Đường dẫn truy cập

Việt Nam, G7 thực hiện điều chỉnh cuối cùng cho kế hoạch khí hậu trước COP28


Một công ty luyện than ở Quảng Ninh. Việt Nam nằm trong nhóm 20 nước tiêu thụ than hàng đầu thế giới.
Một công ty luyện than ở Quảng Ninh. Việt Nam nằm trong nhóm 20 nước tiêu thụ than hàng đầu thế giới.

Việt Nam đang hoàn tất các cam kết cải cách với các chính phủ thuộc nhóm G7 và các tổ chức cho vay đa phương để có thể được giải ngân các khoản vay trị giá hàng tỷ đô la nhằm giảm sử dụng than ở quốc gia là một trung tâm sản xuất ở Đông Nam Á, Reuters dẫn nguồn tin từ các quan chức nước ngoài am tường về các cuộc đàm phán cho biết hôm 27/11.

Tài liệu có tên “Kế hoạch huy động tài nguyên” sẽ phải được các nhà đầu tư nhất trí trước Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc (COP28) bắt đầu vào thứ Năm 30/11 ở Dubai.

“Một số công việc vẫn đang được tiến hành, chủ yếu là về những thay đổi trong khung pháp lý và những trở ngại đối với đầu tư”, một quan chức nước ngoài cho hay, đồng thời nói rằng dự kiến các bên sẽ nhất trí về văn bản này kịp thời.

Trong khi đó, cổng thông tin chính phủ Việt Nam cho biết Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tham dự COP28 từ ngày 30/11 đến ngày 3/12, làm dấy lên kỳ vọng rằng kế hoạch có thể sẽ được công bố trong dịp này.

Reuters dẫn lời một quan chức nước ngoài thứ hai nói rằng không có vấn đề lớn nào còn phải chờ xử lý và bản thảo cuối cùng “sắp được phê duyệt”.

Cả hai quan chức nước ngoài đều từ chối nêu danh tính vì không được phép phát biểu trực tiếp với giới truyền thông.

Bộ Tài Nguyên Môi trường và văn phòng Thủ tướng Việt Nam chưa trả lời cho đề nghị bình luận của hãng thông tấn Anh.

Một dự thảo về kế hoạch từ cuối tháng 10 mà Reuters đọc được có liệt kê các cam kết của Việt Nam và hơn 400 dự án có thể nhận tiền từ các thành viên của nhóm G7, trong đó có 272 dự án về cơ sở hạ tầng năng lượng như nâng cấp các lưới điện, các trang trại điện gió và điện mặt trời.

Theo thỏa thuận đạt được năm ngoái với các nhà đầu tư nước ngoài, chủ yếu là từ các thành viên G7, Việt Nam sẽ nhận được 15,5 tỷ USD, mà phần lớn là các khoản vay thương mại theo lãi suất thị trường trong vòng 3-5 năm, để tăng cường việc sử dụng năng lượng tái tạo và cắt giảm sự phụ thuộc vào than đá.

Tuy nhiên, theo Reuters, không có gì chắc chắn rằng Việt Nam sẽ thực sự nhận các khoản vay được đề nghị. Chính quyền của đất nước cộng sản trước đây rất ngần ngại nhận các khoản vay nước ngoài.

Năm 2020, than chiếm 31% công suất lắp đặt của Việt Nam, và quốc gia Đông Nam Á có kế hoạch giảm tỷ trọng này xuống 20% vào năm 2030, mặc dù về mặt tiêu thụ, Việt Nam sẽ đốt nhiều than hơn.

Than khai thác trong nước và nhập khẩu đạt tổng cộng 80 triệu tấn trong 10 tháng đầu năm nay, trong đó nhập khẩu chiếm khoảng một nửa tổng lượng, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nước tiêu thụ than hàng đầu thế giới.

Chính phủ Việt Nam hiện có kế hoạch nâng công suất các nhà máy nhiệt điện than từ mức khoảng 21 GW vào năm 2020 lên trên 30 GW vào năm 2030.

Việt Nam cam kết ngừng phát triển các nhà máy nhiệt điện than sau năm 2030.

Các nhà đầu tư nước ngoài lâu nay cố gắng thúc đẩy để Việt Nam cam kết cải cách mạnh hơn, và bày tỏ lo ngại về kế hoạch của Việt Nam là chỉ giảm sử dụng than sau khi đã tăng công suất lắp đặt cho đến năm 2030.

Theo Reuters, các nhà đầu tư đang đánh cược vào năng lượng gió ngoài khơi để bù đắp một phần cho nhiệt điện than, nhưng trong một dự thảo hồi tháng 10 về điện gió ngoài khơi, Hà Nội nói rằng các quy định về vấn đề này là hành động “tiềm năng” và sẽ được hoàn thiện vào năm 2025, điều đó có nghĩa là các mục tiêu năm 2030 trong lĩnh vực này có thể sẽ bị bỏ lỡ.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG