Đường dẫn truy cập

Giá trần đối với dầu Nga: có cũng như không?


Các bồn chứa dầu ở Nga. Nga là một trong những nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới
Các bồn chứa dầu ở Nga. Nga là một trong những nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới

Việc các nước phương Tây muốn áp mức giá trần khoảng 70 đô la/thùng đối với dầu Nga ‘sẽ không có tác dụng gì’ trong việc làm giảm ngân sách chiến tranh của Nga, các nhà phân tích cho biết, trong khi châu Âu vẫn đang tranh cãi gay gắt về mức giá trần.

Liên minh châu Âu (EU) hôm 28/11 vẫn bế tắc trong cuộc họp tìm kiếm mức giá trần đối với dầu thô Nga. Trong khi Ba Lan và các nước vùng Baltic muốn áp đặt mức giá khoảng 20-30 đô la mỗi thùng, Hy Lạp, Malta và Cộng hòa Síp muốn giá trần trên 70 đô la hoặc là EU có cơ chế bồi thường cho ngành vận tải biển của họ.

Ủy ban châu Âu đề xuất mức giá trần 65-70 đô la, còn Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen trước đó đề nghị mức 60 đô la mỗi thùng.

Thế khó của EU

Hồi đầu năm, các nền kinh tế lớn nhất phương Tây đã đồng ý giới hạn giá của mặt hàng xuất khẩu có giá trị nhất của Nga là dầu mỏ và cam kết sẽ đưa ra các chi tiết vào đầu tháng 12.

Động thái này là nhằm cắt giảm dòng tiền chảy vào ngân sách chiến tranh của Tổng thống Nga Vladimir Putin mà không tạo ra thêm căng thẳng cho kinh tế toàn cầu khi nguồn cung năng lượng bị cắt giảm hơn nữa. Nhưng khi thời hạn đến gần, các nước vẫn đang tranh cãi về mức giá trần nên là bao nhiêu.

“Ở mức giá 65-70 đô la, đó là để giảm lạm phát thay vì giảm doanh thu của Nga”, bà Helima Croft, người đứng đầu chiến lược các mặt hàng thiết yếu thuộc ngân hàng đầu tư RBC Capital Markets, nói với CNN.

Hồi đầu tháng, một thùng dầu thô Urals của Nga có giá chỉ hơn 70 đô la, thấp hơn khoảng 24 đô la so chuẩn quốc tế là dầu Brent.

Công ty tư vấn Rystad Energy ước tính rằng chi phí sản xuất của Nga là từ 20 đến 50 đô la/thùng.

Thêm vào đó, ngân sách của Nga bao gồm dự báo dầu sẽ được xuất khẩu với giá trung bình khoảng 70 đô la/thùng vào năm 2023. Nếu họ có thể bán được ở mức giá đó trên thị trường, họ có thể tiếp tục chi tiêu theo kế hoạch.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy hôm 25/11 nói giá trần nên được đặt ở mức 30 đô la/thùng.

“Chúng tôi nghe nói về các đề xuất áp giá trần ở mức 60 hoặc 70 đô la. Nó nghe có vẻ giống như sự nhượng bộ trước Nga”, ông Zelenskyy phát biểu qua video tại một hội nghị ở Litva.

Tuy nhiên, nếu áp giá trần thấp hơn 70 đô la có thể làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu – nhất là nếu Nga trả đũa. Nếu họ cắt giảm sản lượng nhiều hơn dự kiến, nó sẽ đẩy giá nhiên liệu lên cao vào lúc các nước như Mỹ, Đức và Nhật đang mong muốn kiểm soát lạm phát.

Tổng thống Putin đã cảnh báo kế hoạch áp giá trần của phương Tây ‘sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng cho thị trường năng lượng’. Xuất khẩu dầu mỏ năm 2022 của Nga ước tính đạt 9,7 triệu thùng mỗi ngày, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế.

Ngoài ra, cũng có hoài nghi ở các hãng giao dịch dầu mỏ rằng biện pháp này sẽ được thực thi, theo ông Giovanni Staunovo, một phân tích gia tại UBS. Ông hy vọng các bên giao dịch dầu mỏ đơn giản sẽ tìm những kẻ hở.

“Có mong muốn mãnh liệt là phải làm cái gì đó”, ông nói với CNN. “Nhưng thực tế sẽ khác”.

Giá trần thay vì cấm vận

Các nước muốn đạt được thỏa thuận trước ngày 5/12, khi lệnh cấm vận chuyển dầu thô Nga bằng đường biển của châu Âu bắt đầu có hiệu lực. EU cấm bảo hiểm và các dịch vụ khác đối với các tàu chở dầu thô của Nga.

Điều này sẽ khiến các khách hàng của Nga như Trung Quốc và Ấn Độ khó tiếp tục nhập khẩu hàng triệu thùng mỗi ngày. Hầu hết các công ty bảo hiểm cho vận chuyển dầu thô đầu đặt tại châu Âu hay Anh.

Mức giá trần nhằm điều chỉnh chính sách đó. Dầu Nga có thể được vận chuyển và bảo hiểm miễn là nó được mua ở mức giá bằng hay thấp hơn mức giá trần do các nước phương Tây áp đặt.

“Điều này sẽ làm giảm hơn nữa doanh thu của Nga, đồng thời giữ cho thị trường năng lượng toàn cầu ổn định bằng cách duy trì nguồn cung”, Ủy ban châu Âu giải thích. “Do đó, nó cũng sẽ giúp đối phó lạm phát và giữ chi phí năng lượng ổn định vào thời điểm mà chi phí cao – nhất là giá nhiên liệu tăng cao – là mối bận tâm lớn”.

Một số nhà phân tích cho rằng mức giá trần cuối cùng sẽ ít quan trọng hơn lệnh cấm vận dầu mỏ của châu Âu. Khối này đã mua khoảng 2,4 triệu thùng dầu thô của Nga mỗi ngày và Moscow sẽ sớm phải tìm khách hàng mới.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von der Leyen hôm 24/11 cho biết bà ‘tự tin EU sẽ sớm phê duyệt mức trần giá toàn cầu đối với dầu của Nga với G7 và các đối chủ chốt khác’.

‘Không hiệu quả’

Trao đổi với VOA từ Fort Worth, Texas, Giáo sư-Tiến sỹ Khương Hữu Lộc giảng dạy chương trình MBA tại Keller Graduate School of Management, chỉ trích mức giá trần 70 đô la ‘là sai lầm’.

“Áp giá trần 70 đô la hoàn toàn không có hiệu quả. Giá người ta bán có 56 đô là mà đặt mức giá 70 đô la thì chẳng thà đừng đặt giá trần”, ông nói.

Ông lưu ý chi phí hòa vốn của Nga là khoảng 28 đô la một thùng, do đó với mức giá trần 30 đô la như Ba Lan đề xuất thì Nga cũng đã có lời. Ông đề xuất mức giá trần đối với dầu Nga ‘không nên cao hơn 50 đô la’.

“Ở mức này Nga có thể bán, các nước châu Âu cũng có thể mua mà không để cho Nga có thu nhập quá nhiều”, ông lập luận.

Lý do một số nước muốn áp mức giá trần cao, ông giải thích, là vì ‘họ cần dầu hỏa’. “Họ sợ rằng nếu áp giá trần thấp quá, Nga không bán nữa thì có hại cho họ và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhiên liệu toàn cầu”, ông nói.

Về đề xuất mức giá trần 30 đô la, ông Lộc nói ‘nếu đối đế quá thì Nga cũng phải bán ở mức giá đó’.

“Mỏ dầu phải để chảy hoài không thể ngừng được, nên sản xuất dầu phải có chỗ bán. Nếu họ có thể bán trên mức hòa vốn thì họ vẫn có lợi là duy trì mỏ dầu hoạt động, không bị gỉ sét và công nhân của họ có việc làm”, ông giải thích.

Tuy nhiên, hiện tại Nga đang bán dầu cho Trung Quốc và Ấn Độ dù với mức chiết khấu cao ‘nhưng vẫn cao hơn mức 30 đô la nhiều’.

‘Lách được nhưng khó’

Về tính khả thi của việc áp giá trần, ông Lộc cho rằng Nga có thể ‘lách’ bằng nhiều hình thức, chẳng hạn như ngụy trang thành tàu dầu nước khác hay chuyển dầu từ tàu này sang tàu khác giữa biển.

“Cái khó là tàu dầu Nga lách luật phải đi đường xa hơn là bán cho châu Âu”, ông giải thích và cho rằng Nga ‘chỉ có thể lách được 10-15% thôi’.

Trung Quốc và Ấn Độ cũng có thể sử dụng các hãng vận chuyển và bảo hiểm của họ để lách giá trần của châu Âu nhưng hiện tại do nền kinh tế hai nước này cũng đang trì trệ nên ‘nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ Nga không cao’, vẫn lời ông Lộc.

“Thị trường hai nước này đối với dầu Nga không thể thay thế châu Âu được”, ông nói.

Ông cho rằng so với áp giá trần, việc cấm dầu Nga có tác dụng nhiều hơn để trừng phạt Nga nhưng các nước châu Âu cần thêm thời gian trước khi áp dụng biện pháp triệt để đó.

Ông nói trong thời gian qua, các nước châu Âu tăng cường mua dầu Nga để dự trữ trước thời hạn lệnh cấm có hiệu lực vào ngày 5/12 nên nhờ đó Nga vẫn có ngân sách dồi dào để tiến hành cuộc chiến ở Ukraine.

Tuy nhiên, ông dự đoán sau khi lệnh cấm dầu hay áp giá trần có hiệu lực thì Nga ‘sẽ bị ảnh hưởng nặng nề’.

Về khả năng Trung Quốc hay Ấn Độ mua dầu giá rẻ từ Nga rồi bán lại cho các nước châu Âu với giá đắt, ông Lộc nói ‘đã xảy ra rồi’ nhưng ‘chỉ ở phạm vi nhỏ’.

“Có sự theo dõi của quốc tế. Với lại Trung Quốc, Ấn Độ chở dầu về, tích trữ rồi lại chở đi đến châu Âu nên rất phức tạp”, ông phân tích.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG