Đường dẫn truy cập

Thủ tướng Việt Nam dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng


Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính (trái) và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio. Ông Phạm Minh Chính sang dự hội nghị mở rộng của nhóm G7 theo lời mời của ông Fumio.
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính (trái) và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio. Ông Phạm Minh Chính sang dự hội nghị mở rộng của nhóm G7 theo lời mời của ông Fumio.

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính vừa rời Việt Nam vào sáng 19/5 để sang Nhật Bản tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nước phát triển (G7) mở rộng, trong chuyến thăm làm việc tại Nhật Bản theo lời mời của người đồng cấp Nhật Bản Kishida Fumio, trang tin chính thức của chính phủ Việt Nam cho hay.

Tháp tùng ông Chính có Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng và các bộ trưởng khác.

Đây là lần thứ ba các lãnh đạo Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng. Lần đầu Việt Nam được mời tham dự là vào năm 2016 tại Nhật Bản và sau đó vào năm 2018 tại Canada.

Dự kiến, thủ tướng Việt Nam sẽ dự lễ đón chính thức các trưởng đoàn tham dự và phát biểu tại các phiên làm việc với lãnh đạo các tổ chức quốc tế về lương thực, sức khỏe, ứng phó với biến đổi khí hậu, hòa bình và phát triển, là những nội dung được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh, theo Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Ngoài ra, ông Phạm Minh Chính cũng sẽ hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản, gặp song phương với lãnh đạo các nước và tổ chức quốc tế trong khuôn khổ hội nghị, và gặp gỡ lãnh đạo của các doanh nghiệp của Nhật Bản.

Chuyến đi của thủ tướng Việt Nam diễn ra giữa bối cảnh Việt Nam và Nhật Bản kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao trong năm nay.

Quan hệ giữa hai nước trong những năm gần đây phát triển nhanh chóng.

Nhật Bản được biết đến là quốc gia viện trợ phát triển chính thức (ODA) bằng đồng yên lớn nhất cho Việt Nam, với tổng giá trị vay tính đến hết năm tài khóa 2020 là 2.812,8 tỷ yên (tương đương 27,5 tỷ USD), chiếm hơn 26% tổng vốn ký kết vay nước ngoài của chính phủ, vẫn theo trang tin của chính phủ Việt Nam.

Nhật Bản cũng là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, đứng thứ nhì trong hợp tác lao động, là nhà đầu tư và đối tác du lịch thứ 3, thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam.

Ngoài ra, Nhật cũng là một trong những nước viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho ngành giáo dục đào tạo của Việt Nam, với số lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản hiện có hơn 51.000 người.

Phía Việt Nam cho biết chuyến đi của ông Phạm Minh Chính lần này được kỳ vọng sẽ tăng cường hơn nữa sự tin cậy lẫn nhau, thúc đẩy quan hệ song phương phát triển hơn nữa, đặc biệt là hợp tác trên các lĩnh vực trọng tâm như kinh tế, thương mại, tạo nguồn vốn ODA, cơ sở hạ tầng chất lượng cao, chuyển đổi xanh và chuyển đổi năng lượng, cũng như thúc đẩy phối hợp trong các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

Tại Nhật, trước khi tham dự hội nghị G7, ông Phạm Minh Chính cũng đã có cuộc gặp với một nhóm Việt kiều đang sinh sống tại Nhật Bản và khẳng định luôn coi "bà con cộng đồng người Việt Nam là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam", theo VOV.

Hiện cộng đồng người Việt có gần 500.000 người ở Nhật Bản, là cộng đồng người nước ngoài lớn thứ hai ở nước này, theo lời Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu.

Trong một diễn biến khác, cũng tại cuộc gặp ở hội nghị thượng đỉnh G7 ở Hiroshima, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đề nghị Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính hỗ trợ cho các hoạt động kinh doanh của Hàn Quốc tại Việt Nam, Reuters dẫn thông tin từ văn phòng của ông Yoon cho biết hôm 19/5.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG