã đẩy hàng trăm ngàn người vào trong các trại cải tạo, tù đầy, đã đẩy hàng triệu người ra khỏi đất nước, và chưa kể hàng trăm ngàn và hàng triệu người bị chết dưới biển hoặc là trong rừng sâu chẳng hạn.. Đáng nhẽ những chuyện đó không thể xảy ra nữa sau chiến tranh.”
Theo Giáo sư Đoàn Viết Hoạt, cơ hội thứ hai mà ông nghĩ là Đảng Cộng sản đã bỏ lỡ là khi Đông Âu và Liên xô đã hoàn toàn thay đổi, đã từ bỏ con đường Cộng sản để chuyển sang con đường phát triển tự do, dân chủ, và phát triển một xã hội tự do và một nền kinh tế thị trường. Ông tỏ ý tiếc rằng lúc đó lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam đã không theo gương các nước vừa kể, và đã lại tiếp tục duy trì một chính sách mà theo ông nghĩ vẫn làm chậm sự phát triển của đất nước, dù rằng sau đó vì tình hình có phải thay đổi và đã phải chấp nhận một phần nào kinh tế thị trường, phục hồi trở lại nền kinh tế tư nhân. Giáo sư Hoạt nhận định:
“Vì sự không dứt khoát trong đường lối đó, mà ngay cả về mặt kinh tế thì cũng đã làm chậm sự phát triển kinh tế đúng ra nó phải phát triển nhanh hơn nữa và nó mạnh hơn nữa. Ngay như những người như ông Võ Văn Kiệt cũng nhìn thấy rõ và nhiều người khác như ông Tiến sĩ Lê Đăng Doanh vừa rồi, là chuyên viên kinh tế của chế độ, cũng đã nhìn thấy rõ, là dù chúng ta có tiến đến bao nhiêu, có phát triển đến 6 - 7% mỗi năm chăng nữa, thì cái chính bây giờ vẫn là một nước trong những nước nghèo nhất của thế giới, sau 2- 3 thập niên đất nước đã được thống nhất và hòa bình.
“Đến năm 2000 - 2001, tôi nghĩ rằng là chúng ta cũng đã có một cơ hội cho ban lãnh đạo Đảng Cộng sản thay đổi một lần nữa. Nhưng chúng ta cũng lại thấy cái tính rụt rè và rất là chậm thay đổi của họ, khi mà ban lãnh đạo Đảng Cộng sản có sửa đổi bản Hiến pháp 1992, nhưng trên căn bản thì đó vẫn là 1 bản hiến pháp cũ, theo nghĩa là vẫn coi cái giai đoạn hiện nay là một giai đoạn quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Trả lời câu hỏi của chúng tôi là nhìn về tương lai, ông có thấy cơ hội nào quan trọng nào khác mà Việt Nam không nên bỏ lỡ một lần nữa hay không, Giáo sư Đoàn Viết Hoạt nói:
“Sang năm, ban lãnh đạo Đảng Cộng sản sẽ chuẩn bị đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 10. Tôi nghĩ rằng đây là một cơ hội nữa và tôi hy vọng rằng đây không phải là một cơ hội sẽ bị bỏ lỡ. Bởi vì ở đây, bây giờ vấn đề thật sự là đất nước có thể phát triển được hay không là ở chỗ dứt khoát là không thể không có chế độ dân chủ pháp trị mà phát triển được, và không thể không dứt khoát chấp nhận nền kinh tế thị trường thật sự, để hội nhập hoàn toàn vào với thế giới và khu vực, thì chúng ta không thể phát triển nhanh được. Tất nhiên chúng ta có phát triển hơn trước, có tiến bộ hơn trước. Nhưng mà so sánh cuối cùng thì chúng ta vẫn là những nước nghèo nhất. Chúng ta không thể tự so sánh với chính chúng ta được. Vì tất nhiên là chúng ta phải khác 20 năm trước đây chứ.”
Theo Giáo sư Đoàn Viết Hoạt, tình hình khó khăn và những trở ngại to lớn trong nỗ lực phát triển của Việt Nam, ngay cả sau khi chính sách đổi mới được thực hiện, cũng có một phần là do một số cơ hội khác đã bị bỏ lỡ trong các mối quan hệ quốc tế. Ông nói:
“Đối ngoại cũng có những cơ hội bỏ lỡ. Hay nói một cách khác, trước hết là chính sách đường lối đối ngoại cũng chưa rõ ràng và chưa dứt khoát, thành ra nó ảnh hưởng đến cả đường lối đối nội. Đường lối đối ngoại chưa dứt khoát là ở chỗ này: Cũng như năm 1990, thời kỳ đó là thời kỳ thế giới đã hoàn toàn đổi khác. Nó không còn là một thế giới giữa một chủ nghĩa gọi là tư bản với cái chủ nghĩa gọi là cộng sản nữa, mà nó chỉ là một thế giới giữa tiến bộ và phản tiến bộ hay chậm tiến bộ, phát triển nhanh hoặc phát triển chậm, dân chủ hoặc là độc tài. Tôi thấy ban lãnh đạo Cộng sản vẫn chưa thay đổi cái nhãn quan đó, vẫn thực hiện chính sách đối ngoại trên thế giới quan là tư bản với cộng sản.
Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản vẫn căn cứ ở trên một thế giới quan lưỡng cực đối kháng như vậy trong chính sách đối ngoại. Chính vì vậy mà nó đã gây ra sự lủng củng trong quan hệ giũa Việt Nam với hai nước cụ thể là Trung quốc và Mỹ, chẳng hạn. Như vậy thì Việt Nam nên chọn một đường lối nào tiến bộ nhất để mà phát triển đất nước mình, và chọn những đồng minh nào mà nó đi vào xu thế tiến bộ của thế giới và của nhân loại trong 50 năm...100 năm tới đây. Việt Nam cần phải chọn hẳn một xu thế như vậy, chứ không thể nào lại áp dụng một chính sách giống như trước đây là đi dây giữa Trung quốc với Mỹ chẳng hạn. Việt Nam không thể đi dây được nữa. Thành ra ngay cái chính sách đối ngoại này cần phải dứt khoát, cần phải thấy rõ rằng đâu là đồng minh, đâu là bạn của mình, và đâu là những người không thể là bạn được, hoặc đâu là xu thế của tương lai của đất nước và thế giới, và đâu là cái xu thế lạc hậu và lỗi thời và sẽ bị đào thải và đang bị đào thải của thế giới.
“Và chúng tôi nghĩ rằng bây giờ là cái lúc mà tất cả mọi người Việt Nam, trong đó có ban lãnh đạo Đảng Cộng sản, có những người Cộng sản, có những người quốc gia, tất cả phải nhìn đất nước trên một thế giới quan mới, là thấy rõ ràng rằng bây giờ nó là một thế giới quan một là sự đối kháng giữa dân chủ với độc tài, sự đối kháng giữa tiến bộ và phản tiến bộ, và sự đối kháng giữa xu thế của thời đại và tương lai với những cái lạc hậu và lỗi thời. Chúng ta phải dứt khoát chọn lựa cái gì hướng về tương lai thì dân tộc chúng ta mới có thể tiến bộ được.”