Các nhà ngoại giao và các tổ chức nhân quyền cho hay Ủy Ban Nhân Quyền LHQ sẽ bị duyệt xét thật kỹ lưỡng trong phiên họp thường niên kéo dài 6 tuần khai mạc vào hôm nay tại Geneve. Theo các tổ chức nhân quyền thì uy tín của tổ chức nhân quyền LHQ đang bị tổn thương.
LHQ đang trong tiến trình cải tổ, và Ủy Ban Nhân Quyền LHQ cũng không phải là một ngoại lệ.
Giám đốc chấp hành của tổ chức Human Right Watch, tức Theo Dõi Nhân Quyền, ông Kenneth Roth, cho hay các chính phủ và các đoàn thể bênh vực nhân quyền sẽ xét xem Ủy Ban này, trong hình thức hiện tại, có thể nào thăng tiến nhân quyền hay không, hay là phải cần đến một cuộc cải tổ tận gốc rễ. Ông nói rằng các thành viên của tổ chức này cần phải được duyệt xét lại.
Ông nói rằng khoảng chừng một nửa thành viên của Ủy Ban này hiện diện không phải để thăng tiến nhân quyền mà là để phá hoại Ủy Ban. Theo ông, đó là một trò hề. Vì nó là một trò hề nên LHQ có bổn phận phải đối phó nếu muốn lấy lại uy tín cho Ủy Ban trong tư cách là một cơ quan thăng tiến nhân quyền có ý nghĩa.
Trong số 53 nước thành viên có cả các quốc gia Cuba, Sudan, và Zimbabwe. Tất cả các quốc gia này đều đã bị nêu tên là những nước vi phạm nhân quyền trầm trọng.
Chừng 5000 đại biểu của các chính phủ và các tổ chức quốc tế phi chính phủ sẽ tham dự hội nghị. Mở đầu hội nghị, các ngoại trưởng và các giới chức cao cấp trong chính phủ cũng như những người đứng đầu các cơ quan LHQ và các tổ chức liên chính phủ sẽ trình bày quan điểm của họ ve các vấn đề nhân quyền trong tuần lễ này.
Phần còn lại sẽ xét đến những vi phạm nhân quyền trên khắp thế giới và sẽ duyệt xét lại những phúc trình về các đề tài như tra tấn, bắt giữ phi lý, và hành quyết tùy tiện không qua thủ tục pháp lý.
Ông Roth đưa ý kiến rằng Ủy Ban cần phải duyệt xét các vấn đề vi phạm nhân quyền trong cuộc chiến chống khủng bố.
Ông nói rằng tất cả chúng ta đều biết rõ rằng nhân danh cuộc chiến chống lại sự lan tràn cuả chủ nghĩa khủng bố, rất nhiều chính phủ đang vi phạm nhân quyền qua việc bắt giữ phi lý, xử dụng tra tấn hay đối xử vô nhân đạo. Vì thế, ông khuyến nghị chấp thuận giao nhiệm quyền cho một đặc sứ trong 3 năm để xem xét khía cạnh nhân quyền trong vấn đề khủng bố và chống khủng bố.
Môt đại diện của tổ chức Ân Xá Quốc Tế, ông Peter Splinter, nói rằng Ủy Ban cũng cần phải xét đến tình trạng vi phạm nhân quyền trầm trọng và sự kiện hàng chục ngàn thường dân thiệt mạng trong khu vực Darfur đầy xung đột của Sudan.
Ông nói Ủy Ban Nhân Quyền sẽ làm gì về vấn đề Sudan cũng quan trọng trong việc đánh giá Ủy Ban. Ủy Ban Nhân quyền sẽ cũng sẽ lại đưa ra một nghị quyết yếu xìu như năm ngoái thôi hay là ủy ban sẽ có một lập trường cứng rắn mà bảo cho chính phủ Sudan rằng họ phải có biện pháp để chấm dứt tình trạng bạo hành tại Darfur và cải thiện việc tôn trộng nhân quyền và phải có biện pháp trừng phạt đối với những kẻ vi phạm mà vẫn sống nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.
Ân Xá Quốc Tế cũng đòi lên án những vi phạm nhân quyền tại Nepal, Chechnya, liên bang Nga, Zimbabwe, và Hoa Kỳ tại Guantanamo.