Đường dẫn truy cập

Du xuân giữa thời đại dịch


Du khách đi cáp treo lên đỉnh núi Bà và chùa Bà, thuộc khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen, Tây Ninh, vào dịp Tết Nguyên Đán 2022.
Du khách đi cáp treo lên đỉnh núi Bà và chùa Bà, thuộc khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen, Tây Ninh, vào dịp Tết Nguyên Đán 2022.

“Mọi người có nhu cầu đi thì đi theo kiểu cá nhân thôi, chứ không đến nỗi đông nghịt như mọi năm đâu. Mình nghĩ là mọi người cũng sợ đấy vì các ca nhiễm nó cũng nhiều.. .15/3 tức là khoảng một tháng nữa sẽ bình thường hoá tất cả các hoạt động du lịch. Bình thường đi để cho em còn kiếm ăn chứ không cứ thế này thì chết.”

Đó là tâm sự của chị Nguyễn Phương Lan, một chủ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch tại Hà Nội. Suốt gần 3 năm qua, doanh nghiệp của chị ngắc ngoải, nhân viên chỉ được phân nửa tiền lương và không có thưởng Tết. Khi nhắc đến chuyện du Xuân và lễ bái đầu năm, chị Lan tỏ vẻ thờ ơ vì “chẳng còn tâm trí đâu để mà du hành và lễ bái nữa”.

Khác với chị Lan, chị Dương Thanh Hồng, một nhân viên tại một tổng công ty về xây dựng và bất động sản tại Hà Nội thì lại vừa trải qua chuyến du hành đầu năm tới khu danh thắng Tam Chúc – Ba Sao, nơi có quần thể kiến trúc Phật Giáo lớn nhất thế giới tại tỉnh Hà Nam. Thời gian gần đây, do sợ đồng tiền mất giá vì các gói cứu trợ hàng nghìn tỉ của nhà nước nên các dự án căn hộ và biệt thự của công ty nơi chị Hồng làm việc được bán ra khá chạy. Nhân viên vì thế không bị ảnh hưởng tới thu nhập, và Tết này, khi việc hạn chế đi lại được dỡ bỏ, chị đã cùng bạn bè và gia đình du Xuân ngay khi vừa ra Tết. Nhưng theo chị Hồng, đây thực sự là một lựa chọn sai lầm khi số người đổ về những danh thắng này dịp đầu năm là quá sức tưởng tượng.

“Năm nay kiểu như là người ta bị kìm nén mấy cái đợt vừa rồi nên là cực kỳ đông luôn, chứ không phải là bình thường. Khủng khiếp là đông. Đông lắm. Nói chung là cái dịch vụ nó quá tải, nó không phục vụ được mình nên đi rất là mệt,” chị Hồng chia sẻ.

Năm nay, khu vực miền Bắc lạnh đột ngột. Tuy thế, bất chấp số ca nhiễmCovid đang ở mức kỷ lục và cái giá lạnh hiếm thấy, rất nhiều người vẫn chuẩn bị lên đường du Xuân và chiêm bái theo thói quen vốn đã bị cắt đứt vào cái Tết năm rồi, khi lệnh hạn chế nghiêm ngặt được ban hành.

Anh Nguyễn Thanh Tuy, một cư dận tại Mỹ Đình, Hà Nội, cho biết anh cùng bạn bè đã hào hứng dự tính thời gian và những nơi cần du Xuân từ trước Tết và cho dù thời gian này trời mưa rét, nhưng tất cả đều nhất trí vẫn lên đường.

“Chủ Nhật này dự báo trời mưa rét thế nhưng dự tính là vẫn đi Yên Tử. Đi thì mình vẫn đi với hội bạn mọi năm thôi. Bởi vì Yên Tử mình đi liên tục 16 – 17 năm nay rồi. Ra Tết nó thành thói quen rồi thì mình cứ đi hành hương một tí. Mọi năm thì bọn mình đi chính lễ nhưng năm nay thì đi lệch ra một chút, nghĩa là lúc người ta xuống thì mình mới lên nên nó cũng sẽ đỡ hơn,” anh Tuy cho VOA biết.

Những người thận trọng hơn một chút thì thực sự cũng không muốn đi đâu trong hoàn cảnh số ca nhiễm Covid trên cả nước luôn vượt mốc kỷ lục những tuần gần đây. Nhưng cũng có những người cực chẳng đã vì nhiệm vụ với công ty nên phải tham gia vào những chuyến du Xuân.

“Thứ 5 này mình dự định đi lễ ông Hoàng Mười ở Nghệ An. Thực ra là ban lãnh đạo công ty có kế hoạch đi, mình là giám đốc trung tâm truyền thông thì phải đi thôi,” anh Nguyễn Anh Tuấn ở quận Cầu Giấy, Hà Nội, cho biết.

Kiên quyết hơn anh Tuấn, nhất là khi chứng kiến quá nhiều ca nhiễm và tử vong vì Covid, anh Đặng Thành Trung, một cư dân tại quận Hoàn Kiếm, chia sẻ: “Năm nay không đi đâu cả. Dịch kinh lắm. Ngõ nhà tôi còn đúng hai nhà là nhà tôi và nhà hàng xóm đối diện là không bị. Còn cả ngõ F0 hết. Ối giời nhiều lắm mà già chết nhiều lắm. Phố tôi mấy người già chết rồi.”

“Thống kê toàn thành phố chỉ có khoảng trên dưới 3.000 ca mỗi ngày nhưng mà thực tế nhiều lắm…Vì thế mà cũng ngại đi và cũng sợ đi lắm,” anh Tuấn bày tỏ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG