Đường dẫn truy cập

Lực lượng ly khai thân Nga tuyên bố kiểm soát thị trấn quan trọng phía đông Ukraine


Một khu vực bị bốc cháy trong cuộc tấn công của Nga vào thành phố tiền tuyến Lyman, vùng Donetsk, Ukraine, vào ngày 28/4/2022.
Một khu vực bị bốc cháy trong cuộc tấn công của Nga vào thành phố tiền tuyến Lyman, vùng Donetsk, Ukraine, vào ngày 28/4/2022.

Lực lượng ly khai của Nga ở miền đông Ukraine vừa tuyên bố kiểm soát hoàn toàn thị trấn chiến trường quan trọng Lyman vào ngày 27/5, và Ukraine dường như đã thất thủ, giữa lúc Moscow đẩy mạnh cuộc tấn công lớn nhất trong mấy tuần lễ qua.

Lyman, nơi có trung tâm đường sắt quan trọng, là tiền tuyến chính của các lực lượng Nga tấn công từ phía bắc, một trong ba hướng mà từ đó họ đã tấn công khu vực công nghiệp Donbas của Ukraine. Lực lượng ly khai Cộng hòa Nhân dân Donetsk thân Nga cho biết hiện họ đã hoàn toàn kiểm soát thị trấn.

Oleksiy Arestovych, cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy, đã xác nhận Lyman thất thủ trong một cuộc phỏng vấn đểm hôm qua, và nói rằng trận chiến ở đó cho thấy Moscow đang cải thiện chiến thuật của họ.

“Theo dữ liệu chưa được xác minh, chúng tôi đã mất thị trấn Lyman. Quân đội Nga - điều này cần được xác minh - đã chiếm được nó”, ông Arestovych nói trong một video đăng trên mạng xã hội.

“Hơn nữa, cách thức mà họ chiếm được nó… cuộc hành quân được hoạch định một cách chính xác. Điều này cho thấy, về nguyên tắc, trình độ quản lý tác chiến và kỹ năng chiến thuật của quân đội Nga đã tăng lên. Tất nhiên, không phải ở mọi nơi, nhưng nó đã cải tiến, không thể nghi ngờ gì nữa”.

Sau khi bị đánh lui khỏi thủ đô Kyiv vào tháng 3 và từ vùng ngoại ô của thành phố lớn thứ hai Kharkiv vào đầu tháng này, các lực lượng Nga đang tiến hành đợt tiến công mạnh nhất trong nhiều tuần ở khu vực phía đông Donbas.

Các nhà phân tích quân sự phương Tây cho rằng trận chiến ở đó có thể mang tính quyết định, tùy thuộc vào việc các lực lượng Nga có thể duy trì đà tiến công hay không.

Xa hơn về phía đông, các lực lượng Nga đang cố gắng bao vây quân đội Ukraine tại các thành phố Sievierodonetsk và Lyshchansk, sau khi chọc thủng các phòng tuyến của Ukraine ở phía nam thành phố Popasna vào tuần trước.

Thị trấn Popasna, nơi các nhà báo Reuters đã tiếp cận trong lãnh thổ do Nga nắm giữ vào hôm 26/5, đã trở thành một vùng đất hoang tàn với những căn hộ cao tầng bị cháy rụi và những tòa nhà thành phố đổ nát. Xe tăng và các phương tiện quân sự khác của Nga xé toạc những con đường rải đầy đá vụn, tung bụi lên trên mặt đường và những chiếc trực thăng tấn công bay thấp vèo vèo trên đầu. Thi thể của một người đàn ông mặc đồng phục đã chết nằm trong sân.

Trong một bài phát biểu đêm hôm qua, Tổng thống Zelenskyy chỉ trích Liên minh châu Âu đã mất quá nhiều thời gian để cấm nhập khẩu năng lượng của Nga, nói rằng khối này đã gửi cho Moscow một tỷ euro mỗi ngày để tài trợ cho nỗ lực chiến tranh của Điện Kremlin. Ông nói một số quốc gia đang ngăn chặn nỗ lực đưa ra các biện pháp trừng phạt mới, một dẫn chứng rõ ràng là Hungary, quốc gia đã phản đối lệnh cấm của EU đối với dầu của Nga.

“Gây áp lực lên Nga thực sự là vấn đề cứu sống nhiều người. Mỗi ngày trì hoãn, yếu đuối, tranh chấp hoặc đề xuất ‘hoà bình’ với kẻ xâm lược đều là cái giá của nạn nhân, chỉ có nghĩa là có thêm nhiều người Ukraine bị giết chết”, tổng thống Ukraine nói.

Các nước phương Tây do Mỹ đứng đầu đã cung cấp cho Ukraine vũ khí tầm xa, bao gồm pháo M777 và tên lửa chống hạm Harpoon của Đan Mạch.

Ukraine cho biết họ muốn có các loại vũ khí mặt đất tầm xa hơn, đặc biệt là các bệ phóng tên lửa, có thể giúp nước này đánh thắng quân Nga ở mặt trận phía đông.

Cho tới lúc này, yêu cầu trên có nhiều khả năng sẽ được đáp ứng. Các quan chức Mỹ cho biết chính quyền Biden thậm chí đang xem xét cung cấp cho Kyiv Hệ thống tên lửa cơ động cao M142 (HIMARS), có thể có tầm bắn hàng trăm km.

Một mối lo ngại đã khiến Washington không cung cấp vũ khí tầm xa hơn trong quá khứ là nguy cơ leo thang nếu Ukraine sử dụng chúng để tấn công các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga. Các quan chức ngoại giao và Hoa Kỳ nói với Reuters rằng Washington đã có các cuộc thảo luận với Kyiv về vấn đề này.

Một quan chức Mỹ giấu tên cho biết: “Chúng tôi lo ngại về sự leo thang nhưng vẫn không muốn đặt giới hạn địa lý hoặc trói tay họ quá nhiều với những thứ mà chúng tôi đang cung cấp cho họ”.

Một quan chức thứ hai của Mỹ, cũng giấu tên, cho biết Washington và Kyiv đã có “sự hiểu biết” chung về việc sử dụng một số loại vũ khí do phương Tây cung cấp. “Cho đến nay, chúng tôi đã đạt được mức hiểu tương đồng về các ngưỡng giới hạn”, quan chức này nói.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cảnh báo rằng bất kỳ nguồn cung cấp vũ khí nào mà có thể tiếp cận lãnh thổ Nga sẽ là một “bước đi nghiêm trọng đối với sự leo thang không thể chấp nhận được”.

Nga gọi cuộc xâm lược Ukraine là một “hoạt động quân sự đặc biệt” nhằm đánh bại “phát xít” ở đó. Phương Tây nói đây là sự biện minh vô căn cứ cho một cuộc chiến tranh xâm lược.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG