Đường dẫn truy cập

Việt Nam ‘nghiên cứu’ khuyến cáo của World Bank về tình hình kinh tế


Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phiên họp thường kỳ hôm 3/3/2022. Photo Bao Chinh phu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phiên họp thường kỳ hôm 3/3/2022. Photo Bao Chinh phu.

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính mới đây đã yêu cầu Bộ Công thương “nghiên cứu” khuyến cáo của Ngân hàng Thế giới (World Bank) về tình hình kinh tế Việt Nam.

Cổng thông tin chính phủ Việt Nam (VGP) hôm 28/3 dẫn thông tin về báo cáo "Cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam" tháng Ba, được Thông tấn xã Việt Nam đăng tải, trong đó đánh giá kinh tế Việt Nam “vẫn duy trì được đà phục hồi, đồng thời World Bank đưa ra một số lưu ý đối với Việt Nam thời gian tới”.

Theo VGP, các khuyến cáo bao gồm việc “cơ quan chức năng nên khuyến khích các nhà sản xuất tìm kiếm thị trường mới và đổi mới sáng tạo sang những sản phẩm mới, thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu và hiệp định thương mại tự do hiện có để nâng cao khả năng chống chịu của ngành xuất khẩu trong bối cảnh mới” cũng như “cần theo dõi chặt chẽ diễn biến giá trong nước do giá cả hàng hóa thế giới đã tăng mạnh và còn có thể tiếp tục tăng trong ngắn hạn”.

Về các khuyến cáo đó, VGP dẫn lời ông Chính giao Bộ trưởng Bộ Công Thương “nghiên cứu và chỉ đạo đối với khuyến cáo của World Bank theo thẩm quyền và theo chức năng, nhiệm vụ” rồi “báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách”.

Như VOA tiếng Việt đã đưa tin, World Bank mới đây công bố ấn bản “Cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam” trong tháng Ba năm nay và nói rằng “dữ liệu hiện có cho thấy các hoạt động kinh tế trong nước tiếp tục phục hồi, với sản xuất công nghiệp tăng 8,5% (so với cùng kỳ năm trước) và tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng tăng 3,1% (so với cùng kỳ năm trước) mặc dù ảnh hưởng của xu hướng số ca nhiễm COVID-19 tăng nhanh chóng trong thời gian gần đây đến cung lao động, sản xuất và tiêu dùng có thể chưa được phản ánh đầy đủ”.

World Bank nhận định rằng dù kinh tế Việt Nam “cho thấy khả năng chống chịu và đang phục hồi”, hiện “rủi ro tiêu cực đã tăng cao” do các ca nhiễm biến thể Omicron tăng cao và xung đột Nga - Ukraine “gia tăng tính bất định về phục hồi kinh tế toàn cầu, tạo ra những căng thẳng mới đối với chuỗi cung ứng toàn cầu và tăng áp lực lạm phát”.

Yêu cầu của ông Chính được đưa ra một vài ngày sau cuộc gặp với bà Manuela V. Ferro, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương khi bà tới thăm Việt Nam trong tháng này.

Theo World Bank ở Việt Nam, trong cuộc trao đổi với người đứng đầu chính phủ Việt Nam, “hai bên đã thảo luận về các kế hoạch và hành động để Việt Nam thúc đẩy phục hồi kinh tế, ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045”.

Tổ chức tài chính này cho biết “sẽ tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trên chặng đường phát triển sắp tới, sẵn sàng hỗ trợ tích cực xây dựng Báo cáo Việt Nam 2045 để đưa ra các giải pháp cụ thể giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu về phát triển”.

Theo Báo điện tử của chính phủ Việt Nam, ông Chính nói với bà Ferro rằng Việt Nam “luôn coi World Bank là người bạn tốt, đối tác phát triển rất quan trọng” và rằng tổ chức này “đã hỗ trợ, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, có nhiều tư vấn chính sách vĩ mô và gần đây đã hỗ trợ hiệu quả trong xây dựng chính phủ điện tử”.

Ông Chính cũng cho biết rằng “2021 là năm khó khăn nhất kể từ sau đổi mới” và “Việt Nam đã kiên trì thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và đang thúc đẩy phục hồi nhanh, phát triển bền vững kinh tế - xã hội, các ngành, lĩnh vực chủ yếu đang tiếp tục xu hướng phục hồi rất tích cực, nằm trong top 20 nước dẫn đầu thế giới về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)”.

Theo VGP, ông Chính cũng “hoan nghênh World Bank đã có sáng kiến, hỗ trợ các quốc gia phòng, chống COVID-19, đặc biệt World Bank đã chia sẻ với Việt Nam trong lúc khó khăn, viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam 6,2 triệu USD vào năm 2020”.

VOA Express

XS
SM
MD
LG