Đường dẫn truy cập

Indonesia bắt giữ tàu chở dầu treo cờ Iran, nghi vận chuyển dầu trái phép


Tàu tuần tra của Indonesia chuẩn bị kiểm tra tàu chở dầu thô cỡ lớn (VLCC) treo cờ Iran, MT Arman 114 và tàu MT S Tinos treo cờ Cameroon, khi chúng bị phát hiện đang tiến hành chuyển dầu mà không có giấy phép vào ngày 7 tháng 7 năm 2023.
Tàu tuần tra của Indonesia chuẩn bị kiểm tra tàu chở dầu thô cỡ lớn (VLCC) treo cờ Iran, MT Arman 114 và tàu MT S Tinos treo cờ Cameroon, khi chúng bị phát hiện đang tiến hành chuyển dầu mà không có giấy phép vào ngày 7 tháng 7 năm 2023.

Lực lượng tuần duyên Indonesia hôm thứ Ba cho biết họ đã bắt giữ một siêu tàu chở dầu treo cờ Iran bị tình nghi liên quan đến việc vận chuyển dầu thô bất hợp pháp và tuyên bố sẽ tăng cường tuần tra hàng hải.

Tàu MT Arman 114 đang chở 272.569 tấn dầu thô nhẹ, trị giá 4,6 nghìn tỷ rupiah (304 triệu USD) khi nó bị bắt giữ vào tuần trước, nhà chức trách Indonesia cho biết.

Cơ quan an ninh hàng hải của quốc gia Đông Nam Á cho biết tàu chở dầu thô cực lớn (VLCC) bị nghi ngờ chuyển dầu sang một tàu khác mà không có giấy phép vào thứ Sáu.

Giám đốc cơ quan, Aan Kurnia, cho biết con tàu đã bị bắt sau khi bị phát hiện ở Biển Bắc Natuna của Indonesia, khi đang thực hiện chuyển dầu từ tàu này sang tàu khác với tàu MT S Tinos treo cờ Cameroon.

“MT Arman đã giả mạo hệ thống nhận dạng tự động (AIS) của họ để cho thấy vị trí của nó là ở Biển Đỏ nhưng thực tế là nó ở đây”, ông Aan nói với các phóng viên.

“Vì vậy, có vẻ như họ đã có ý định xấu”, ông Aan nói và cho biết thêm rằng con tàu cũng đã đổ dầu ra biển, vi phạm luật môi trường của Indonesia.

Các nhà khai thác tàu không đưa ra bình luận ngay lập tức.

Cơ quan này cho biết cùng với tàu Arman, nhà chức trách đã bắt giữ thuyền trưởng người Ai Cập, 28 thủy thủ đoàn và 3 hành khách là gia đình của một nhân viên an ninh trên tàu.

Sau khi hai siêu tàu chở dầu cố gắng trốn thoát, nhà chức trách đã tập trung truy đuổi tàu Arman, với sự hỗ trợ của chính quyền Malaysia khi con tàu đi vào vùng biển của họ, ông Aan nói.

Ông cho biết thêm rằng tàu Tinos được cho là đã bị bỏ đi vào năm 2018. Nó được chế tạo vào năm 1999 trong khi chiếc Arman được chế tạo vào năm 1997, theo cơ sở dữ liệu vận chuyển Equasis.

Dữ liệu riêng biệt trên Equasis và công ty phân tích dữ liệu MarineTraffic cho thấy một trong những tên trước đây của Arman 114 là Grace 1.

Tàu Grace 1 đã bị lực lượng đặc nhiệm Thủy quân lục chiến Hoàng gia Anh bắt giữ vào tháng 7 năm 2019 vì nghi ngờ đang cố vận chuyển dầu đến Syria, vi phạm lệnh trừng phạt của EU. Tàu được thả ra vào tháng sau đó, sau một bế tắc ngoại giao với phương Tây.

Một đội tàu chở dầu “trong bóng tối” thường chở dầu từ Iran, Nga và Venezuela, những nước bị trừng phạt, và chuyển hàng ở eo biển Singapore để tránh bị phát hiện, một phân tích của Reuters trong năm nay cho thấy.

Nguy cơ tràn dầu và tai nạn ngày càng gia tăng khi có thêm hàng trăm tàu, một số không có bảo hiểm, đã tham gia hoạt động thương mại mờ ám này trong vài năm qua.

Ông Aan cam kết rằng lực lượng tuần duyên Indonesia, với sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng khác, sẽ tăng cường tuần tra trong vùng biển của nước này. Indonesia là quốc gia quần đảo lớn nhất thế giới với khoảng 17.000 hòn đảo.

“Chúng ta phải kiên quyết, cứng rắn”, ông nói. “Phải có một tác động răn đe để nó không xảy ra nữa”.

Vào năm 2021, Indonesia đã bắt giữ các tàu treo cờ Iran và Panama vì những cáo buộc tương tự. Thuyền trưởng của hai tàu đã bị một tòa án Indonesia phạt hai năm quản chế.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG