Đường dẫn truy cập

Việt Nam tiếp tục tăng chi tiêu quốc phòng để đối phó ‘rủi ro an ninh’


Chiến đấu cơ Sukhoi SU-57. Việt Nam được dự đoán sẽ trở thành khách hàng đầu tiên mua loại máy bay này của Nga.
Chiến đấu cơ Sukhoi SU-57. Việt Nam được dự đoán sẽ trở thành khách hàng đầu tiên mua loại máy bay này của Nga.

Một báo cáo vừa công bố của GlobalData, một trong những công ty hàng đầu thế giới về phân tích dữ liệu, dự đoán Việt Nam trong những năm tới sẽ tăng chi tiêu quốc phòng lên theo cấp số nhân để bảo vệ lãnh thổ và lợi ích quốc gia trong khu vực Biển Đông và đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa lực lượng hải quân và không quân.

Báo cáo có tên “Thị trường quốc phòng Việt Nam - Mức độ hấp dẫn, cảnh quan cạnh tranh và dự báo đến năm 2027” của GlobalData dự đoán mức độ chi tiêu quốc phòng của Việt sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) ở mức cao đến 8,5% trong giai đoạn 2023-2027, lên 8,5 tỷ đôla vào năm 2027.

Rủi ro an ninh cao trong đại dịch

Nhận định về mức dự đoán này, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp khách mời thuộc viện ISEAS của Singapore cho rằng đây là con số khả dĩ.

“Ngay cả hai năm vừa rồi có đại dịch nhưng chi tiêu quốc phòng không bị giảm, đó là tôi chưa nói nó còn tăng lên, bởi vì ở đây người ta nghĩ rằng có một trong những khả năng là xảy ra chiến tranh dễ hơn, tức là rủi ro chiến tranh nóng cao hơn, khi có đại dịch”, TS. Hà Hoàng Hợp nói với VOA.

Akash Pratim Debbarma, chuyên gia phân tích hàng không và quốc phòng tại GlobalData, cho rằng mặc dù nền kinh tế Việt Nam đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, nhưng đã thể hiện khả năng phục hồi đáng kể. Chuyên gia này nói: “Kế hoạch mua sắm Tàu ngầm hạng trung và tàu tuần tra của Việt Nam là minh chứng cho cam kết bảo đảm lợi ích quốc gia và bảo vệ yêu sách lãnh thổ của mình trước bất kỳ hành động xâm lược nào từ bên ngoài, trong bối cảnh hiện nay, từ phía Trung Quốc”.

Tuy nhiên, theo TS. Hà Hoàng Hợp, còn có một số yếu tố khác dẫn đến dự tính của Việt Nam về rủi ro chiến tranh và tăng cường chi tiêu quốc phòng, trong đó bao gồm vấn đề sức khoẻ của quân binh, vốn có thể bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và từ đó ảnh hưởng năng lực phòng thủ của quốc gia, và một mối “rủi ro an ninh trực tiếp” khác.

Ông nói: “Rõ ràng hiện nay người ta không biết Covid xuất xứ từ đâu. Nếu giả định là từ Vũ Hán, Trung Quốc, thì đấy có phải là một sự che giấu một cuộc chiến tranh sinh học hay không? Tất cả đều phải đặt ra. Có thể người ta không nói ra nhưng mà người ta phải tính”.

Ngoài những dự tính trên, một lý do khác khiến chi tiêu quốc phòng của Việt Nam không giảm xuống, ngay cả trong đại dịch, theo TS. Hà Hoàng Hợp, là vì các khoản chi “không thể dừng lại được” trong các hợp đồng mua sắm trang thiết bị, vũ khí trong kế hoạch dài hạn hiện đại hoá quân đội của Việt Nam.

Theo Defense News, ngân sách quốc phòng của Việt Nam đã gia tăng mỗi năm kể từ năm 2015, với đà tăng trưởng trung bình khoảng 7,2% mỗi năm.

‘Không mua sắm mãi được’

Hướng hiện đại hoá quân đội của Việt Nam là tiếp tục mua sắm vũ khí mới phần lớn (trên 70%) từ Nga. Song song với đó là tìm kiếm các nguồn cung cấp khác như từ Mỹ, tây Âu, Nhật Bản, Israel…, TS. Hà Hoàng Hợp nói. Trong đó, nguồn cung từ Mỹ hay tây Âu thì “chưa có bước tiến lớn” ngoài việc mua sắm một vài thiết bị cho hải quân như radar tầm xa và đang đặt vấn đề mua tên lửa của tây Âu để phục vụ cho việc phòng vệ ngoài biển.

Theo GlobalData, với mối quan tâm trong việc mua sắm máy bay tàng hình thế hệ thứ 5 (Su-57) của Nga có lẽ sẽ khiến Việt Nam trở thành khách hàng đầu tiên mua loại máy bay này. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có kế hoạch mua máy bay huấn luyện Yak-130, dự kiến sẽ mở đường cho việc mua các loại máy bay phản lực tiên tiến của Nga như Su-30S.

Việc mua sắm vũ khí, thiết bị của Việt Nam, theo TS. Hà Hoàng Hợp, sẽ bị ảnh hưởng bởi hai yếu tố. Thứ nhất, đối tượng chính mà Việt Nam đầu tư trong việc hiện đại hoá là hải quân và phòng không với tốc độ trang bị nhanh và liên tục. Thứ hai, việc mua sắm vũ khí, thiết bị sẽ tập trung vào những vũ khí quan trọng liên quan đến hệ thống săn ngầm (chống tàu ngầm); máy bay, thiết bị cảnh báo sớm trên không; hệ thống tác chiến điện tử, thu thập thông tin tình báo tín hiệu; hệ thống tác chiến không gian mạng.

Tuy nhiên, theo lời của nhà nghiên cứu này thì Việt Nam cũng đã đặt ra mục tiêu phát triển công nghiệp quốc phòng trong nước để đạt được một mức “tự chủ” nhất định, chứ “không thể đi mua sắm mãi được”.

Hiện nay, theo nhận định của TS. Hà Hoàng Hợp, tốc độ phát triển công nghiệp quốc phòng của Việt Nam vẫn còn chậm do thiếu nền tảng công nghệ quốc phòng.

Ông nói: “Trực tiếp liên quan đến công nghệ quốc phòng thì có mấy thứ quan trọng. Thứ nhất là công nghệ vật liệu, thứ hai là con chip điện tử - vi mạch bán dẫn, thứ ba là công nghệ về hoá chất để làm thuốc phóng cho tên lửa hoặc chất đốt trong viên đạn, rồi các công nghệ khác như công nghệ thông tin trong quốc phòng, chẳng hạn như về vô tuyến điện, radar, công nghệ xử lý thông tin, tín hiệu… Những cái đó vô cùng quan trọng nhưng vẫn còn ít ở Việt Nam.”

Nhà nghiên cứu của Viện ISEAS cho biết ngoài “ngân sách cứng” dành cho việc mua sắm vũ khí, thiết bị quân sự và huấn luyện nhân sự, quy hoạch ngân sách của Việt Nam còn có “ngân sách mềm” dành cho việc cảnh báo và phòng bị những rủi ro an ninh trực tiếp hoặc phi truyền thống và khoản ngân sách này không chỉ liên quan đến Bộ Quốc phòng mà còn có các bộ khác.

VOA Express

XS
SM
MD
LG