Đường dẫn truy cập

Châu Phi: Chiến trường của cuộc chiến ngoại giao Trung-Nhật


Thủ tướng Nhật Bản đang tìm cách nới rộng ảnh hưởng của nước ông Châu Phi, với chuyến công du 3 quốc gia Châu Phi trong tuần này và thảo luận những hợp đồng dầu khí và than đá trị giá nhiều tỉ đô la. Nhưng chuyến viếng thăm này cũng bộc lộ những vết thương lâu đời với đối thủ Trung Quốc, với việc các giới chức Trung Quốc tố cáo tham vọng đế quốc của Nhật và Nhật Bản chỉ trích Trung Quốc tìm cách dùng tiền bạc để khống chế các nước ở Châu Phi. Từ văn phòng tin Nam Phi của VOA tại Johannesburg, thông tín viên Anita Powell gởi về bài tường thuật về cuộc chiến ngoại giao Trung-Nhật đang diễn ra ở Châu Phi.

Qua việc cam kết tăng gấp đôi các khoản tín dụng cho các quốc gia Châu Phi lên tới 2 tỉ đô la, nhà lãnh đạo Nhật Bản đã nêu bật tầm quan trọng của chuyến công du 3 nước Châu Phi. Đây là chuyến viếng thăm Châu Phi đầu tiên của một vị Thủ tướng Nhật Bản trong vòng 8 năm.

Thủ tướng Shinzo Abe nói với các giới chức tại một cuộc họp ở trụ sở Liên hiệp Châu Phi ở Addis Ababa rằng nước ông lạc quan về tương lai của Châu Phi. Ông phát biểu như sau qua lời một thông dịch viên.

"Châu Phi đã thay đổi rất nhiều, và hiện nay ở Nhật Bản có nhiều người tin rằng Châu Phi là hy vọng của nước Nhật."

Kinh tế là động cơ chính của chuyến đi của ông Abe. Nhật Bản là nước nhập khẩu khí đốt thiên nhiên hóa lỏng nhiều nhất thế giới và tình hình năng lượng của nước này đã gặp khó khăn kể từ khi thảm họa hạt nhân Fukushima năm 2011 là cho sản lượng điện hạt nhân của họ bị sút giảm. Vì thế cho nên, ông mấy ai ngạc nhiên khi thấy ông Abe đến thăm Mozambique, cường quốc khí đốt đang trỗi dậy ở Châu Phi. Ông đã thảo luận với các giới chức ở đây về những dự án đầu tư nhiều đô la.

Tuy nhiên, sự kình địch giữa hai cường quốc Châu Á đã nhanh chóng bộc lộ tại thủ đô của Ethiopia khi Trung Quốc công khai tỏ ý hoài nghi về những ý đồ của Nhật Bản trên lục địa Châu Phi. Hai nước có một lịch sử bất hòa và đang đối đầu với nhau một cách rất căng thẳng trong vụ tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Đông Trung Hoa.

Tại Addis Ababa hôm thứ tư, Đại sứ Trung Quốc tại Liên hiệp Châu Phi, ông Tạ Hiểu Dương, đã lên tiếng chỉ trích ý đồ của Nhật Bản ở Châu Phi. Ông cũng không ngớt trưng ra với các nhà báo những hình ảnh khủng khiếp của những hành vi tàn ác của quân đội Nhật Bản trong vụ thảm sát Nam Kinh năm 1937. Nhà ngoại giao của Trung Quốc phát biểu như sau về chuyến đi của Thủ tướng Nhật.

"Quí vị biết không, ông ấy đang tim cách đưa ra hai khuôn mặt: một là một nước yêu chuộng hòa bình, một nhà lãnh đạo yêu chuộng hòa bình, nói tới chuyện hợp tác, và các vấn đề kinh tế, hòa bình và an ninh và tìm cách trở thành bạn bè của Châu Phi. Khuôn mặt mà chính khách khác này có ở Châu Á là làm tất cả những thứ mà tôi đã đề cập để gây ra những vấn đề giữa các nước. Quả thật, ông Abe đã trở thành kẻ gây rối lớn nhất ở Châu Á. Vì vậy những điều mà tôi muốn nêu lên là thế giới cần phải cảnh giác là ông thủ tướng này đang dẫn dắt nước ông đi trên một con đường rất nguy hiểm. Và cộng đồng quốc tế cần phải làm tất cả mọi việc để ngăn không cho Nhật Bản tiếp tục đi trên con đường này."

Nhật Bản cũng đã chỉ trích ý đồ của Trung Quốc ở Châu Phi. Họ nói tới thành tích nhân quyền của Trung Quốc và đề cập tới việc Trung Quốc không đối xử tử tế với người lao động Châu Phi trong các dự án đầu tư khác nhau. Trong bài diễn văn tại hộïi nghị của Liên hiệp Châu Phi ở Addis Ababa, Thủ tướng Abe đã nhấn mạnh tới điều mà ông gọi là “ngoại giao doanh thương” của Nhật Bản. Ông nói rằng các công ty Nhật Bản có một sự độc đáo là họ xem công nhân là tài nguyên quí giá nhất của họ và sự độc đáo này đã được chứng tỏ ở Châu Phi.

Ông Martyn Davies, giám đốc của công ty Frontier Advisory, chuyên nghiên cứu về các thị trường mới nổi, nói rằng quyền lợi của Nhật Bản ở Châu Phi tương tự với quyền lợi của Trung Quốc và các nước châu Á khác.

"Các cường quốc truyền thống, các nền kinh tế Tây phương, kể cả Nhật Bản, cũng như trong các cường quốc mới nổi thuộc khối BRICS, cùng với các nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn quốc, Singapore, và Malaysia; tại những nước này có một cảm nghĩ là có lẽ người Trung Quốc đang nhìn thấy những điều gì đó ở Châu Phi mà chúng ta không nhìn thấy. Và vì thế, tốt nhất là chúng ta cũng tới đây để làm ăn. Tôi cho rằng cảm nghĩ là động cơ chính của chuyến công du của ông Abe."

Mặc dù vậy, ông Davies cũng nêu lên một nhận định là Châu Phi lại một lần nữa trải qua một cuộc tranh giành ảnh hưởng của các nước trên thế giới, một cuộc tranh giành đã bắt đầu với chủ nghĩa thực dân nhưng giờ đây đang có một chiều kích khác.

"Hầu như đang có một cảm nghĩ là đây là một cuộc tranh giành mới ở Châu Phi, cuộc tranh giành thứ ba. Cuộc tranh giành thứ nhất là về tài nguyên và lãnh thổ. Cuộc tranh giành thứ nhì có liên hệ tới sự gắn bó về ý thức hệ và về đồng minh chính trị. Và có lẽ đối với vụ tranh giành thứ ba này, chúng ta chưa thể xác định động cơ của nó là gì. Tôi nghĩ rằng phải chăng Trung Quốc là yếu tố xúc tác, là động cơ của việc này. Rõ ràng không phải là vì lãnh thổ, không phải vì tài nguyên. Có thể là vì dầu khí ở một mức độ nào đó. Nhưng nếu bỏ qua dầu khí thì nó lại không phải là một cuộc tranh giành tài nguyên. Vậy thì điều gì thúc đẩy cho nó? Tôi nghĩ rằng cuộc tranh giành mới này, có lẽ lý do của sự có mặt của ông Abe ở đây là địa chính trị. Tôi nghĩ rằng rốt cuộc thì mục đích của sự tranh giành là để chiếm người tiêu thụ, để tranh thủ trái tim, khối óc và cái ví tiền của những người tiêu thụ đang mỗi ngày một đông ở Châu Phi."

Nhật Bản và Trung Quốc chắc chắn sẽ tiếp tục tìm cách vượt qua quá khứ phức tạp của họ. Nhưng ở đây, tại Châu Phi, nỗ lực đó sẽ diễn ra với những cách thức khá thú vị và phức tạp.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG