Đường dẫn truy cập

Ông Putin tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ mới, Mỹ tẩy chay


Tổng thống đắc cử Nga Vladimir Putin tuyên thệ nhậm chức tại Điện Kremlin, Moscow, vào ngày 7/5/2024. Ảnh do cơ quan nhà nước Nga Sputnik công bố.
Tổng thống đắc cử Nga Vladimir Putin tuyên thệ nhậm chức tại Điện Kremlin, Moscow, vào ngày 7/5/2024. Ảnh do cơ quan nhà nước Nga Sputnik công bố.

Tổng thống Vladimir Putin vừa tuyên thệ nhậm chức cho nhiệm kỳ sáu năm mới vào thứ Ba (7/5) tại một buổi lễ ở Điện Kremlin bị Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác tẩy chay.

Ông Putin, người đã liên tục nắm quyền tổng thống hoặc thủ tướng từ năm 1999, bắt đầu nhiệm kỳ mới hơn hai năm sau khi ông đưa hàng chục nghìn quân vào xâm lược Ukraine, nơi các lực lượng Nga đã giành lại thế chủ động và đang tìm cách tiến xa hơn vào khu vực miền đông.

Ở tuổi 71, ông Putin thống trị cục diện chính trị ở Nga. Trên trường quốc tế, ông bị mắc kẹt trong cuộc đối đầu với các nước phương Tây mà ông cáo buộc sử dụng Ukraine làm phương tiện nhằm đánh bại và chia cắt Nga.

Ông Putin nói với giới tinh hoa chính trị Nga sau khi tuyên thệ rằng ông không ngừng đối thoại với phương Tây nhưng họ sẽ phải tự đưa ra lựa chọn về cách giao tiếp với đất nước của ông.

Ông cho biết các cuộc đàm phán về ổn định hạt nhân chiến lược với phương Tây cũng có thể diễn ra nhưng chỉ trên những điều kiện bình đẳng.

“Chúng ta là một dân tộc đoàn kết và vĩ đại, cùng nhau chúng ta sẽ vượt qua mọi trở ngại, chúng ta sẽ thực hiện mọi điều chúng ta đã dự tính. Cùng nhau, chúng ta sẽ chiến thắng”, ông Putin nói.

Hồi tháng 3, ông Putin đã giành chiến thắng vang dội trong một cuộc bầu cử được kiểm soát chặt chẽ, trong đó có hai ứng cử viên phản chiến bị cấm tham gia vì lý do kỹ thuật.

Đối thủ nổi tiếng nhất của ông, Alexei Navalny, đột ngột qua đời trong một trại tù ở Bắc Cực một tháng trước đó, và những nhà phê bình hàng đầu khác đang ở trong tù hoặc buộc phải trốn ra nước ngoài.

Hoa Kỳ nói họ không coi việc tái tranh cử của ông là tự do và công bằng, và đã tránh xa lễ nhậm chức hôm thứ Ba.

Anh, Canada và hầu hết các nước thuộc Liên minh châu Âu cũng quyết định tẩy chay lễ tuyên thệ nhưng Pháp cho biết sẽ cử đại sứ tới dự.

Ukraine nói sự kiện này nhằm tạo ra “ảo tưởng về tính hợp pháp cho việc nắm quyền gần như suốt đời của một người đã biến Liên bang Nga thành một quốc gia xâm lược và chế độ cầm quyền thành một chế độ độc tài”.

Sergei Chemezov, một đồng minh thân cận của ông Putin, nói với Reuters trước buổi lễ rằng ông Putin mang lại sự ổn định, điều mà ngay cả những người chỉ trích ông cũng nên hoan nghênh.

“Đối với Nga, đây là sự tiếp nối đường lối của chúng tôi, đây là sự ổn định – bạn có thể hỏi bất kỳ người dân nào trên đường phố”, ông Chemezov nói.

“Tổng thống Putin đã tái đắc cử và sẽ tiếp tục con đường này, mặc dù phương Tây có lẽ không thích điều đó. Nhưng họ sẽ hiểu rằng ông Putin là sự ổn định cho nước Nga chứ không phải là một loại người mới nào đó đến với những chính sách mới – hoặc là hợp tác hoặc thậm chí đối đầu.

Mối quan hệ của Nga với Mỹ và các đồng minh đang ở mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962, khi thế giới đứng trước bờ vực chiến tranh hạt nhân.

Phương Tây đã cung cấp cho Ukraine pháo binh, xe tăng và tên lửa tầm xa, nhưng quân đội NATO không trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột, điều mà cả ông Putin và Tổng thống Joe Biden đều cảnh báo có thể dẫn đến Thế chiến thứ ba.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG