Đường dẫn truy cập

Ấn Độ hạn chế xuất khẩu vaccine, ưu tiên tiêm chủng nội địa


Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar.
Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar.

Ấn Độ, nước xuất xưởng vaccine lớn nhất thế giới, ngày 26/3 tuyên bố sẽ ưu tiên tiêm chủng vaccine COVID cho nội địa trước nhất trong khi số ca nhiễm đang gia tăng. Ấn cho biết đã thông báo cho bạn hàng quốc tế về quyết định này.

Tin về việc Ấn Độ sẽ hoãn chuyển giao vaccine AstraZeneca cho chương trình toàn cầu để tiêm ngừa tại những nước nghèo gây báo động hôm 25/3. Người đứng đầu cơ quan kiểm soát dịch bệnh châu Phi nói lục địa này đang “bất lực”.

Ấn Độ đã xuất khẩu 60,5 triệu liều vaccine, nhiều hơn số tiêm chủng trong nước, và nói rằng không cấm hẳn việc xuất khẩu vaccine.

“Trong nhiều trường hợp, chúng tôi đã nói với các đối tác quốc tế là …tỉ lệ COVID đang gia tăng tại Ấn Độ, chúng tôi đang mở rộng việc tiêm chủng của chúng tôi, do đó chúng tôi tin quý vị sẽ hiểu là lúc này chúng tôi phải đặt mục tiêu chú trọng nhiều hơn vào đâu,” Ngoại trưởng Subrahmanyam Jaishankar nói với báo giới.

Liên minh Gavi cho hay chương trình chia sẻ vaccine COVAX đã thông báo cho tất cả các nền kinh tế bị ảnh hưởng về khả năng trì hoãn xuất khẩu vaccine từ Viện Huyết tương Ấn Độ (SII).

Ấn Độ đang lấy thêm nguồn cung từ SII cho việc tiêm chủng trong nước. Công ty sản xuất vaccine khác của Ấn Độ là Bharat Biotech hiện đang vất vả đẩy mạnh sản lượng.

COVAX là một kế họach phân phối vaccine toàn cầu do Tổ chức Y tế Thế giới và các đối tác trong đó có liên minh Gavi đồng lãnh đạo.

Ấn Độ ngày 26/3 báo cáo thêm 59.118 ca nhiễm, nâng tổng số lên thành 11,85 triệu ca. Số tử vong tăng 257 người, lên thành 160.949 người chết.

Ấn Độ đã tiêm 55 triệu liều vaccine, cao hàng thứ ba sau Mỹ và Brazil. Tuy nhiên, tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với dân số 1,35 tỉ của Ấn, trang mạng Our World Data nói.

Bang Maharashtra ở miền Tây Ấn, chịu ảnh hưởng nặng nề vì số ca COVID tăng mạnh, đã cảnh báo thiếu vaccine và áp đặt lệnh đóng cửa tại một số thị trấn.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG