Đường dẫn truy cập

Việt Nam, Kampuchia và Phủ Cao Ủy Tị Nạn LHQ họp về vấn đề người Thượng


Thông Tấn Xã AFP cho hay Việt Nam, Kampuchia và Phủ Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc hôm thứ Hai đã hội họp tại Hà Nội lần đầu tiên kể từ 3 năm nay để tìm một giải pháp cho vấn đề người Việt tị nạn tại Kampuchia.

Hơn 1000 người Thượng đã bỏ chạy sang Kampuchia sau khi lực luợng an ninh đàn áp những người biểu tình trên vùng Tây nguyên năm 2001 để chống chính sách tịch thâu đất đai và ngược đãi người sắc tộc thiểu số về mặt tôn giáo. Người ta cho rằng phiên họp tại Hà nội có thể đem lại một văn bản ghi nhớ . Lần họp ba bên gần đây nhất diễn ra hồi tháng 2 năm 2002 tại Phnom Penh.

Thứ Trưởng Ngoại giao Việt Nam Lê Công Phụng tin tưởng là cuộc họp sẽ rất xây dựng, trong khi đối tác Kampuchia là thứ trưởng Long Visalo cho biết ông hậu thuẫn cho bất cứ giải pháp nào nhằm tôn trọng chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ và các trách vụ của mỗi phe liên hệ.

Tháng Tư năm ngoái, nhiều ngàn người lại xuống đường biểu tình trên vùng tây nguyên, và theo các tổ chức tranh đấu cho nhân quyền, vụ biểu tình này lại đưa đến một vụ đàn áp khác nữa và một vụ bỏ chạy đông đảo sang Kampuchia.

Tháng 11 vừa rồi, Phủ Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc nói rằng trong số hàng trăm người Thượng chạy sang được Kampuchia, một số đã không chịu đi định cư, một số khác đòi trở về quê cũ. Những người Thượng này bỏ chạy sang Kampuchia vì tưởng lầm rằng Phủ Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc có thể giúp giải quyết những vấn đề của họ. Trước khi cuộc họp diễn ra hôm thứ Hai, trưởng phái đoàn Erika Feller của Phủ Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc nói rằng các phe liên hệ cần phải tìm ra một giải pháp cho vấn đề khó khăn và có từ khá lâu đời này.

Việt Nam nhiều lần cho rằng người Thượng đã bỏ nước ra đi một cách bất hợp pháp và tố cáo Phủ Cao Ủy dụ dỗ họ chạy sang Kampuchia . Sau các vụ biểu tình hồi tháng 2 năm 2001, Phủ Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc đã điều hành những trại tị nạn tại hai tỉnh Ratanakiri và Mondolkiri sát với biên giới Việt Nam. Các trại này đóng cửa hồi tháng 3 năm 2002 sau khi một thỏa hiệp giữa Việt Nam, Kampuchia và Phủ Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc về chuyện để người tị nạn tự nguyện hồi hương bị đổ vỡ vì Việt Nam không cho các chuyên viên theo dõi của Phủ Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc được tới vùng tây nguyên.

Tháng 9 vừa rồi, Việt Nam và Kampuchia thỏa thuận gia tăng các cuộc tuần tiễu tại biên giới và tái xác nhận chính sách không để các thế lực thù nghịch và từ bên ngoài sử dụng các tỉnh ở biên giới nước này làm căn cứ để chống đối nước kia. Hồi đầu tháng này, tổ chức Human Rights Watch tố cáo Hà Nội thực hiện những vụ bắt giữ tập thể , ngược đãi và tra tấn những tín đồ Cơ Đốc Giáo người Thượng trong vùng.

Tổ chức này còn tố cáo quyết định hôm mùng 1 tháng này của Kampuchia trong việc tăng cường lực lượng an ninh ở biên giới phía đông bắc với Việt Nam để ngăn chặn làn sóng người Thượng đi tìm nơi tị nạn.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG