Đường dẫn truy cập

Đức phát hiện nhóm khủng bố tại Chemnitz


Biểu tình tại Chemnitz kêu gọi bà Angela Merkel từ chức vì bị cáo buộc xúi dục bạo động tại Chemnitz, miền đông nước Đức, ngày 1/9/2018, sau vụ một người Đức bị giết chết.
Biểu tình tại Chemnitz kêu gọi bà Angela Merkel từ chức vì bị cáo buộc xúi dục bạo động tại Chemnitz, miền đông nước Đức, ngày 1/9/2018, sau vụ một người Đức bị giết chết.

Cảnh sát Đức ngày 1/10 bắt giữ 6 người đàn ông tình nghi thành lập một tổ chức hiếu chiến cực hữu tấn công người nước ngoài tại thành phố Chemnitz miền đông nước Đức và lập kế hoạch tấn công các chính trị gia và công chức, theo văn phòng công tố viên liên bang.

Khoảng 100 nhân viên cảnh sát được những đơn vị biệt động đặc biệt yểm trợ đã bắt giữ 6 nghi can tuổi từ 20 đến 30 tại các địa điểm trong 2 tiểu bang Saxony và Bavaria của Đức. Nhà cầm quyền cũng tiết lộ có một nghi can khác bị bắt hôm 14/9.

Những người này bị cáo buộc thành lập “Chemnitz Cách mạng”, một tổ chức được đặt tên theo thành phố nơi xảy ra án mạng của một người Đức bị đâm chết vào tháng 8 mà tin nói vụ này do di dân gây ra, khơi mào tình trạng bạo động cực hữu tệ hại nhất tại Đức trong nhiều thập niên.

“Căn cứ trên các tin tức chúng tôi có cho đến nay, các nghi can thuộc nhóm côn đồ đầu trọc và tân-Đức Quốc Xã tại khu vực Chemnitz. Những nhóm này tự xưng là các khuôn mặt lãnh đạo tại khu vực cánh hữu cực đoan ở Saxony, các công tố viên nói.

Nhóm này đã lên kế hoạch tấn công các công chức cao cấp và các chính trị gia, các công tố viên cho biết thêm.

“Trong khuôn khổ của những cuộc điều tra thêm, chúng tôi có được những chỉ dấu xác thực là tổ chức này theo đuổi những mục tiêu khủng bố,” Tổng chưởng lý liên bang nói.

Phát ngôn viên Tổng chưởng lý liên bang, bà Frauke Koehler, nói với các phóng viên là nhà cầm quyền đã nghe được các tin tức cho thấy các nghi can âm mưu tấn công các đối thủ chính trị cũng như người nước ngoài.

Năm trong số các nghi can đã tấn công và gây thương tích cho người nước ngoài tại Chemnitz vào ngày 14/9, sử dụng chai lọ thủy tinh, găng tay có khớp thép và súng điện. Nhóm này đã lên kế hoạch tấn công khác vào ngày 3/10 là quốc lễ kỷ niệm hai miền Đông và Tây Đức thống nhất vào năm 1991.

Bạo động tại Chemnitz, nơi các nhóm đầu trọc săn lùng di dân và chào theo kiểu Hitler, phơi bày sự chia rẽ sâu sắc đối với quyết định năm 2015 của Thủ tướng Angela Merkel nhận hơn một triệu người tị nạn, phần lớn theo Hồi Giáo.

Những sự kiện này đã gây căng thẳng trong chính phủ liên hiệp của bà Merkel. Đảng bảo thủ của bà và đối tác Liên minh Dân chủ Xã hội không thể nhất trí cách giải quyết đối với người đứng đầu cơ quan do thám nội địa BFV, người nghi ngờ về tính xác thực của một video cho thấy các tay đầu trọc rượt đuổi di dân. Hai bên đạt được một thỏa hiệp trong tháng trước chuyển ông này sang Bộ Nội vụ, chấm dứt sự tranh cãi suýt làm tan vỡ chính phủ vừa mới thành lập được 6 tháng.

Sự kiện tại Chemnitz cũng nêu lên nghi vấn là liệu nhà cầm quyền tại Saxony có quá tự mãn trong việc đối phó với bạo động cực hữu ngày càng tăng và sự bài ngoại hay không.

Tiếng tăm của cơ quan thi hành luật pháp Đức bị tổn thương khi xử lý vụ một băng đảng tân-Quốc xã giết chết 10 người trong một chiến dịch bạo động có động cơ phân biệt chủng tộc từ năm 2000 đến năm 2007.

Báo Sueddeutsche Zeitung nói các nhà điều tra tin là nhóm “Chemnitz Cách mạng” sẽ thực hiện nhiều vụ giết người hơn tổ chức tân-Quốc xã.

Bộ trưởng Nội vụ Horst Seehofer nói sau vụ bắt giữ ngày 1/10 rằng đe dọa tấn công của các phần tử hiếu chiến tại Đức vẫn còn cao, có nghĩa là “một cuộc tấn công có thể xảy ra bất cứ lúc nào.”

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG