Đường dẫn truy cập

Đảng Dân chủ không thể bãi bỏ filibuster, luật bỏ phiếu sụp đổ


Phe Dân chủ tại Thượng viện phát biểu trước báo giới về dự luật quyền bầu cử của họ
Phe Dân chủ tại Thượng viện phát biểu trước báo giới về dự luật quyền bầu cử của họ

Dự luật về quyền bỏ phiếu - vốn được đảng Dân chủ và các nhà lãnh đạo dân quyền cho là rất quan trọng để bảo vệ nền dân chủ - đã bị chặn đường vào tối hôm 19/1 khi hai thượng nghị sĩ Dân chủ không chịu hòa cùng nỗ lực của đảng để thay đổi các quy tắc của Thượng viện nhằm vượt qua sự cản trở của Đảng Cộng hòa sau màn tranh luận thẳng thừng và đầy cảm xúc.

Kết quả này là thất bại cay đắng cho Tổng thống Joe Biden và đảng của ông vào lúc năm đầu tiên trong nhiệm kỳ của ông kết thúc với nhiều điều không tích cực.

Đảng Dân chủ không thể thuyết phục hai Thượng nghị sĩ Kyrsten Sinema của bang Arizona và Joe Manchin của West Virginia thay đổi quy tắc của Thượng viện để cho phép chỉ có cần đa số tối thiểu để thông qua dự luật.

“Tôi thất vọng sâu sắc”, ông Biden phát biểu trong một tuyên bố sau cuộc bỏ phiếu.

Tuy nhiên, tổng thống nói ông sẽ ‘không nản lòng’ và cam kết sẽ ‘thử mọi biện pháp và sử dụng mọi công cụ mà chúng tôi có để đứng lên đấu tranh cho dân chủ’.

Phe vận động cho quyền bỏ phiếu cảnh báo rằng các tiểu bang do đảng Cộng hòa lãnh đạo trên toàn quốc đang thông qua những đạo luật nhằm khiến người Mỹ da đen và những người khác khó lòng thực hiện quyền bỏ phiếu hơn bằng cách đặt ra thêm các quy định ở các địa điểm bỏ phiếu, đòi hỏi một số loại giấy tờ tùy thân và một số thay đổi khác.

Phó Tổng thống Kamala Harris đã chủ trì phiên họp Thượng viện trong một khoảng thời gian ngắn để có thể phá vỡ thế cân bằng nếu cần, nhưng bà đã rời đi trước cuộc bỏ phiếu cuối cùng. Thượng viện đã bỏ phiếu 52-48 để bác bỏ việc thay đổi quy tắc filibuster (tức yêu cầu phải có đa số 60 phiếu thuận mới chấm dứt tranh luận về một dự luật), với hai vị Manchin và Sinema hòa cùng đảng Cộng hòa bỏ phiếu chống.

Cuộc bỏ phiếu này đã chặn đường dự luật ở thời điểm hiện tại. Dự luật là ưu tiên hàng đầu của đảng Dân chủ kể từ khi họ giành quyền kiểm soát lưỡng viện Quốc hội và Nhà Trắng.

Dự luật Tự do Bỏ phiếu John R. Lewis của Đảng Dân chủ quy định Ngày bầu cử là ngày lễ toàn quốc, đảm bảo cho người dân được bỏ phiếu sớm và bỏ phiếu qua thư – vốn đã trở nên hết sức phổ biến trong bối cảnh đại dịch COVID-19 – và cho phép Bộ Tư pháp có tiếng nói ở các tiểu bang có tiền sử can thiệp vào quyền của cử tri bên cạnh những thay đổi khác. Nó đã được Hạ viện thông qua.

Cả ông Manchin và bà Sinema đều nói họ ủng hộ dự luật này, nhưng đảng Dân chủ còn lâu mới hội đủ 60 lá phiếu cần thiết để đưa dự luật vượt qua quy trình filibuster của đảng Cộng hòa. Nó đã không được thông qua với tỷ lệ bỏ phiếu 51-49 theo lằn ranh đảng phái. Lãnh đạo đa số tại Thượng viện, Thượng nghị sỹ Dân chủ Chuck Schumer, D-N.Y., đã bỏ phiếu chống mang tính thủ tục để dự luật có thể được xem xét sau.

Thượng nghị sỹ Cộng hòa Mitch McConnell, vốn từng dẫn dắt đảng của mình loại bỏ quy trình filibuster để thông qua các đề cử thẩm phán Tối cao Pháp viện trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Donald Trump, cảnh báo không nên thay đổi quy tắc này một lần nữa.

Ông McConnell mỉa mai ‘sự khích động giả tạo’ của đảng Dân chủ về luật bỏ phiếu mới của các bang và gọi dự luật của họ là sự can thiệp của chính quyền liên bang vào hệ thống bầu cử. Ông chỉ trích đảng Dân chủ trong một bài phát biểu nảy lửa và nói rằng việc loại bỏ các quy tắc filibuster sẽ ‘phá vỡ Thượng viện’.

Ông Schumer nói rằng cuộc chiến vẫn chưa kết thúc và ông chế giễu tuyên bố của đảng Cộng hòa rằng luật bầu cử mới ở các bang sẽ không gây hại cho quyền đi bầu và số lượng cử tri đi bầu, ví nó như ‘lời nói dối khủng khiếp’ của cựu Tổng thống Donald Trump về cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.

VOA Express

XS
SM
MD
LG