Đường dẫn truy cập

Đa số dân Việt Nam ‘tuân thủ cách ly xã hội’


Hầu hết các hàng quán ở Hà Nội đều đóng cửa trong những ngày cách ly xã hội
Hầu hết các hàng quán ở Hà Nội đều đóng cửa trong những ngày cách ly xã hội

Đa số người dân Việt Nam tuân thủ chỉ thị của chính phủ là ở trong nhà, chỉ ra đường khi cần thiết trong khi chính quyền tăng cường tuyên truyền về các hoạt động phòng chống dịch bệnh đến dân, người dân đang sinh sống ở hai thành phố lớn nhất nước nói với VOA.

Theo chỉ thị 16 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thì kể từ ngày 1/4, cả nước Việt Nam thực hiện ‘cách ly xã hội’ trong vòng 2 tuần mà theo đó ‘nhà nào ở nhà đó, tỉnh nào ở tỉnh đó’ để tránh làm lây lan virus corona gây bệnh Covid-19.

‘Rất vắng vẻ’

Trao đổi với VOA, bà Nguyễn Th., người sinh sống ở Thủ Đức và hiện đang làm việc cho một hãng Hong Kong đóng tại Quận 1, cho biết theo quan sát của bà thì ‘đa số tuân thủ’ việc cách ly xã hội.

“Không thể nói là 100% tuân thủ, vẫn có một số ít không tuân thủ tuyệt đối,” bà nói.

Bà cho biết ở khu chung cư bà đang sống, người dân ‘ít đi ra ngoài’ mà ‘nếu có đi thì đa phần là tập thể dục’.

“Đường sá chỗ tôi làm khá là vắng. Nói chung trước đây lúc nào cũng kẹt xe còn bây giờ thì đường khá thông thoáng,” bà nói. “Nếu đi đường chợ thì đông hơn một chút chứ còn mấy chỗ như shop quần áo hay cửa hàng rất là vắng.” (2:30)

Thành phố Hồ Chí Minh là nơi có nhiều hàng quán ăn uống ở vỉa hè hay lề đường. Theo bà Th. thì các hàng quán này ‘gần như đã nghỉ 100%’.

“Số lượng người ra đường ít quá nên họ đóng cửa nghỉ luôn. Như ở đường Mạc Đĩnh Chi tôi đi qua thì thấy đóng cửa hết rồi. Chỉ còn một số quán bán cho khách đem về hay bán trực tuyến cho người đến lấy giao hàng thì vẫn còn mở cửa thôi,” bà nói.

Theo lời bà kể thì sau 10h tối thì thành phố ‘giống như là giới nghiêm’ khi ở khu vực trung tâm ở quận 1 những người còn chạy lang thang ngoài đường sẽ ‘bị dân phòng chặn lại hỏi và bị buộc phải trở về nhà’.

Về việc ‘tỉnh nào ở tỉnh đó’ tức việc đi lại từ địa phương này đến địa phương khác, bà cho biết: “Trong chung cư chỗ tôi ở có người vẫn còn đi tỉnh được. Họ sẽ được hỏi là đi đâu làm gì. Nếu đi có lý do hợp lý thì vẫn được cho đi thôi.”

Hiện giờ các hoạt động đông người như đám tiệc, sinh nhật, đám cưới hay tụ họp bạn bè đều đã bị hủy hoặc hoãn lại. “Bản thân tôi cũng không đi sinh nhật nữa, đám cưới cũng không nhận được thiệp mời nữa,” bà nói.

‘Không giữ khoảng cách’

Khi được hỏi về việc giữ khoảng cách xã hội là 2 mét, bà nói người dân Thành phố Hồ Chí Minh ‘không tuân thủ’.

“Ngoại trừ việc đeo khẩu trang hầu hết mọi người chấp hành tuyệt đối 100%. Còn khoảng cách 2 mét ở những nơi tôi đi thì hầu hết mọi người không giữ khoảng cách,” bà nói. (9:15)

Bà đưa ra dẫn chứng là ở chung cư của bà ‘mọi người vẫn túm lại nói chuyện’ và trong siêu thị dưới nhà,mọi người ‘vẫn xếp hàng gần nhau’.

Theo lý giải của bà thì ‘mọi người có tâm lý là đeo khẩu trang rồi và ai cũng nghĩ rằng trong chung của mình ai cũng cách ly với bên ngoài rồi nên cũng khá là an toàn’.

Tuy nhiên, bà quan sát thấy những ngày gần đây ‘có sự lơi lỏng’ trong việc thực hiện chỉ thị 16. “Mấy ngày trước xuống sảnh chung cư thấy vắng lắm. Gần đây thì thấy đông hơn,” bà cho biết.

Chung cư chỗ bà ở cũng thực thi nhiều biện pháp nghiêm ngặt để chống dịch như kiểm tra chặt chẽ người lạ đến thăm như phải có người bảo lãnh, phải khai báo y tế; người nước ngoài còn phải khai lịch trình có đến các nước vùng dịch trong thời gian gần đây hay không trong khi cư dân được kiểm tra thân nhiệt khi đi ra ngoài về.

“Ngày nào chung cư cũng phát loa hết. Họ dặn dò như việc như cấm tụ họp, rửa tay thường xuyên, rồi dán áp phích trong thang máy… giống như tuyên truyền của Bộ Y tế vậy,” bà cho biết.

Trước khả năng thành phố kéo dài lệnh cách ly xã hội cho đến hết tháng 4, bà Th. nói là ‘điều nên làm nếu tình hình chưa kiểm soát được’.

‘Không khí trong lành’

Còn ở Hà Nội, ông Nguyễn Tr., một người dân sống ở quận Đống Đa, cho biết đường phố những ngày này ‘vắng như Tết’.

“Mọi người không ra đường nên không khí trong lành hơn bình thường,” ông Tr. nói và cho biết bản thân ông chỉ đi xuống dưới siêu thị nơi chung cư ông ở để mua thức ăn, nhu yếu phẩm rồi lên phòng chứ ‘không đi đâu ra đường’.

Theo lời ông miêu tả thì ‘siêu thị có kẻ vạch cách nhau hai mét để mọi người xếp hàng vào đảm bảo giữ đúng khoảng cách xã hội’.

“Siêu thị cũng không đông đúc lắm vì người dân đã tích trữ từ trước.”

“Hàng quán đã đóng cửa hết. Mọi người phải tự nấu ăn ngày ba bữa,” ông nói thêm.

Ông cho biết người dân ở khu chung cư ông ‘đa số đã cách ly ở nhà’ mặc dù ‘còn một số người do công việc nên vẫn phải đi làm’.

Là người đam mê thể thao nhưng bây giờ ông ‘chỉ tập luyện ở nhà’ và mua dụng cụ tập thể hình trên mạng về nhà tập, còn việc chạy bộ thì ông ‘đã bỏ hẳn’.

Để bớt cảm giác cô độc trong thời gian cách ly, ông cho biết mỗi buổi tối ông và bạn bè pha cà phê rồi gọi cho nhau qua các ứng dụng hội họp như Zoom, Teams, để nói chuyện hay ‘chỉ nhìn mặt nhau rồi uống cà phê thôi’.

Ông nói trong thời gian này ông ‘rất ngại tiếp xúc với người khác’.

“Nếu ra ngoài mà bị làm sao thì sẽ gây hại cho rất nhiều người, gây hại cho cơ quan. Nếu bị nhiễm thì người ta sẽ truy ra cả công ty, công ty sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều,” ông giải thích.

Ông nói rằng do chỗ ông ở gần Bệnh viện Bạch Mai, nơi được xem là tâm dịch ở Hà Nội hiện nay với hàng chục ca nhiễm, nên ông cũng có tâm lý lo sợ.

Theo lời ông Tr. thì hiện giờ Hà Nội đang kiểm tra rất gắt gao việc đi lại giữa Hà Nội và các tỉnh thành khác.

“Mẹ tôi về quê ở Nghệ An từ đầu tháng Ba, nhưng không về lại Hà Nội vì có ai vào được thành phố nữa đâu,” ông nói.

“Không phải dễ mà ra vào được đâu bởi vì phải ở trên xe khai báo đủ các kiểu, khai báo y tế, khai báo lịch sử, hành trình đi lại các thứ,” ông nói thêm.

Cũng giống như ở Thành phố Hồ Chí Minh, ông Tr. nói ở những chỗ thường có đông người như Hồ Hoàn Kiếm, Hồ Tây hay Công viên Thống Nhất thường có công an đi tuần tra nhắc nhở mọi người tránh tụ tập.

Ngay cả việc người dân ra đường chạy bộ vào lúc này cũng sẽ được xem là ‘ra đường không có lý do thiết yếu’, ông nói.

Theo lý giải của ông Tr. thì người dân Việt Nam có tinh thần chống dịch cao độ như vậy là vì sự tuyên truyền của chính quyền.

“Truyền thông Việt Nam làm rất là căng, tác động vào nhận thức người dân rất kinh khủng,” ông nói.

Ông dẫn chứng như ở quê nhà ông ở Nghệ An mặc dù chưa có ca nào nhưng ông được mẹ ông cho biết là ‘nhà nào ở nhà nấy, trẻ con không dám ra đường’.

“Truyền hình, báo chí, thậm chí loa phường ngày nào cũng ra rả cả ngày làm cho những người dù ở trong ngóc ngách cũng nắm rõ vấn đề,” ông nói thêm.

VOA Express

XS
SM
MD
LG