Đường dẫn truy cập

Campuchia hủy dự án điện than, xây nhà máy nhiệt điện khí, dùng LNG nhập khẩu


Công viên Quốc gia Botum Sakor ở tỉnh Koh Kong, nơi từng là rừng rậm hoang sơ của các loài động vật có nguy cơ bị diệt chủng. Campuchia vừa từ bỏ kế hoạch xây dựng dự án điện than tại đây để xây dựng nhà máy điện chạy bằng khí đốt tự nhiên.
Công viên Quốc gia Botum Sakor ở tỉnh Koh Kong, nơi từng là rừng rậm hoang sơ của các loài động vật có nguy cơ bị diệt chủng. Campuchia vừa từ bỏ kế hoạch xây dựng dự án điện than tại đây để xây dựng nhà máy điện chạy bằng khí đốt tự nhiên.

Campuchia đã từ bỏ kế hoạch xây dựng dự án điện đốt than trị giá 1,5 tỷ USD công suất 700 MW tại một khu bảo tồn dọc theo bờ biển Tây Nam và thay vào đó sẽ xây dựng một nhà máy điện chạy bằng khí đốt tự nhiên công suất 800 MW, Bộ trưởng năng lượng nước này nói với Reuters.

Là một phần của dự án, Campuchia đang nghiên cứu xây dựng một kho cảng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) để nhập khẩu nhiên liệu siêu lạnh và tái khí hóa nó để sử dụng trong nhà máy điện, Bộ trưởng Năng lượng Keo Rottanak nói với Reuters.

Theo kế hoạch, kho LNG có khả năng là một cơ sở cố định trên đất liền và sẽ là cơ sở đầu tiên của Campuchia, biến nước này trở thành thị trường nhập khẩu mới ở Đông Nam Á. Việt Nam và Philippines đã nhận những chuyến hàng đầu tiên trong năm nay.

“Thủ tướng Campuchia Hun Manet sẽ thông báo vào ngày 30/11 về việc hủy bỏ dự án nhà máy điện than 700 MW ở Koh Kong và kế hoạch thay thế nó bằng một nhà máy LNG 800 MW sẽ được đưa vào vận hành sau năm 2030”, Bộ trưởng Rottanak nói với Reuters.

Ông không cho biết nhà máy chạy bằng khí đốt và kho cảng LNG có giá bao nhiêu.

Nhà máy điện than Botum Sakor nằm trong dự tính đã bị các nhà môi trường và một số người dân chỉ trích vì lấn chiếm một số khu vực rừng rậm nhất của Campuchia, có nguy cơ làm gián đoạn sinh kế và gây ô nhiễm bụi than cho khu bảo tồn, nơi sinh sống của hàng chục loài có nguy cơ tuyệt chủng.

Ông Rottanak cho hay quyết định hủy bỏ dự án điện than, dự kiến bắt đầu sản xuất điện vào cuối năm 2025, phản ánh cam kết của đất nước về năng lượng sạch hơn.

Campuchia muốn nâng tỷ lệ công suất phát điện sạch từ mức 52% vào năm 2022 lên 70% vào năm 2030 bằng cách xây dựng các trang trại năng lượng mặt trời và gió mới cũng như các dự án thủy điện.

“Thông báo này sẽ được đưa ra ở Campuchia, nhưng nó sẽ là tín hiệu cho COP28”, ông Rottanak nói, đề cập đến hội nghị khí hậu thường niên của Liên Hiệp Quốc bắt đầu vào tuần này tại Dubai, nơi các quan chức của Bộ môi trường Campuchia sẽ tham dự.

Với nhu cầu về điện tăng khoảng 15% mỗi năm trong thập niên qua, Campuchia đã khai thác thủy điện để giải quyết nhu cầu ngày càng tăng này, không giống như các quốc gia khác trong khu vực như Malaysia và Việt Nam đã thiên về sử dụng than hơn.

Các nguồn năng lượng sạch, chủ yếu là thủy điện, chiếm tỷ trọng lớn trong lượng điện sử dụng hàng năm của cả nước, nhưng Campuchia đang phải vật lộn với sự biến động sản lượng do những gián đoạn ngày càng thường xuyên liên quan đến thời tiết trong việc sản xuất thủy điện, nguồn năng lượng chính của nước này.

Khoảng hai năm trước, Campuchia tuyên bố sẽ không xây dựng bất kỳ dự án điện than mới nào, ngoại trừ những dự án đang được xây dựng.

Với việc hủy bỏ Botum Sakor, dự án điện than duy nhất còn lại của Campuchia đang được xây dựng là dự án quy mô nhỏ 265 MW ở tỉnh Oddar Meanchey phía bắc vốn đã bị trì hoãn từ lâu.

Ông Rottanak cho biết dự án điện than Botum Sakor, được sở hữu và vận hành bởi Tập đoàn Hoàng gia Campuchia, một tập đoàn địa phương cũng đầu tư vào viễn thông và vận tải, và giờ họ sẽ xây dựng dự án khí đốt thay thế.

Tập đoàn này không trả lời lập tức cho đề nghị bình luận của Reuters.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG