Đường dẫn truy cập

Hãy tha thứ cho nàng vì nàng đẹp


Hãy tha thứ cho nàng vì nàng đẹp
Hãy tha thứ cho nàng vì nàng đẹp

Đó là một câu nói khá nổi tiếng. Không biết xuất xứ từ đâu, nhưng trong truyện “Hoa tầm xuân của mùa thu” đăng trong tập truyện ngắn “Các vĩ nhân tỉnh lẻ” của Dương Thu Hương có một đoạn đối đáp giữa nhân vật chính tên Thành với một họa sĩ về một cô gái làm mẫu như sau:

“Thành: Người đàn bà có tên ở mọi chuyện dơ dáng trong thành phố. Thiếu mẫu sao mà anh thuê cô ta?” “Họa sĩ lớn cười khà khà: Tớ biết, tớ biết… Nhưng hãy tha thứ cho nàng, bởi vì nàng đẹp”

Hãy tha thứ cho nàng

Triết lý trong tiểu thuyết là vậy. Ngoài đời thì sao? Gần đây ở Việt Nam rộ lên nhiều chuyện xoay quanh một cô diễn viên tên là Trần Thị Thanh Nhàn (cô Nhàn có nghệ danh mang phong cách Trung Quốc là Lý Nhã Kỳ). Ngày 21/9 vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao, và Du lịch đã ban hành Quyết định số 3000/QĐ-BVHTTDL về việc bổ nhiệm cô Nhàn làm Đại sứ Du lịch Việt Nam. Ngay sau việc bổ nhiệm này, người ta phát hiện ra nhiều vấn đề, không hẳn là dơ dáng như cô người mẫu trong truyện của Dương Thu Hương, nhưng cũng không vui vẻ gì.

Đầu tiên là việc có vẻ như cô Nhàn nói không thật về chuyện ai là bố cô. Trước đây, khi được hỏi về gia đình mình, cô cho biết cha cô là người Nga, gặp và yêu mẹ của cô trong những năm tháng ông sang công tác tại Vũng Tàu trong ngành dầu khí. Đến tháng 4/2010, cô tái khẳng định với báo Đất Việt: "Đúng là tôi có mang hai dòng máu Việt - Nga". Tuy nhiên, trong hồ sơ ứng cử chức vụ Đại sứ Du lịch Việt Nam, cô Nhàn khai cha cô là liệt sĩ, từng tham gia chiến đấu tại Rừng Sác, Cần Giờ.

Tiếp đến là việc học hành của cô. Trong thông tin cung cấp cho báo chí trước đây, Cô Nhàn khẳng định, cô từng học ngành kinh tế tại Đại học Real ở Đức. Sau khi tốt nghiệp, cô trở về Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều người đã kiểm chứng và tìm ra không có trường nào là Đại học Real ở Đức cả. Bị hỏi về vấn đề này, cô Nhàn giải thích tên đầy đủ của trường cô là Alexander Wiegand. "Trường tôi có slogan là 'Con người thật - Công việc thật - Hành động thật'. Sinh viên chúng tôi gọi tắt tên trường là REAL (nghĩa là 'thật'). Từ REAL được lấy từ ALEXANDER. 'ER' và 'AL' ở đầu và cuối được đảo ngược, ghép lại thành REAL".

Ngay sau đó, báo chí và dư luận lại ồn ào vì chuyện khi đưa cụm từ "Alexander Wiegand" vào tìm kiếm trên Internet, kết quả cho thấy chỉ duy nhất có một địa chỉ liên quan đến trường học là Hundeausbildung Alexander Wiegand – là địa chỉ nuôi dạy chó, có trụ sở tại 99094 Erfurt - Hochheim, ở Hessen, Đức. Bị hỏi về chuyện này, cô Nhàn dựa vào Cục Hợp tác Quốc tế "Đó chính là ngôi trường tôi đã tốt nghiệp và được Bộ Văn hóa và Cục Hợp tác Quốc tế kiểm định, xác nhận. Nếu như lấy cái tên của trường tôi để tìm kiếm trên mạng rồi khẳng định đó là ngôi trường nuôi dạy động vật thì thật vô lý".

Trong buổi họp tổng kết hoạt động 9 tháng đầu năm của Bộ Văn hóa, Thể thao, và Du lịch sáng 7/10 tại Hà Nội, ông Nguyễn Văn Tình - Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế - đơn vị đề cử cô Nhàn, khẳng định ông đang cầm trong tay bản sao bằng đại học của Lý Nhã Kỳ. Tuy nhiên, khi phóng viên yêu cầu ông cho xem bản sao này, ông Tình trả lời: “Chúng tôi có bản sao nhưng do quy chế không yêu cầu có bằng đại học nên không có lý do gì để trình ra”.

Không bằng lòng với câu trả lời của ông Tình, nhiều người tham dự cuộc họp báo cho rằng, có thể quy chế không yêu cầu Lý Nhã Kỳ có bằng đại học nhưng, nói như Vnexpress, một người nắm giữ trọng trách lại không trung thực là điều không thể chấp nhận và đòi phải có bằng chứng xác thực. Ông Tình nhấn mạnh: “Chúng tôi không có trách nhiệm để trả lời ở đây. Bằng cấp thế nào mời những người quan tâm lên gặp anh Hoàng ở Cục Xúc tiến Du lịch để xem”.

Với sự bảo vệ của Bộ Văn hóa, Thể thao, và Du lịch, cô Nhàn vẫn giữ được chức Đại sứ Du lịch. Tuy nhiên dư luận chắc chắn vẫn chưa thể làm ngơ với cô và chủ đề này vẫn sẽ tiếp tục xuất hiện trên báo chí trong thời gian tới. Câu hỏi đặt ra là tại sao Bộ Văn hóa, Thể thao, và Du lịch lại quyết tâm bảo vệ cô?

Có phải vì “tớ biết, tớ biết… Nhưng hãy tha thứ cho nàng, bởi vì nàng đẹp”? Hay là vì một lý do nào khác?

Có lẽ có một lý do khác ngoài câu chuyện “hãy tha thứ cho nàng, bởi vì nàng đẹp”. Đó là câu chuyện về sự phổ biến của bằng cấp giả và rởm trong xã hội. Nó phổ biến tới mức chuyện học vấn của cô Nhàn, nếu quả thật là chuyện giả, thì cũng không phải là chuyện lớn.

Chuyện bằng giả thứ nhất

Ngay tháng 9 vừa qua, dư luận trong nước cũng ồn ào chuyện ông Cao Minh Quang, đương kim thứ trưởng Bộ Y tế, khai man lý lịch bằng cách tự phong mình là tiến sĩ y khoa. Theo tờ Tiền Phong, trong các bản khai lý lịch, phiếu đảng viên, ông Cao Minh Quang tự khai và cam đoan rằng ông đạt học vị tiến sĩ. Theo đó, giai đoạn từ năm 1991-1994, ông là nghiên cứu sinh của Đại học Uppsala (Thụy Điển) và bảo vệ luận án tiến sĩ dược khoa tại đại học này.

Báo Tiền Phong cho biết: Thực chất, qua tìm hiểu của chúng tôi thì ông Quang chỉ đạt chứng chỉ “Licentiatexamen”, cấp ngày 26-10-1994 của trường Uppsala, với tên đề tài: “Phytochemical and Pharmacological evaluation of Choerospandias axillaris, a Vietnamese medical plant used to treat burns” (tạm dịch: Đánh giá nguồn gốc hóa học và dược lý của Axit Laris choerospondias trong cây thuốc ở Việt Nam dùng điều trị bỏng). Căn cứ vào chứng chỉ này, ông Cao Minh Quang đã tự phong luôn học vị tiến sĩ dược cho mình. Học vị này luôn được ông in trong danh thiếp và trong các văn bản mà ông ký ban hành với vai trò cục trưởng, thứ trưởng.

Sự thật về học vị tiến sĩ của Thứ trưởng Quang đã được cơ quan chức năng làm rõ. Ngày 9-9-2011, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo), có văn bản 664/KTKĐCLGD-VB xác nhận tính hợp pháp bằng cấp của ông Cao Minh Quang như sau: Căn cứ vào thông tin trao đổi với Trường Đại học Uppsala, phía trường này đã khẳng định ông Cao Minh Quang, sinh ngày 6-6-1953, đạt chứng chỉ “Licentiatexamen” về nghiên cứu khoa học dược phẩm tự nhiên vào ngày 26-10-1994. Đây là chứng chỉ chứ không phải văn bằng. Theo quy định của trường Uppsala, chứng chỉ nói trên cần phải đạt được để tham dự khóa học tiến sĩ.

Cũng theo báo Tiền Phong Ngày 13-9-2011, Cục An ninh Chính trị nội bộ (A83) thuộc Tổng cục An ninh II cũng xác định, trường đại học Uppsala Thụy Điển đã cấp chứng chỉ về nghiên cứu Khoa học Dược phẩm tự nhiên cho ông Cao Minh Quang, chứ không phải văn bằng. Chứng chỉ này cần đạt được để tham dự khóa học tiến sĩ.

Mặc dù bị phanh phui câu chuyện khai man lý lịch như vậy, ông Cao Minh Quang hiện vẫn đang tại vị ở chức thứ trưởng Bộ Y tế. (còn tiếp)

* Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Trần Vinh Dự

    Trần Vinh Dự chuyên nghiên cứu, tư vấn, và viết về các vấn đề kinh tế của Việt Nam, Hoa Kỳ và thế giới. Ngoài lĩnh vực sở trường này, ông cũng thường xuyên viết về các vấn đề quan hệ quốc tế liên quan tới Á Châu. Trần Vinh Dự tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế tại Đại học tổng hợp Texas ở Austin, làm chuyên gia tư vấn kinh tế cho tập đoàn ERS Group Inc., đồng sáng lập và là cố vấn cho Quỹ nghiên cứu Biển Đông.

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG