Đường dẫn truy cập

Biểu tình phản đối dự luật an ninh trước Quốc hội Nhật Bản


Người biểu tình hô khẩu hiệu chống dự luật an ninh trong cuộc biểu tình phía trước tòa nhà Quốc hội ở Tokyo, ngày 17/9/2015.
Người biểu tình hô khẩu hiệu chống dự luật an ninh trong cuộc biểu tình phía trước tòa nhà Quốc hội ở Tokyo, ngày 17/9/2015.

Hàng ngàn người biểu tình bên ngoài trụ sở quốc hội Nhật ngày hôm nay, và bên trong nghị viện, các dân biểu đối lập lớn tiếng phản đối và xô xát với những dân biểu thuộc liên minh đương quyền do Đảng Tự do Dân chủ lãnh đạo. Theo tường thuật của thông tín viên Brian Padden của đài VOA ở Seoul, dự luật an ninh gây nhiều tranh cãi dự kiến sẽ được thông qua vào ngày mai để cho phép quân đội Nhật nắm giữ một vai trò lớn hơn trong việc bảo vệ an ninh khu vực.

Trong lúc các nhà lập pháp Nhật chuẩn bị biểu quyết về những dự luật an ninh gây nhiều tranh cãi, hàng ngàn người chống đối thuộc phe chủ hoà đã ra sức vận động để chống lại việc cho phép Lực lượng Tự vệ được chiến đấu ở nước ngoài lần đầu tiên kể từ Thế chiến Thứ hai.

Những dự luật này, theo dự liệu, sẽ được thông qua vào ngày mai, nhưng sự chống đối của công chúng đã gia tăng trong vài tháng nay giữa lúc giới sinh viên dẫn đầu những cuộc biểu tình phản đối trên khắp nước.

Các dự luật an ninh sẽ sửa đổi 10 đạo luật hiện hành và dành cho quân đội nhiều quyền hạn hơn để bảo vệ dân chúng và quyền lợi quốc gia, để tham gia công tác phòng vệ chung và bảo vệ cho các nước đồng minh như Hoa Kỳ.

Thủ tướng Shinzo Abe và những người ủng hộ ông cho rằng Nhật Bản cần chống lại những mối đe dọa từ các nước như Trung Quốc và Bắc Triều Tiên, là những đang tăng cường sức mạnh quân sự và khả năng hạt nhân của mình.

Những người chống đối cho rằng những dự luật này sẽ vi phạm Điều 9 của bản hiến pháp hậu chiến, theo đó Nhật Bản từ bỏ việc sử dụng sức mạnh tấn công để tiến hành chiến tranh hoặc để giải quyết những vụ tranh chấp quốc tế. Họ cũng nói rằng những dự luật mới sẽ làm cho nước Nhật vướng vào những vụ xung đột quốc tế.

Giáo sư Jeff Kingston, giám đốc chương trình Nghiên cứu Châu Á của Đại học Temple ở Tokyo, cho biết như sau về chủ trương của phe chống đối.

"Hầu hết những người này lo ngại là những luật lệ mới, những luật lệ sẽ huỷ bỏ những sự hạn chế trong hiến pháp đối với quân đội Nhật, sẽ có nghĩa là bằng một cách nào đó, tại một nơi nào đó, vào một lúc nào đó Nhật Bản sẽ bị Mỹ lôi kéo vào chiến tranh và họ cho rằng điều đó sẽ không thật sự làm cho khả năng răn đe của Nhật trở nên mạnh mẽ hơn."

Liên minh của Thủ tướng Abe tại quốc hội có đủ phiếu để thông qua luật mới và dự kiến họ sẽ làm như vậy vào ngày mai, nhưng ông Abe phải trả giá đắt cho thắng lợi này. Những nỗ lực giờ chót để ngăn chận và gây trì hoãn cho cuộc biểu quyết đã làm cho phe chống đối trở nên hăng hái hơn trước và làm cho công luận nghiêng hẳn về phe đối lập. Một cuộc thăm dò mới đây cho thấy 59% những người được hỏi ý kiến phản đối luật mới, trong khi tỉ lệ ủng hộ chỉ có 29%.

Những người thuộc phe chủ hoà hứa sẽ động viên cử tri để đánh bại những nhà lập pháp ủng hộ luật mới trong cuộc bầu cử Thượng viện vào năm sau.

Giáo sư Kingston cho biết trong những cuộc bầu cử trong thời gian qua phe đối lập đã bị chia rẽ và tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu, nhất là trong giới trẻ, đã nằm ở mức thấp.

"Phe bảo thủ được dễ dàng hơn để gây hứng khởi cho những người ủng hộ họ để giành được thắng lợi trong các cuộc bầu cử, trong lúc phần lớn những người khác trên cơ bản đã từ bỏ những sinh hoạt chính mạc và không còn quan tâm nữa."

Những hoạt động chống đối các dự luật an ninh đã khởi động lại sự quan tâm của người dân đối với cuộc tranh luận chính trị, ít ra là vào lúc này.
Hoa Kỳ ủng hộ các dự luật cho phép đồng minh Nhật Bản nắm giữ một vai trò tích cực hơn trong công cuộc bảo vệ an ninh khu vực.

Trung Quốc và những nước Châu Á khác từng bị khốn khổ vì sự chiếm đóng của Nhật trong thời Thế chiến Thứ hai tỏ ý lo ngại là những dự luật an ninh này là dấu hiệu cho thấy Tokyo muốn trở thành một cường quốc quân sự một lần nữa.

Giáo sư Kingston cho rằng những vụ phản kháng trong thời gian qua phản ánh một xu hướng chủ hoà mạnh mẽ đã in sâu trong tâm trí người Nhật trong 70 năm nay.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG