Đường dẫn truy cập

Đảng NLD yêu cầu quân đội Myanmar phóng thích bà Suu Kyi


Công dân Myanmar mang hình bà Suu Kyi đứng trước văn phòng Liên Hiệp Quốc ở Bangkok, Thái Lan, vào ngày 2/2/2021.
Công dân Myanmar mang hình bà Suu Kyi đứng trước văn phòng Liên Hiệp Quốc ở Bangkok, Thái Lan, vào ngày 2/2/2021.

Đảng Liên đoàn Toàn Quốc vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi hôm 2/2 kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho vị lãnh đạo của Myanmar và yêu cầu chính quyền công nhận chiến thắng của bà trong cuộc bầu cử tháng 11, một ngày sau khi diễn ra cuộc đảo chính quân sự gây phẫn nộ trên toàn cầu, theo Reuters.

Trước đó, Hoa Kỳ đe dọa sẽ tái áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các tướng lĩnh của Myanmar sau khi họ lên nắm quyền và bắt giữ bà Suu Kyi cùng hàng chục đồng minh của bà trong các cuộc đột kích rạng sáng 1/2.

Hiện vẫn chưa rõ khôi nguyên giải Nobel Hòa bình đang bị giam giữ ở đâu sau hơn 24 giờ bà bị bắt. Thông tin liên lạc duy nhất của bà được đưa ra dưới dạng một tuyên bố được viết trước cuộc đảo chính, kêu gọi phản đối chế độ độc tài quân sự.

Reuters dẫn nguồn tin từ các nhà ngoại giao cho biết Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc sẽ nhóm họp vào chiều 2/2, trong bối cảnh có nhiều lời kêu gọi phản ứng mạnh mẽ trên toàn cầu về việc quân đội tái chiếm quyền hành tại quốc gia đã bị quân đội cai trị trong nhiều thập niên.

Cuộc đảo chính diễn ra sau khi đảng NLD của bà Suu Kyi giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử ngày 8/11, khiến quân đội không chấp nhận kết quả này và đưa ra những cáo buộc gian lận không có cơ sở.

Quân đội Myanmar sau đó trao quyền cho chỉ huy lực lượng, Tướng Min Aung Hlaing, và áp đặt tình trạng khẩn cấp trong một năm, dập tắt hy vọng quốc gia nghèo đói này có thể tiếp tục con đường đi tới một nền dân chủ ổn định.

Ủy ban điều hành NLD yêu cầu trả tự do cho tất cả những người bị giam giữ “càng sớm càng tốt”.

Trong một bài đăng trên trang Facebook của quan chức cấp cao May Win Myint, ủy ban kêu gọi quân đội công nhận kết quả bầu cử và cho phép quốc hội mới được phép làm việc, vốn theo lịch trình dự kiến là sẽ nhóm họp lần đầu tiên vào thứ Hai.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden gọi cuộc khủng hoảng là một cuộc tấn công trực tiếp vào quá trình chuyển đổi dân chủ và pháp quyền của Myanmar, đồng thời cho biết chính quyền của ông sẽ theo dõi cách các nước khác phản ứng.

“Chúng tôi sẽ làm việc với các đối tác của mình trong toàn khu vực và trên thế giới để hỗ trợ khôi phục nền dân chủ và pháp quyền, cũng như quy trách nhiệm cho những người chịu trách nhiệm về việc đảo lộn quá trình chuyển đổi dân chủ của Miến Điện”, ông Biden nói trong một tuyên bố.

Cuộc khủng hoảng được xem là một trong những bài kiểm tra lớn đầu tiên về cam kết của ông Biden trong việc hợp tác nhiều hơn với các đồng minh trước những thách thức quốc tế, đặc biệt là về ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.

Liên Hiệp Quốc đã lên án cuộc đảo chính và kêu gọi trả tự do cho những người bị giam giữ. Các quốc gia khác như Úc, Liên minh châu Âu, Ấn Độ và Nhật Bản cũng hưởng ứng tuyên bố trên.

Trong khi đó, Trung Quốc không tham gia lên án, mà chỉ nói rằng họ ghi nhận các sự kiện và kêu gọi tất cả các bên tôn trọng hiến pháp.

Các quốc gia khác trong khu vực, bao gồm cả nước láng giềng Thái Lan, từ chối bình luận về “công việc nội bộ” của Myanmar.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG