Đường dẫn truy cập

Đảo chính Myanmar: Mỹ theo dõi và xem xét chế tài


Phát ngôn nhân Toà Bạch Ốc, Jen Psaki.
Phát ngôn nhân Toà Bạch Ốc, Jen Psaki.

Tổng thống Joe Biden ngày 1/2 đe dọa tái áp đặt chế tài lên Myanmar tiếp sau cuộc đảo chính của phe lãnh đạo quân sự và kêu gọi đáp ứng phối hợp quốc tế để áp lực những người này từ bỏ quyền hành.

Ông Biden lên án việc quân đội chiếm quyền từ một chính phủ dân sự và việc giam giữ nhà lãnh đạo dân cử kiêm khôi nguyên Nobel Hoà Bình, Aung San Suu Kyi, là “một cuộc tấn công trực tiếp vào sự chuyển tiếp của nước này sang dân chủ và pháp trị.”

Cuộc khủng hoảng Myanmar đánh dấu thử thách đầu tiên đối với cam kết của ông Biden về hợp tác nhiều hơn với các đồng minh trước những thách thức quốc tế, đặc biệt là trước ảnh hưởng đang lên của Trung Quốc, trái ngược với cách tiếp cận của cựu Tổng thống Donald Trump thường theo khuynh hướng “Nước Mỹ Trên Hết.”

Việc này cũng biểu hiện một chính sách chung hiếm hoi giữa phe Dân chủ của ông Biden và các đảng viên Công hòa cao cấp khi họ cùng nhau lên án vụ đảo chính và cảnh báo quân đội Myanmar là phải đối mặt với những hậu quả.

“Cộng đồng quốc tế nên cùng một tiếng nói gây áp lực lên quân đội Myanmar buộc họ lập tức từ bỏ quyền hành vừa chiếm, trả tự do cho các nhà hoạt động và các giới chức bị bắt giữ,” ông Biden nói trong một tuyên bố.

“Hoa Kỳ gỡ bỏ các chế tài Myanmar trong thập niên qua căn cứ trên tiến bộ dân chủ. Việc đảo ngược tiến trình này sẽ cần đến việc duyệt lại ngay luật và thẩm quyền chế tài của chúng ta theo sau bằng những hành động thích hợp,” ông nói.

Ông Biden cũng kêu gọi quân đội Myanmar gỡ bỏ tất cả hạn chế viễn thông và tự chế không dùng bạo lực chống lại thường dân.

Ông nói Hoa Kỳ đang lưu ý xem những ai đứng về phía người dân Myanmar trong thời khắc khó khăn này.

“Chúng ta sẽ làm việc với đối tác trên khắp khu vực và thế giới để ủng hộ việc khôi phục dân chủ và pháp trị cũng như buộc những ai đảo ngược quá trình chuyển tiếp dân chủ của Myanmar phải chịu trách nhiệm,” Tổng thống Biden nói.

Đảng Liên đoàn Toàn quốc vì Dân chủ của bà Suu Kyi đạt chiến thắng áp đảo 83% trong cuộc bầu cử hôm 8/11/2020. Quân đội tuyên bố ra tay hành động để đáp trả điều mà họ gọi là ‘gian lận bầu cử.’

Phát ngôn nhân Toà Bạch Ốc, Jen Psaki, cho hay Mỹ đã trao đổi ráo riết với các đồng minh về tình hình Myanmar, nhưng không tiết lộ về những hành động đang được cân nhắc ngoài chế tài.

Đáp câu hỏi rằng Hoa Kỳ chú ý đến cách phản hồi của các nước về tình hình Myanmar có phải là một thông điệp gửi đến Trung Quốc hay chăng, bà Psaki nói ‘Đó là thông điệp gửi đến tất cả các quốc gia trong khu vực.’

Biến cố tại Myanmar là một đòn giáng mạnh đối với chính quyền Biden và các nỗ lực của Mỹ muốn gầy dựng một chính sách Châu Á-Thái Bình Dương mạnh mẽ để đối phó với Trung Quốc.

Nhiều người trong toán chính sách Châu Á của ông Biden, kể cả người đứng đầu Kurt Campbell, là những thành viên kỳ cựu trong chính quyền Obama trước đây. Cuối nhiệm kỳ của ông Obama, họ từng ca ngợi những nỗ lực dẫn tới chấm dứt sự cai trị của quân đội tại Myanamar là thành tựu chính sách đối ngoại lớn. Ông Biden lúc đó là Phó Tổng thống của ông Obama.

Cựu Tổng thống Obama tháo dỡ chế tài cho Myanmar vào năm 2011 sau khi quân đội nước này bắt đầu nới lỏng bàn tay sắt. Năm 2016, ông Obama loan báo dỡ bỏ nhiều chế tài còn lại.

Đến năm 2019, chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump ban hành các lệnh trừng phạt nhắm vào 4 tướng lĩnh quân đội của Myanmar trong đó có Tướng Min Aung Hlaing vì những vi phạm nhân quyền liên quan tới người Hồi giáo Rohingya và các thành phần thiểu số khác.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG