Đường dẫn truy cập

Tòa án tối cao Nga cấm phong trào LGBT vì ‘cực đoan’


Các nhà hoạt động LGBT tham gia biểu tình phản đối sửa đổi Hiến pháp Nga và kết quả cuộc bỏ phiếu về cải cách hiến pháp tại Moscow vào ngày 15/7/2020. Tấm biểu ngữ có dòng chữ: "Tôi không chấp nhận chính quyền ngăn cản tôi có một gia đình".
Các nhà hoạt động LGBT tham gia biểu tình phản đối sửa đổi Hiến pháp Nga và kết quả cuộc bỏ phiếu về cải cách hiến pháp tại Moscow vào ngày 15/7/2020. Tấm biểu ngữ có dòng chữ: "Tôi không chấp nhận chính quyền ngăn cản tôi có một gia đình".

Tòa án Tối cao Nga hôm thứ Năm (30/11) ra phán quyết rằng các nhà hoạt động LGBT sẽ bị coi là những kẻ cực đoan, trong một động thái mà đại diện của những người đồng tính nam và chuyển giới lo ngại sẽ dẫn đến việc bắt giữ và truy tố.

Một phóng viên của Reuters tại tòa nghe thông báo rằng họ đã chấp thuận yêu cầu từ Bộ Tư pháp công nhận cái mà họ gọi là “phong trào xã hội LGBT quốc tế” là cực đoan và cấm các hoạt động của tổ chức này.

Động thái này là một phần trong khuôn khổ tăng cường hạn chế ở Nga đối với việc thể hiện xu hướng tính dục và giới tính, bao gồm luật cấm khuyến khích quan hệ tình dục “phi truyền thống” và cấm thay đổi giới tính về mặt pháp lý hoặc y tế.

Tổng thống Vladimir Putin, dự kiến sẽ sớm thông báo rằng ông sẽ ứng cử cho một nhiệm kỳ 6 năm mới vào tháng 3, từ lâu đã tìm cách quảng bá hình ảnh nước Nga như một quốc gia bảo vệ các giá trị đạo đức truyền thống trái ngược với một phương Tây “suy đồi”.

Trong một bài phát biểu năm ngoái, ông nói rằng phương Tây cứ thoải mái áp dụng “các xu hướng mới lạ, theo quan điểm của tôi, như hàng chục giới tính và các cuộc diễu hành đồng tính” nhưng không có quyền áp đặt chúng lên các nước khác.

Người phát ngôn của Putin, Dmitry Peskov, nói với các phóng viên trước khi phán quyết của tòa án được công bố rằng Điện Kremlin “không theo dõi” vụ việc và không có bình luận gì về việc này.

Tòa án Tối cao mất khoảng 5 giờ để đưa ra phán quyết sau khi khai mạc phiên họp lúc 10 giờ sáng. Giới truyền thông không được tham dự quá trình tố tụng, nhưng các phóng viên được phép vào để nghe quyết định.

Các nhà hoạt động LGBT coi quyết định này là điều không thể tránh khỏi sau yêu cầu ngày 17/11 của Bộ Tư pháp, trong đó nói, mà không đưa ra ví dụ, rằng “nhiều dấu hiệu và biểu hiện khác nhau của khuynh hướng cực đoan, bao gồm cả việc kích động bất hòa xã hội và tôn giáo” đã được xác định trong cuộc điều tra về hoạt động của phong trào LGBT ở Nga.

Alexei Sergeyev, một nhà hoạt động LGBT ở St Petersburg, nói với Reuters TV trong một cuộc phỏng vấn hồi đầu tháng này: “Tất nhiên điều đó rất đáng báo động nhưng tôi không nghĩ mối đe dọa này lại nghiêm trọng và thực tế đến vậy”.

Hơn 100 nhóm đã bị cấm ở Nga vì bị coi là “cực đoan”. Các danh sách trước đây, chẳng hạn như phong trào tôn giáo Nhân chứng Giê-hô-va và các tổ chức có liên hệ với chính trị gia đối lập Alexei Navalny, đã mở màn cho các vụ bắt giữ.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG