Đường dẫn truy cập

Na Uy: Các nhà ngoại giao Nga bị trục xuất đã tìm cách tuyển mộ nguồn tin và khai thác công nghệ


Quang cảnh đại sứ quán Nga tại Oslo, Na Uy, vào ngày 13/4/2023.
Quang cảnh đại sứ quán Nga tại Oslo, Na Uy, vào ngày 13/4/2023.

Mười lăm nhà ngoại giao Nga bị Na Uy trục xuất trong tuần này đã tìm cách tuyển dụng các nguồn, chặn liên lạc và mua công nghệ tiên tiến, cảnh sát an ninh PST của Na Uy cho biết hôm thứ Sáu (14/4).

Người đứng đầu cơ quan phản gián của PST, Inger Haugland, cho biết trong một cuộc họp báo rằng các nhà tuyển dụng thực sự đứng đằng sau những nhà ngoại giao này là các cơ quan tình báo GRU, FSB và SVR của Nga.

“Điều này giúp giảm mối đe dọa từ tình báo Nga ở Na Uy bằng cách giảm vĩnh viễn số lượng sĩ quan tình báo hoạt động dưới vỏ bọc ngoại giao”, ông Haugland nói về các vụ trục xuất.

Đây là vụ trục xuất các nhà ngoại giao Nga lớn nhất của Na Uy và là vụ mới nhất trong một loạt vụ trục xuất của các quốc gia phương Tây kể từ khi Moscow bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện Ukraine.

Theo Bộ Ngoại giao Na Uy, việc làm này của Na Uy sẽ loại bỏ hơn 1/3 trong số khoảng 40 nhà ngoại giao Nga ở Na Uy.

Các nhà ngoại giao bị trục xuất, tất cả đều là nam giới, làm việc tại các bộ phận lãnh sự, thương mại và đại sứ quán của phái đoàn Nga ở Oslo, Giám đốc PST Dag Roehjell nói với Reuters.

Ông Haugland cho biết một trong số họ đã cố gắng mua công nghệ ngầm tiên tiến thay mặt cho cơ quan tình báo quân sự GRU của Nga.

Tình báo Nga đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực quốc phòng của Na Uy, bao gồm cả những gì nước này đóng góp trong việc hỗ trợ quân sự cho Ukraine, và lĩnh vực dầu khí của Na Uy vì nước này hiện là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất của châu Âu, vẫn theo ông Roehjell.

Ông cho biết công nghệ dầu khí của Na Uy là điều Moscow thèm muốn vì nước này không thể tiếp cận công nghệ đó do các lệnh trừng phạt quốc tế và hiện đang cố gắng có được nó bằng cách do thám.

Na Uy, thành viên NATO, có chung đường biên giới với Nga ở Bắc Cực. Nước này đã tăng cường an ninh kể từ khi bắt đầu cuộc chiến Ukraine, đặc biệt là xung quanh các cơ sở khai thác dầu khí.

Nga hôm thứ Sáu cho biết quan hệ với Na Uy đã bị giáng “một đòn nghiêm trọng” và quốc gia Bắc Âu này “ngày càng khẳng định vị thế của một quốc gia thù địch với Nga”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Maria Zakharova nói trong một tuyên bố rằng: “Về phần chúng tôi, những hành động này sẽ không bị quên lãng, chúng tôi sẽ thực hiện một phản ứng cứng rắn”.

Vào tháng 10, Na Uy đã bắt giữ một điệp viên Nga bị tình nghi mà nước này mô tả là một điệp viên bất hợp pháp, tức là một nhân viên tình báo không có mối liên hệ chính thức với chính phủ, và được xem là một nhân vật bí mật.

Na Uy cũng đã điều tra một số vụ máy bay không người lái bị phát hiện xung quanh cơ sở hạ tầng dầu khí trên bờ và ngoài khơi sau vụ nổ vào năm ngoái trên đường ống Nord Stream.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG