Đường dẫn truy cập

Đặc sứ Mỹ về Triều Tiên đến Việt Nam chuẩn bị cho thượng đỉnh


Ông Stephen Biegun - đại diện đặc biệt của Hoa Kỳ về Triều Tiên.
Ông Stephen Biegun - đại diện đặc biệt của Hoa Kỳ về Triều Tiên.

Đại diện đặc biệt của Hoa Kỳ về Triều Tiên Stephen Biegun đã lên đường đi Hà Nội vào ngày 19/2 để tiếp tục chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un sẽ diễn ra vào tuần tới tại Việt Nam, Reuters dẫn nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết.

Tại cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giáo Mỹ Robert Palladino nói thêm rằng ông không có thông tin chi tiết về các cuộc họp tại Hà Nội của ông Stephen Biegun.

Đặc sứ Biegun đã ở Triều Tiên 3 ngày, từ 6/2 đến 8/2, trong chuyến đi mà ông nói là nhằm mục đích thỏa thuận về “kết quả đầu ra cụ thể” của cuộc gặp thượng đỉnh ngày 27-28/2.

Bộ Ngoại giao cho biết sau các cuộc hội đàm đó, ông Biegun đã đồng ý tổ chức các cuộc họp tiếp theo với người đồng cấp Kim Hyok Chol trước hội nghị thượng đỉnh.

Tin cho hay, ông Kim Hyok Chol - Đặc phái viên Triều Tiên về Mỹ - vừa đến Việt Nam hôm 20/2. Reuters dẫn một nguồn thạo tin cho biết Ðặc sứ Kim Hyok Chol cùng với một nhóm sáu quan chức Triều Tiên đã đáp máy bay đến Hà Nội.

Ðặc sứ Mỹ Biegun mô tả các cuộc đàm phán của ông ở Triều Tiên là “hiệu quả” song “có những việc khó khăn cần phải làm” trước hội nghị thượng đỉnh.

Hoa Kỳ yêu cầu Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân có khả năng đe dọa Hoa Kỳ, và Tổng thống Trump đặt nhiều hy vọng vào hội nghị thượng đỉnh lần hai, mặc dù cuộc họp đầu tiên ở Singapore vào tháng 6 năm ngoái chỉ mang lại những cam kết mơ hồ từ phía lãnh đạo Kim Jong Un và rất có ít tiến triển cụ thể kể từ đó đến nay.

Còn phía Triều Tiên thì đang tìm cách dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt do Hoa Kỳ dẫn đầu, chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 và những đảm bảo về an ninh.

Khi được hỏi liệu Hoa Kỳ có xem xét dỡ bỏ các lệnh trừng phạt hay không, ông Palladino nói: “Chúng tôi đã nói rõ về các biện pháp trừng phạt. Đây là các lệnh trừng phạt của thế giới và... sẽ tiếp tục duy trì cho đến khi chúng tôi đạt được kết quả chung cuộc đầy đủ, dứt điểm và kiểm chứng về phi hạt nhân hóa [Bán đảo Triều Tiên]”.

Sau đó, ông nói thêm: “Tuy nhiên, tôi không muốn nói trước về bất kỳ thông tin chi tiết nào khác hơn những gì đang được đàm phán liên quan đến câu hỏi đó”.

Ông Palladino cũng không trả lời trực tiếp khi được hỏi về các thông tin cho rằng hai bên đang thảo luận về việc trao đổi các giới chức liên lạc và tuyên bố chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.

“Tôi sẽ không nói trước về các cuộc đàm phán ngoại giao, hoặc nói trước Tổng thống. Rất nhiều điều đang được thảo luận và chúng tôi đang rất mong đợi vào tuần tới”, Reuters dẫn lời phát ngôn viên Hoa Kỳ nói.

Hôm 19/2, Tổng thống Trump lặp lại rằng ông muốn Triều Tiên chấm dứt chương trình hạt nhân, nhưng ông không vội vã và không áp đặt lịch trình cấp bách cho Bình Nhưỡng về việc phi hạt nhân hóa.

Tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo nói rằng Hoa Kỳ nhắm mục tiêu “tiến xa hết mức có thể với Triều Tiên” trong hai tuần tới và nhóm của ông Biegun sẽ thảo luận về tất cả các vấn đề đã được đề cập ở Singapore.

Khi được hỏi vào hôm thứ Năm về việc chính thức kết thúc Chiến tranh Triều Tiên có tầm quan trọng như thế nào trong các cuộc thảo luận, ông Pompeo nói: “Nó là điều mà chúng tôi bàn thảo rất nhiều”.

Ông cho biết ông Trump và ông Kim cũng sẽ xem xét “trụ cột phi hạt nhân hóa” mà họ đã đồng ý với nhau ở Singapore và làm thế nào để giảm căng thẳng và rủi ro quân sự “để chúng ta có thể có được hòa bình và an ninh trên bán đảo”.

VOA Express

XS
SM
MD
LG