Đường dẫn truy cập

Bất chấp phương Tây trừng phạt, Trung Quốc sẽ mở khu thương mại tự do Tân Cương


Urumqi-thủ phủ vùng Tân Cươngcủa Trung Quốc.
Urumqi-thủ phủ vùng Tân Cươngcủa Trung Quốc.

Trung Quốc hôm thứ Ba 31/10 đặt ra kế hoạch phát triển một khu vực thương mại tự do ở khu vực Tân Cương thuộc miền tây bắc, bắt nguồn từ Sáng kiến Vành đai và Con đường đầy tham vọng của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm kết nối nước này với châu Âu thông qua các hành lang kinh tế.

Các nhóm nhân quyền cáo buộc Bắc Kinh xâm hại người Duy Ngô Nhĩ, một dân tộc thiểu số chủ yếu theo đạo Hồi với dân số khoảng 10 triệu người ở Tân Cương, bao gồm cả việc cưỡng bức hàng loạt người phải lao động trong các trại tập trung. Trung Quốc phủ nhận mọi hành vi vi phạm nhân quyền.

Việc mở cửa Tân Cương thành một khu vực thương mại tự do phù hợp với các kế hoạch lớn hơn của chính phủ Trung Quốc nhằm tăng cường kết nối cơ sở hạ tầng và thương mại xuyên biên giới trên khắp miền bắc Trung Quốc, bao gồm các tỉnh Nội Mông và Hắc Long Giang, Cát Lâm và Liêu Ninh.

Theo kế hoạch, dự kiến các quan chức ở Tân Cương sẽ có quyền tự chủ nhiều hơn trong việc ban hành các chính sách thu hút các nhà đầu tư nước ngoài từ các nước láng giềng, trong số đó, trừ Afghanistan, tất cả đều là thành viên của dự án đầy tham vọng của Trung Quốc nhằm hồi sinh Con đường tơ lụa cổ xưa.

Bản kế hoạch viết rằng các quan chức từ chính quyền địa phương trong khu vực và Binh đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương sẽ được giao nhiệm vụ thành lập Khu Thương mại Tự do Thí điểm Tân Cương.

Binh đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương đã bị Hoa Kỳ trừng phạt vào năm 2020, và sau đó là Canada và Liên minh Châu Âu, vì vi phạm nhân quyền.

Vào tháng 12/2021, Hoa Kỳ cũng ban hành Đạo luật ngăn chặn nạn lao động cưỡng bức ở người Duy Ngô Nhĩ, cấm nhập khẩu vào Hoa Kỳ những hàng hóa được sản xuất ở Tân Cương hoặc bởi các công ty có tên trong Danh sách đen của Đạo luật ngăn chặn nạn lao động cưỡng bức ở người Duy Ngô Nhĩ, trừ phi nhà nhập khẩu có thể chứng minh rằng hàng hóa đó không được sản xuất bằng lao động cưỡng bức.

Các nhà đầu tư của Volkswagen trong cuộc họp cổ đông hồi tháng 5 đã yêu cầu hãng sản xuất ô tô này đòi các đối tác liên doanh hợp tác tiến hành kiểm toán độc lập về điều kiện lao động tại một địa điểm ở Tân Cương.

“Cần phải thiết lập vững chắc khái niệm an ninh quốc gia tổng thể… và tăng cường hiệu quả việc xây dựng các hệ thống phòng ngừa và kiểm soát rủi ro”, kế hoạch của nội các Trung Quốc viết.

Các quan chức Trung Quốc hy vọng rằng việc biến Tân Cương thành khu vực thương mại tự do cũng sẽ thúc đẩy tham vọng sẽ có nhiều quốc gia thanh toán bằng đồng nhân dân tệ thay vì đô la Mỹ, đặc biệt khi thanh toán hàng hóa.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG